NGƯỜI VỢ NHÂN NGHĨA HỌ CAO
Thời nhà Tống, có chàng trai họ Trương, vợ của chàng họ Cao, là người đất Dư Diêu Chúc Hồ. Khi còn chưa về nhà chồng, chàng trai họ Trương bị mù mắt, thế là nhờ người làm mai đến nhà họ Cao, nói với cha mẹ của nàng rằng: “Tôi không may bị mù nên không muốn leo cao, vậy hãy bảo lệnh ái lấy chồng khác”. Cha mẹ của nàng sắp đồng ý thì nàng khóc lóc mà rằng: “Phàm là hai nhà đằng trai đằng gái sau khi đã đính hôn thì bất luận là họa hay phúc thì hai bên cũng không được đổi thay. Hiện nay sau khi con được hứa gả cho người ta thì người ta mới bị mù, đây là số mệnh của con phải lấy người chồng mù. Giả sử con bỏ chàng, vậy thì còn có ai dám làm vợ của chàng nữa? Nếu như chàng vì con không lấy chàng mà bị đói rét, vậy thì con còn mặt mũi nào sống trên đời này?”. Cha mẹ của nàng cũng cảm động với lời nói của nàng nên đồng ý cho kết hôn với chàng trai họ Trương.
Sau khi nàng đến làm dâu nhà chàng trai họ Trương thì chăm chỉ làm việc để nuôi chồng, cả đời bình an vô sự. Người trong làng đều khen nàng là người hiền đức bèn đặt cho nàng biệt hiệu gọi là người vợ nhân nghĩa.
Sau khi kết hôn có thể giữ đạo nghĩa là điều dễ dàng. Chưa kết hôn mà có thể giữ vững đạo nghĩa mới là khó. Bởi vì chưa thành vợ của người ta, huống hồ lời nói không lấy nữa lại do chồng nàng nói ra. Vả lại, làm thân con gái ở nhà phải vâng theo lời cha mẹ. Cha mẹ sắp đồng ý mà nàng kiên quyết không do dự vẫn muốn lấy chàng trai họ Trương. Mấy câu nói làm xoay chuyển cha mẹ, cuối cùng cũng kết hôn với chàng trai họ Trương, siêng năng phụng dưỡng chồng, cả đời được bình yên vô sự. Thời nhà Minh có vợ của Lý Khang Hầu là Trương Thất, có thể nói là noi theo người này vậy.
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỨC HẠNH PHỤ NỮ
PHẦN 6: NGHĨA – NHỮNG CÂU CHUYỆN NHÂN NGHĨA CỦA NGƯỜI NỮ