Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!

A CỐC XỬ NỮ

 

A Cốc xử nữ là cô gái giặt áo ở ven đường núi A Cốc. Khổng Tử và đệ tử ngao du về phía Nam, trên đường đi qua đường núi A Cốc, thấy một cô gái đeo ngọc đang giặt áo. Khổng Tử nói với Tử Cống rằng: “Có thể nói chuyện với người con gái đang giặt áo kia không?”, rồi lấy chiếc chén đưa cho Tử Cống nói: “Nói chuyện với nàng ta, xem chí hướng của nàng ta”. Tử Cống tiến lại gần nói: “Tôi là kẻ thô kệch ở phương Bắc, từ phương Bắc xuống phía Nam, muốn đến nước Sở, đúng lúc trời nắng to, trong lòng rất khát, mong có một chén nước để uống, giảm bớt cảm giác nóng bức”. Người con gái nói: “Đường núi A Cốc là nơi quanh co tĩnh mịch, dòng nước ở đây, một bên trong, một bên đục, đều chảy ra biển lớn. Ngài muốn uống thì uống, hà tất phải hỏi thiếp?”. Nhưng vẫn cầm lấy chiếc chén của Tử Cống, hướng về phía ngược dòng nước để múc nước, rồi lại đổ đi, sau đó xuôi theo dòng nước để múc nước, nước đầy muốn tràn ra ngoài chiếc chén. Cô gái quỳ xuống để chiếc chén trên mặt cát rồi nói: “Theo yêu cầu của lễ nghĩa, thiếp không thể tận tay giao chiếc chén cho Ngài”. Tử Cống quay về, đem lời nói của cô gái kể cho Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Ta đã biết”.

Khổng Tử lấy đàn ra, rút cái trục vặn dây đàn rồi giao cho Tử Cống nói: “Lại đi nói chuyện với nàng ta”. Tử Cống đi đến chỗ cô gái nói: “Vừa nãy nghe nàng nói như gặp làn gió mát, rõ ràng rất hài hòa dịu dàng, làm cho lòng ta được bình yên. Nay ta có cây đàn, nhưng bị mất trục vặn dây đàn, mong nàng có thể chỉnh âm giúp”. Cô gái nói: “Thiếp là người quê mùa, từ nhỏ kiến thức nông cạn, không biết âm nhạc. Sao có thể chỉnh đàn?”. Tử Cống quay về, đem lời của cô gái kể cho Khổng Tử, Khổng Tử nói: “Ta đã biết rồi, gặp Thánh Hiền nàng sẽ tỏ lòng tôn kính”.

Khổng Tử lại lấy năm lạng vải đay giao cho Tử Cống nói: “Tiếp tục đi nói chuyện với nàng ta”. Tử Cống đi đến chỗ cô gái nói: “Tôi là người thô kệch ở phương Bắc, từ Bắc đến phương Nam, muốn đến nước Sở. Nay có năm lạng vải đay, không dám dùng để so sánh với giá trị con người của nàng, mong được ở bên cạnh nàng”. Cô gái nói: “Người qua đường, sao có thể nói là vĩnh cửu, phí tổn đồ vật, vứt nơi quê mùa. Thiếp tuy còn nhỏ tuổi, sao dám nhận đồ vật của Ngài? Nay Ngài chưa thành thân, nhưng thiếp đã biết tên chồng của mình”. Tử Cống trở về kể lại cho Khổng Tử nghe. Khổng Tử nói: “Ta đã biết rồi, người con gái này thông tình đạt lý, lại hiểu rõ lễ nghĩa”.

Kinh Thi có câu: “Nam hữu kiều mộc, Bất khả hưu tức” (Núi nam có cây trụi cao, Mọi người chẳng thể tựa vào nghỉ ngơi) là có ý này.

 

Có thơ khen rằng: Khổng Tử xuất du, A Cốc chi nam, dị kỳ xử nữ, dục quan kỳ phong, Tử Cống tam phản, nữ từ biện thâm, Tử viết đạt tình, tri lễ bất dâm.

(Tạm dịch: Khổng Tử du ngoạn, đến phía nam A Cốc, gặp người con gái cảm thấy kinh ngạc, muốn xem dân tình nơi đây, nên để Tử Cống ba lần đi lại. Ngôn từ của xử nữ có ý sâu xa, Khổng Tử nói nàng thông tình đạt lý, biết lễ nghĩa lại không dâm loạn).


CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 6 – BIỆN THÔNG TRUYỆN


LIỆT NỮ TRUYỆN

  Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (2985 downloads )

  Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (2650 downloads )



Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!