VỢ NGƯỜI HỌ TRÌNH GIỮ GIẦY
Thời nhà Nguyên, có người tên là Trình Bàng Cử và vợ bị Trương Vạn Hộ bắt về, sau đó ép họ lấy nhau. Người vợ bảo Trình Bàng Cử bỏ trốn, Trình Bàng Cử hoài nghi vợ thử lòng mình nên báo cho Trương Vạn Hộ biết. Trương Vạn Hộ đánh vợ Trình Bàng Cử một trận. Mấy hôm sau, người vợ lại bảo Trình Bàng Cử bỏ trốn, Trình Bàng Cử càng hoài nghi, lại đi báo cho Trương Vạn Hộ biết, Trương Vạn Hộ rất tức giận bèn bán vợ Trình Bàng Cử cho người khác. Lúc chia tay, vợ của Trình Bàng Cử dùng chiếc giầy thêu của mình đổi lấy một chiếc giầy của chồng rồi nói với chồng rằng: “Sau này chúng ta cầm chiếc giầy này để gặp lại nhau”. Trình Bàng Cử lúc này mới biết ý tốt của người vợ. Ông thật sự rất cảm động bèn theo lời nói trước đây của người vợ âm thầm bỏ trốn.
Vợ của Trình Bàng Cử đem tiền tích góp từ việc dệt vải để chuộc thân, sau đó vào chùa làm ni cô, cứ như thế sống hơn 30 năm. Trình Bàng Cử tuy đã giàu có nhưng cũng không lấy vợ, đến khi nghe ngóng được vợ làm ni cô ở trong chùa thì dùng chiếc giầy thêu đến đón vợ về. Sau này hai người lại thành vợ chồng và sống với nhau đến già.
Vợ Trình Bàng Cử rất mực yêu chồng mà lại chịu nhiều gian khổ. Khi ly biệt lại đổi giầy để làm tín vật. Nàng đến nhà của người chủ mới, khi ngủ không bao giờ cởi quần áo, hàng ngày đều chăm chỉ làm việc. Sau này, nàng dùng tiền tích góp được từ việc dệt vải để chuộc thân rồi vào chùa làm ni cô. Tấm lòng trong sạch trinh tiết của nàng, ba mươi năm trời cũng không thay đổi. Ông trời thương xót nàng, cho nên cuối cùng để nàng gặp lại chồng mình.
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỨC HẠNH PHỤ NỮ
PHẦN 4: TÍN – NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ GIỮ CHỮ TÍN CỦA PHỤ NỮ