Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!

LỖ QUÝ KÍNH KHƯƠNG

Lỗ Quý Kính Khương là con gái nước Cử, hiệu là Đới Kỷ, vợ của đại phu nước Lỗ Công Phụ Mục Bá, mẹ của Công Văn Bá, là vợ ông họ của Quý Khang Tử. Bà hiểu nhiều biết rộng, tinh thông lễ nghĩa. Mục Bá mất sớm. Bà ở vậy nuôi con thủ tiết thờ chồng. Một lần, Văn Bá đi học về, Kính Khương liếc mắt nhìn, thấy bạn bè theo Văn Bá đi vào nhà, rồi từ bậc thềm đi giật lùi, tay cầm kiếm đứng thẳng, hầu hạ Văn Bá giống như đối với cha và anh vậy. Văn Bá tự cho rằng mình đã trưởng thành. Kính Khương gọi Văn Bá lại mắng rằng: “Ngày xưa khi Chu Vũ Vương bãi triều, dây buộc tất trên chân bị đứt, nhìn xung quanh không thấy ai có thể sai khiến được bèn tự mình cúi xuống buộc lại, do đó có thể thành tựu Vương đạo. Tề Hoàn Công có ba người bạn có thể tranh biện với mình, có năm vị hạ thần có thể khuyên can mình, có 30 người hàng ngày vạch trần sự sai lầm của mình, do vậy mà có thể xây dựng bá nghiệp. Khi Chu Công Đán ăn cơm đã ba lần dừng lại, khi gội đầu dở cũng ba lần vén tóc để tiếp đãi người hiền, còn đem lễ vật đến hang cùng ngõ hẻm để viếng thăm hơn 70 người, do vậy mà có thể duy trì sự thống trị của Vương thất nhà Chu. Hai Thánh một hiền ba người họ đều là những vị Vua có tài năng bá Vương mà chịu hạ mình trước người khác. Người mà họ giao du cũng đều giỏi hơn mình, cho nên bất giác họ cũng giỏi lên. Hiện nay con còn nhỏ, chức vị thấp. Người mà con giao lưu đều là người phục vụ con, rõ ràng là cứ như thế này thì con sẽ không có tiền đồ phát triển gì”.  

Văn Bá nhận sai, từ đó trở đi đều chọn thầy giỏi bạn hiền để phụng dưỡng, chọn những người tuổi cao đức trọng để giao du. Đối với họ, Văn Bá đều chỉnh trang mũ áo, đích thân biếu tặng đồ ăn. Kính Khương bảo: “Văn Khương đã khôn lớn thành người rồi”. Bậc quân tử khen ngợi Kính Khương là người chú ý giáo dục cảm hóa toàn diện. Kinh Thi có câu: “Tể tể đa sỹ, văn vương dĩ ninh” (Nhân sỹ hiền tài đông đúc, Văn Vương dựa vào họ khiến quốc gia yên định) là để chỉ việc này.

Sau này, Văn Bá làm Tướng quốc nước Lỗ, Kính Khương bảo con trai rằng: “Ta bảo con rằng yếu lĩnh trị quốc giống như sợi dọc của vải dệt. Khổ dùng để điều chỉnh đúng sai nên không thể không cứng cỏi. Cho nên người giống như Khổ có thể làm tướng lĩnh. Họa dùng để làm cho đồng đều, làm cho phục tùng, người giống như Họa có thể làm chính quan. Vật dùng để xử lý các việc rườm rà và rộng hẹp dài ngắn, người như Vật có thể làm Đô đại phu. Qua lại dẫn lối, đi về không ngừng, đó là Khổn, người giống Khổn có thể là đại hành nhân (quan ngoại giao). Có thể đưa đi dẫn lại là Tông, người như Tông có thể làm thầy giáo. Có thể làm chủ số lượng nhiều ít là Quân, người như Quân có thể làm nội sử. Có thể kiên cố chính trực, gánh nặng đường xa là Trục, người như Trục có thể làm Tể tướng. Co dãn tùy ý vô cùng tận là Trích, người như Trích chức vị có thể làm đến Tam Công”. Văn Bá nghiêm túc nghe mẹ dạy bảo.

Sau khi bãi triều, Văn Bá về nhà, đi gặp mẹ. Mẹ Kính Khương đang dệt vải. Văn Bá nói: “Nhà chúng ta như vậy mà mẹ lại phải dệt vải, e là làm cho tổ tiên khiển trách, cho rằng con không phụng dưỡng được mẹ!”. Kính Khương nghe xong bèn than rằng: “Chẳng nhẽ nước Lỗ không còn hy vọng rồi sao! Để con trẻ làm quan mà lại không dạy cho rõ đạo lý làm quan. Nào! Để mẹ bảo cho mà nghe! Ngày xưa các bậc Vua anh minh trị vì nhân dân, chọn nơi đất đai cằn cỗi để cho nhân dân cư trú sinh sống là để cho nhân dân chăm chỉ lao động, như vậy mới cai quản thiên hạ lâu dài được. Bởi vì nhân dân chăm chỉ lao động mới có thể suy nghĩ, vì suy nghĩ mới có thể nảy sinh thiện tâm. Sống trong an nhàn thì sẽ chìm đắm hưởng lạc quá độ, vì quá độ chìm đắm hưởng lạc sẽ quên đi lòng lương thiện, tâm sẽ sinh ác niệm. Đa số người sống ở nơi đất đai phì nhiêu đều không thành tài, là bởi vì quá độ chìm đắm hưởng lạc. Người sống nơi đất đai cằn cỗi thì nhiều nhân nghĩa vì họ có thể chịu khó lao động. Cho nên, thiên tử hàng ngày long trọng nghênh đón ánh mặt trời, cùng với tam công cửu khanh học tập đức hạnh của đất mẹ. Buổi trưa hàng ngày điều tra khảo cứu chính sự, cùng với bá quan xử lý chính sự quốc gia để cho các cấp quan viên xử lý những việc nhân gian. Đến chập tối lại cùng quan Thái sử, Tư tải (quan khảo sát thiên văn) nghiên cứu thiên văn lịch pháp. Sau khi mặt trời lặn phải đôn đốc nữ quan Phi tần chuẩn bị đồ lễ để cúng tế, sau đó mới được đi ngủ.

Chư hầu sáng sớm hàng ngày tu tập theo lệnh của Vua, ban ngày phải chăm chỉ điều tra khảo cứu quốc chính, chập tối kiểm tra việc chấp hành hình pháp, buổi tối phải nhắc nhở các thợ bách nghệ để cho họ không sa đắm lười biếng, sau đó mới có thể yên tâm đi nghỉ.  

Khanh đại phu sáng sớm hàng ngày cân nhắc trách nhiệm công việc của mình, ban ngày phải hoàn thành các việc chính sự, chập tối phải kiểm tra lại những việc đã làm, buổi tối mới xử lý việc nhà, sau đó mới được yên tâm nghỉ ngơi.

Kẻ sĩ sáng sớm hàng ngày phải suy nghĩ đến học vấn, ban ngày chăm chỉ học hành, chập tối ôn tập lại những gì đã học, buổi tối suy xét cả ngày có lỗi lầm không, không có điều hối tiếc thì sau đó mới yên tâm ngủ nghỉ.

Dân thường thì trời sáng dậy đi làm, trời tối thì nghỉ ngơi, hàng ngày lao động không lười biếng. 

Vương Hậu tự bện chùm tua rủ hai bên mũ, phu nhân của công hầu thì thêm tua quai mũ, vợ của khanh đại phu làm đai lớn, mệnh phụ làm lễ phục, vợ của kẻ sĩ thì làm thêm triều phục, từ bình dân bách tính trở xuống đều không ngừng cố gắng để cho chồng có quần áo để mặc. Thờ cúng vào mùa xuân, mùa đông thì mọi người đều có việc, trai gái mỗi người có nhiệm vụ của mình, không thể hoàn thành thì sẽ bị trách phạt, đây là chế độ từ xưa đã có. Người đời lao tâm khổ chí, người bình thường bỏ sức, đây là lời giáo huấn của Tiên đế. Từ trên xuống dưới, không có người nào dám thích hưởng thụ an nhàn mà không bỏ sức lực.

Hiện nay, mẹ chỉ là một người đàn bà góa chồng, còn địa vị của con cũng không cao. Cho nên hàng ngày mẹ làm việc không quản ngày đêm mà còn sợ sẽ quên đi sự nghiệp của Tổ tiên, nếu như lười biếng thì không biết sẽ bị trừng phạt như thế nào! Mẹ mong con hàng ngày có thể gắng sức, nhắc con rằng nhất định không được phụ lòng kỳ vọng của Tổ tiên, mà con hỏi mẹ tại sao không an nhàn hưởng phúc. Con lấy cái tâm này mà ham muốn làm quan thì mẹ e là nhà Mục Bá phải tuyệt hậu rồi!”.

Sau khi Khổng Tử biết được việc này bèn nói: “Các đệ tử hãy ghi nhớ, vợ của Công Phụ Mục Bá không ham muốn hưởng thụ an nhàn!”. Kinh Thi có câu: “Phụ vô công sự, hưu kỳ tàm chức” là nói người phụ nữ lấy việc dệt vải là việc chính. Phụ nữ không có việc gì để làm, không dệt vải là hành vi không hợp lễ phép.

Văn Bá mời Nam Cung Kính Thúc uống rượu, Lộ Đổ Phụ là khách quý, bưng cho Đổ Phụ con ba ba rất bé. Đổ Phụ sau khi nhìn thấy vô cùng tức giận, mọi người mời ăn ba ba, Đổ Phụ khước từ rằng: “Đợi sau khi ba ba lớn ta sẽ ăn!”, thế rồi phẩy tay áo bỏ đi. Sau khi Kính Khương biết được thì vô cùng tức giận nói: “Ta nghe ông nội của con từng nói, cúng tế là để cúng dường người được cúng dường, mời khách là để cúng dường khách quý. Ba ba đối với người mà nói thì có đáng gì. Sao có thể vì việc này để khách quý không vui”, thế là đuổi Văn Bá ra khỏi nhà. Năm ngày sau, các đại phu nước Lỗ cầu xin cho Văn Bá, cuối cùng mới được về nhà. Cho nên bậc quân tử nói Kính Khương vô cùng cẩn thận ngay cả với những việc nhỏ nhặt. Kinh Thi có câu: “Ngã hữu chỉ tửu, gia tân thức yến dĩ lạc” (Ta có rượu ngọt, khách uống cùng vui), đây là nói phải tôn trọng khách.

Sau khi Văn Bá mất, Kính Khương khuyên bảo thê thiếp của Văn Bá rằng: “Ta nghe nói rằng người con trai mà lo việc trong nhà sẽ vì thê thiếp mà chết, lo việc bên ngoài sẽ vì kẻ sĩ mà chết. Hiện nay, con ta đã mất, ta không vui khi người đời nói rằng con ta vì thê thiếp mà mất. Điều này cũng là nỗi nhục của các con. Khi cúng tế không để lộ bộ dạng tiều tụy, không được rơi nước mắt, không đươc đấm ngực kêu khóc, không được lo buồn, chỉ được giảm bớt các yêu cầu về tang chế, không được nâng cao yêu cầu về tang chế, căn cứ theo lễ nghi mà nên yên lặng nghiêm trang, như vậy mới thực sự kính trọng con ta”.

Sau khi Khổng Tử biết được bèn nói: “Hiểu được người phụ nữ không ai bằng phụ nữ, hiểu được người đàn ông không ai bằng người đàn ông. Vợ Mục Bá đều hiểu hết. Việc này thể hiện cái đức tề gia của bà”

Kinh Thi có câu: “Quân tử hữu cốc, di quyết tôn tử” (phúc đức của người quân tử để lại cho con cháu) là để nói về việc này.

Kính Khương chịu tang, sáng khóc Mục Bá, chiều khóc Văn Bá. Khổng Tử biết được bèn nói: “Vợ Mục Bá thực sự là biết lễ nghĩa, đều yêu thương chồng con, nhưng không thiên vị ai, trên dưới có quy củ phép tắc”.

Cháu trai Kính Khương là Quý Khang Tử làm quan chấp chính trong triều, lại là tộc trưởng. Khi lên triều, Khang Tử có nói chuyện với Kính Khương, Kính Khương không trả lời. Khang tử đi theo bà đến tận cửa phòng, lại hỏi bà lần nữa, Kính Khương không trả lời mà bước vào phòng. Sau khi Khang Tử bái triều về liền đi gặp Kính Khương nói rằng: “Cháu không thấy bà căn dặn gì? Có phải có chỗ đắc tội với bà không ạ?”. Kính Khương nói: “Cháu không nghe nói sao! Khi Vua với chư hầu nghị sự là ở triều nội. Các quan từ khanh đại phu trở xuống là ở ngoài triều. Khi nói truyện nhà là ở phòng trong, mà sau cửa phòng ngủ mới là nơi người phụ nữ quản lý. Ngoài triều cháu là quan, nội triều cháu là tộc trưởng chủ trì gia tộc Quý thị, đều là nhưng nơi mà ta dám nói chuyện”.

Khang Tử đến chỗ Kính Khương, đều ở ngoài cửa nói chuyện với bà, không bao giờ vượt quá giới hạn. Khi cúng tế truy điệu con, Khang Tử tham gia, Kính Khương không đích thân nhận rượu đáp lễ của Khang Tử, cúng xong không cùng Khang Tử ăn uống, khi không có mặt của chủ tế thì không cùng Khang Tử cúng tế, cúng xong, ăn uống chưa xong Kính Khương đã dời đi. Khổng Tử nói rằng Kính Khương có thể phân biệt lễ nghĩa nam nữ. Kinh Thi có câu: “Nữ dã bất sảng” (người nữ không có gì sai trái) là nói điều này.

 

Có thơ ca ngợi: Văn Bá chi mẫu, hiệu viết Kính Khương, thông đạt tri lễ, đức hạnh quang minh, khuông tử quá thất, giáo dĩ pháp lý, Trọng Ni hiền yên, liệt vi từ mẫu.

(Tạm dịch: Mẹ của Văn Bá, hiệu là Kính Khương, thông đạt lễ nghĩa, đức hạnh quang minh, dạy con sửa sai, dạy cho phép tắc, Khổng Tử khen ngợi, xếp hàng từ mẫu).


CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 1 – MẪU NGHI TRUYỆN


LIỆT NỮ TRUYỆN

  Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (1531 downloads )

  Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (1303 downloads )



Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!