Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP NỮ ĐỨC

CHƯƠNG HAI: PHU PHỤ (ĐẠO VỢ CHỒNG)

[1]Tôi kết hôn đến năm nay đã được mười sáu năm. Tôi kết hôn hơi sớm, tốt nghiệp đại học được một năm thì đã kết hôn rồi. Đời sống hôn nhân trong mười sáu năm qua cũng có rất nhiều cảm xúc. Trước khi học văn hóa truyền thống thì tôi cũng đã đi qua rất nhiều con đường vòng, lộ trình tâm thức của bản thân thật sự khó mà nói cho hết được, ngọt bùi cay đắng đều có cả. Cuối cùng tổng kết lại, bất luận là hôn nhân mỹ mãn hay là đời sống gia đình hạnh phúc, thực sự không phải cầu được từ bên ngoài mà là cầu từ trong tâm chính mình.

Từ năm ngoái, tôi bắt đầu học tập văn hóa truyền thống, học tập “Đệ Tử Quy”, học tập “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”. Ở trong nước tổ chức rất nhiều những buổi luận đàm văn hóa truyền thống tôi đều đến tham gia, đều đi nghe. Cảm xúc lớn nhất đó là văn hóa truyền thống chính là sự giáo dục về tình yêu thương. Văn hóa truyền thống dạy chúng ta hai điều, đó là “ngũ luân”“ngũ thường”.

Điều đầu tiên là dạy cho chúng ta về những mối quan hệ trong cuộc sống giữa người với người. Trong văn hóa truyền thống gọi là ngũ luân. Điều thứ hai là dạy chúng ta nên căn cứ vào những đạo lý nào để xử lý năm mối quan hệ này. Trong văn hóa truyền thống gọi là ngũ thường. Tôi cảm thấy, nói đến cuối cùng chính là bốn chữ này.

Quan hệ vợ chồng là mối quan hệ đứng đầu trong “ngũ luân”. Có vợ chồng rồi mới có quan hệ cha con, quan hệ anh em, quan hệ quân thần. Khi tôi học “Đệ Tử Quy”, tôi nghĩ “Đệ Tử Quy” tổng cộng có bảy chương, nhưng không hề nhắc đến quan hệ vợ chồng, mà chỉ nhắc đến “nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ”. Đó là quan hệ cha con, quan hệ anh thương em kính, phía sau còn nhắc đến quan hệ bạn bè phải giữ chữ “tín”, bao gồm quan hệ quân thần cũng đều nhắc đến. Nhưng vì sao không nói đến quan hệ vợ chồng? Vấn đề này đã khiến tôi vướng mắc rất lâu.

Tôi là một người rất thích đọc truyện ký. Năm ngoái, tôi đọc một cuốn truyện ký tên là “Thích Ca Mâu Ni Phật Truyện”. Trong cuốn truyện ký này, có một đoạn kể về việc Đức Phật đã làm thế nào để giáo huấn một người con dâu không hiếu thuận. Năm đó ở Ấn Độ, có một người trưởng giả giàu có, trong nhà có rất nhiều tiền của, gia đình đó có bảy người con. Người con trai út lấy được một người vợ gia thế vô cùng tốt, dung mạo cũng rất thanh tú, xinh đẹp, tên là Ngọc Da Nữ. Ngọc Da Nữ cậy nhà mình có tiền, có thế, dung nhan lại rất đẹp, nên sau khi được gả vào nhà chồng thì vô cùng kiêu ngạo, không làm việc nhà, chỉ ham muốn hưởng thụ. Hơn nữa, cô không hiếu thuận cha mẹ chồng. Cha chồng của cô chính là vị trưởng giả này, ông rất lo lắng. Có một lần, ông đã khẩn cầu Đức Phật đến nhà mình để giáo hóa cô con dâu này. Đức Phật rất từ bi, Ngài nói: “Được, không vấn đề gì, ta sẽ đến nhà ông một chuyến”.

Khi Đức Phật đến nhà trưởng giả, tất cả mọi người trong nhà đều ra bái kiến Đức Phật, nhưng Ngọc Da Nữ rất ngạo mạn, trốn phía sau bình phong không ra. Thế nhưng, khi cô nhìn thấy tướng mạo tốt đẹp, trang nghiêm không gì sánh bằng của Đức Phật thì cô không kiềm chế được, bước ra bái kiến Đức Phật. Phật liền bắt đầu dạy cô, một người phụ nữ phải nên làm phụ nữ như thế nào, nên làm vợ ra sao. Điều này đã làm tôi ấn tượng đặc biệt sâu. Mỗi lần học tập văn hóa truyền thống, bao gồm cả việc học “Nữ Giới”, tôi đều nghĩ đến những lời nói đó của Đức Phật, tôi còn lấy đoạn văn này làm thành một chương trình power point để trình chiếu cho toàn thể nhân viên của chúng tôi xem. Nhân viên nam và nhân viên nữ tôi đều cho xem. Đối với những đồng nghiệp nam thì tôi hy vọng, sau khi trở về thì họ sẽ chia sẻ với vợ của mình.

Năm vai trò của người làm Vợ

Hai tháng này tôi ở nhà tu học “Nữ Giới”, tôi cũng đã đọc qua vài lần rồi. Đức Phật nói, làm một người vợ thì bạn phải làm “ngũ phụ”, chính là năm vai trò của người làm vợ.

Thứ nhất, bạn phải làm “mẫu phụ” (vợ như mẹ). “Mẫu” trong từ mẫu thân, “phụ” trong từ tức phụ, ý nói bạn phải yêu thương chồng mình giống như một người mẹ yêu thương con trai mình vậy.

Thứ hai, bạn phải làm “thần phụ” (vợ như bề tôi). “Thần” trong từ đại thần, ý nói bạn phải giống như một người thần tử trung thành tuyệt đối với quân vương của mình vậy.

Thứ ba, bạn phải làm “muội phụ” (vợ như em gái). Phải giống như em gái đối với anh trai vậy, “trưởng ấu hữu tự” (lớn nhỏ có thứ lớp).

Thứ tư, bạn phải làm một “tỳ phụ” (vợ như nô tỳ). “Tỳ” trong từ nô tỳ, ý nói bạn phải giống như một người nô tỳ đối với chủ nhân vậy, vô cùng cung kính, chăm sóc thì vô cùng chu đáo.

Cuối cùng mới là “phu phụ” (vợ như một người vợ). Ý nói vợ chồng phải kính nhau như khách, yêu thương lẫn nhau.

Tôi đã suy nghĩ rất lâu. Sau đó, vào một buổi tối, tôi đem năm câu nói này của Đức Phật chia sẻ với chồng mình. Chồng tôi học vấn rất cao, anh là một thạc sĩ. Trong thời gian học đại học, anh đều là Chủ tịch Hội sinh viên. Hiện nay thì anh tự mình làm kinh doanh, sự nghiệp cũng rất lớn. Anh là một người đàn ông rất truyền thống. Anh ấy chưa từng tiếp xúc với Phật Pháp, nhưng anh lại nói: “Em còn phải nói nữa sao? Đức Phật thật là trí huệ. Ngài có thể tổng kết một cách viên mãn đến như vậy!. Anh ấy nói: “Em chỉ cần làm theo năm điều này là được rồi, nhưng trọng điểm là phải làm tốt bốn điều phía trước”. Lúc đó tôi rất kinh ngạc, tôi nghĩ anh ấy chắc phải phản bác một, hai điều. Tôi không nói gì nữa, sau đó tôi đã suy nghĩ rất lâu.

Sáng nay, tôi gọi điện nói chuyện với mẹ chồng. Mẹ chồng tôi còn nói: “Phật nói rất hay, nhưng làm được thì rất khó đó”. Tôi nói: “Mẹ xem điều thứ nhất là vợ như mẹ. Con cảm thấy, kỳ thực có rất nhiều người nam trở về nhà, họ xem nhà giống như một nơi tránh gió bão vậy. Bởi vì, họ ở bên ngoài có thể rất kiên cường, hô mưa gọi gió, dốc hết sức để gây dựng sự nghiệp kiếm tiền nuôi sống gia đình, cho nên tất cả những oan ức và những mệt nhọc họ chỉ giải tỏa được khi trở về nhà. Nhưng nếu trở về nhà mà người vợ lại rất ngang ngược, ăn nói lớn tiếng, thì gia đình sẽ không giống gia đình nữa, không ấm áp”. Do đó tôi luôn nghĩ, người làm mẹ nên yêu thương con mình như thế nào? Nếu tôi không biết cách yêu thương con mình, thì cũng giống như tôi sẽ không biết cách yêu thương chồng mình.

Trước đây tôi thật sự không biết cách yêu thương con, mà là chiều chuộng, con muốn cái gì thì tôi cho cái đó. Lúc con trai tôi ba tuổi, tôi đưa cháu đến nhà hàng ăn cơm. Khi xuống xe thì cháu không chịu xuống. Lúc đó tôi lái xe, tôi nói: “Tại sao con không xuống xe đi”. Con trai tôi rất ngạo mạn, ngồi trên xe nói: “Mẹ à! Nhà hàng này phải có người tới mở cửa cho mình chứ? Con đợi họ đến mở cửa”. Lúc đó tôi cũng rất kiêu ngạo, tôi nghĩ: “Con mình nhỏ vậy mà đã có kiến thức thế kia, còn biết ở đây sẽ có người mở cửa”. Chờ một lúc, quả thật có người đến mở cửa cho cháu, lúc đó cháu mới xuống xe. Hiện tại, nghĩ lại tôi thấy rất hối hận và sợ hãi. Nếu tôi không học văn hóa truyền thống, con trai tôi tiếp tục lớn lên sẽ biến thành người như thế nào đây?

Mua đồ cũng như vậy. Một lần, có một cô muốn mời con tôi ăn kem, con tôi liền nói: “Cháu chỉ ăn loại Haagen-Dazs, một viên kem là sáu mươi Nhân dân tệ”. Cô đó rất kinh ngạc. Tôi nói: “Đúng vậy! Con trai tôi chỉ ăn thứ ngon nhất, mặc đồ tốt nhất”. Tôi cảm thấy như vậy chính là yêu con. Thật là sai lầm!

Thời gian trước tôi đã viết cho con trai mình một bức thư, bởi vì hôm sau cháu sẽ tham gia vào đội thiếu niên tiền phong. Thầy giáo chúng đã gửi tin nhắn mời các vị phụ huynh tặng cho con mình một phần quà đặc biệt có ý nghĩa. Tôi đã viết một bức thư đặc biệt sám hối với con trai mình, vừa viết tôi vừa khóc. Tôi nói: “Con trai à! Trước đây mẹ không biết yêu thương con, không hiểu được cách yêu thương con, đều thương con một cách sai lầm. Mẹ học tập “Đệ Tử Quy”, học tập văn hóa truyền thống mới biết làm thế nào để dạy con”. Con trai tôi đã hỏi tôi là: “Mẹ à! Ngày mai mẹ sẽ tặng quà gì cho con vậy?”. Tôi nói: “Mẹ sẽ viết cho con một bức thư”. Con trai tôi rất thông minh, không lâu sau cháu cũng viết cho tôi một bức thư, nói: “Mẹ à! Mẹ xem bức thư này trước đi, mẹ xem bức thư con viết cho mẹ trước đi!”. Tôi vừa mở thư ra xem thì thấy con trai tôi viết là: “Mẹ à! Quà tặng ngày mai, ngoài bức thư mẹ viết ra, con vẫn muốn nhận được một món quà. Những đồ chơi lớn ba mua cho con đều bị mẹ thu hết rồi, ngày mai mẹ có thể tặng con một món đồ chơi lớn được không ạ? Con tin tưởng, mẹ nhất định sẽ tặng cho con. Những lời không cần thiết con sẽ không nói nữa, con rất mong chờ”. Kỳ thực, tâm tôi rất buồn. Ngày thứ hai, khi con tôi đi học thì luôn hỏi tôi. Tôi nói: “Con yên tâm, mẹ nhất định sẽ tặng cho con một món quà đặc biệt có ý nghĩa”. Tôi còn nhấn mạnh sẽ tặng quà. Con tôi rất vui vẻ đi học. Tôi liền lấy bộ đĩa “Mẹ Hiền Con Hiếu” của thầy Chung Mao Sâm bỏ vào trong túi xách và đi đến trường. Trên đường đến trường, vốn dĩ tôi muốn đến một cửa hàng nhỏ để gói lại, kết quả nhìn thấy trong cửa hàng đều là những vị phụ huynh đang cầm các loại đồ chơi, thức ăn như là những hộp sô-cô-la rất đẹp mắt, những cái cặp sách lớn,… ở đó gói quà. Phí gói quà cũng rất đắt nên tôi không gói nữa, tôi liền đi ra. Ngôi trường này rất xem trọng hoạt động này, họ tổ chức nghi thức rất long trọng cho hơn 100 học sinh lớp 1. Cuối cùng là đeo khăn quàng đỏ và sau đó phụ huynh đi lên phía trước để tặng quà cho con mình.

Tôi đến trước mặt con trai mình, ngồi quỳ một chân xuống. Tôi rất trang trọng đặt bộ đĩa đó lên trên đầu. Tôi nói: “Mẹ sẽ tặng con bộ đĩa này”. Con trai tôi rất thất vọng, vẻ mặt cháu rất không vui. Sau đó nó ngó nhìn xung quanh và nói: “Mẹ à! Người ta đều tặng đồ chơi mà!”. Kỳ thực, lúc đó tôi đã khóc. Tôi nói: “Đúng vậy! Nhưng đồ chơi có ý nghĩa đặc biệt gì không? Đồ chơi có thể chơi để thành một Thánh Hiền không? Đồ chơi có thể làm con trở thành một đứa con hiếu thuận với ba mẹ không?”. Tôi nói: “Mẹ đã không từ, nên con cũng không hiếu. Mẹ xin lỗi ba con, cũng xin lỗi ông bà nội của con. Mẹ rất xấu hổ!. Con trai thấy tôi khóc như vậy nên cũng không nói gì nữa, nó rất khoan dung. Sau đó nó đã nhận bộ đĩa đó của tôi. Thật ra lúc đó tôi rất buồn, vì nhiều phụ huynh học sinh như vậy nhưng ngay đến tặng một quyển sách cũng không có, mà chỉ toàn là đồ chơi.

Sau khi trở về nhà, tôi rất sám hối với chính mình. Tôi cảm thấy trong bảy năm đầu đời của con trai mình, tôi đã dẫn nó đi sai đường, không biết cách yêu thương con, để con mình không hiểu được cái gì mới thực sự là tình yêu. Mấy hôm đó, mỗi ngày tôi đều sám hối từng chuyện trước đây với con trai lớn của mình, sám hối từng chuyện một. Tôi nói: “Con trai à! Trước đây mẹ làm thật không đúng, như luôn dẫn con đi ăn cơm ở những nhà hàng 5 sao. Tuổi còn rất nhỏ, nhưng con muốn gì mẹ cũng đều cho con, thật là sai lầm”. Khoảng ba, bốn ngày sau đó, vào một buổi tối, con trai tôi tự mình chủ động đem đĩa “Mẹ Hiền Con Hiếu” mở ra xem rất chăm chú. Nó thật sự rất chăm chú xem hết. Hơn nữa, khi em trai ở bên cạnh làm ồn, nó đều bảo em trai ra ngoài. Nó nói: “Anh phải học cái này, đây là quà mẹ tặng cho anh”. Sau khi xem xong nó nói một câu làm tôi rất cảm động. Nó rất nghiêm túc nói: “Mẹ à! Con muốn học tập thầy Chung, con muốn trở thành một người có chí hướng để mẹ cũng cảm thấy tự hào và kiêu hãnh”. Lúc đó tôi thật sự rất xấu hổ. Tôi rất cảm ơn, vì hiện nay trên thế giới này chúng ta vẫn còn có tấm gương tốt như mẹ của thầy Chung để có thể học tập, để khích lệ tôi. Buổi tối, khi tôi đọc quyển “Mẹ Hiền Con Hiếu”, tôi luôn rơi nước mắt, bởi vì tôi thật sự rất xấu hổ. Tôi làm quá kém, cảm thấy rất xấu hổ với hai chữ “mẫu thân”. Tôi cũng rất cảm ơn, vì có tấm gương như thầy Chung để tôi có thể noi theo. Do đó, mỗi lần tiếp xúc với thầy Chung, tôi đều cảm thấy rất trân quý. Mỗi câu nói của thầy tôi đều nghĩ rất lâu. Mặc dù tuổi tác chúng tôi gần bằng nhau, nhưng bất luận là học thức hay tu dưỡng đạo đức, hay đối người tiếp vật, tôi đều kém thầy rất xa. Tôi thường nghĩ đến câu nói của Ô Sào Thiền Sư nói với Cư sĩ Bạch Cư Dị: “Đứa bé ba tuổi cũng biết, nhưng ông lão tám mươi làm chẳng xong”. Vậy thì có tác dụng gì chứ?

Tôi cũng dùng trái tim như vậy để yêu thương chồng mình, nhưng cũng yêu sai rồi. Bởi vì không có đạo nghĩa, không hiểu được làm thế nào dùng đạo tâm để giữ gìn quan hệ vợ chồng, do vậy bản thân tôi thường cảm thấy không hạnh phúc. Có lúc chồng tôi nói: “Em thật kỳ lạ! Em không phải lo lắng về chuyện ăn uống, vậy là tốt rồi, em nổi giận cái gì chứ? Có phải là em bị bệnh tiền mãn kinh hay không?”. Bản thân tôi cũng không biết, tôi luôn cảm thấy không hài lòng. Do vậy, hôm kia tôi nghe Pháp sư Ngộ Hoằng giảng bài, có một câu nói khiến tôi được lợi ích rất lớn. Khi hết giờ, tôi đã thảo luận cùng thầy. Pháp sư Ngộ Hoằng nói: “Tri túc thường lạc” thì chính là thành Phật rồi, bạn phải biết đủ. Trong “Nữ Giới” cũng nói: “Phải biết đủ”, hiểu được dừng lại đúng lúc. Do đó, khi học thiên thứ hai này tôi đặc biệt được lợi ích, bởi vì mỗi một lần đọc là một lần tôi có cảm giác như được gội rửa từ đầu đến chân. Ví dụ trong chương này có nhắc đến ý nghĩa của “quan thư”. Tối hôm qua thầy Chung giảng bài cũng có nhắc đến câu này, đó là một câu trong “Thi Kinh”:

“Quan quan thư cưu

Tại hà chi châu

Yểu điệu thục nữ

Quân tử hảo cầu”.

Tôi tin có rất nhiều người đều biết những câu này. Nhưng tôi cũng tin có rất nhiều người giống tôi trước đây, thật sự không hiểu được tổ tiên chúng ta muốn biểu đạt ý nghĩa gì. Giống như Sư phụ thường nói, nếu như văn hóa truyền thống mấy ngàn năm nay là cặn bã thì sớm đã không lưu truyền được đến ngày nay rồi.

Thời xưa, in ấn cũng không phát triển. Chúng tôi liền nghĩ: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên đã viết ra biết bao nhiêu thơ từ ca phú, còn lưu giữ lại bao nhiêu? Nhất định là được rất nhiều người tán đồng nên mới có thể đời đời tương truyền.

“Thư cưu” là một loại chim sống dưới nước. Trước đây, tôi từng gặp một thầy giáo nói với tôi: “Thư cưu thực tế là thiên nga, là một loại chim rất cao quý”. Tôi vẫn chưa tìm hiểu nên cũng không biết, nhưng tôi xem thấy trong chú giải có nói, chim thư cưu có hai đặc tính. Thứ nhất, loài chim này chỉ có một bạn đời, cả đời không hề thay đổi, trong cổ văn gọi là “ngẫu bất loạn giao”. Bạn đời của chúng không quan hệ lung tung. Thứ hai, khi chim thư cưu  thân mật với nhau, chúng đều tránh người, tránh đồng loại, trốn vào bụi cỏ để thân mật. Điều này làm tôi rất chấn động. Người xưa lấy cầm thú, lấy chim thú để ngụ ý cho chúng ta. Loài chim đều có thể làm được, người hiện đại chúng ta có thể làm được hay không? Người xưa nói một cái là nghĩa, một cái là lễ, chính là giữa vợ chồng phải giữ một chữ nghĩa, lễ nghĩa.

Lễ thì phải như thế nào? Lễ trong “Khúc Lễ” nói là: “Vô bất kính”. Cảm xúc của tôi đặc biệt sâu. Vì sao vậy? Bản thân tôi có thể hội rất sâu sắc, vì vợ chồng ở cùng nhau lâu ngày dài tháng thì người phụ nữ đặc biệt rất dễ sinh tâm khinh mạn. Bởi vì ở rất gần nhau, cũng giống như kính phóng đại vậy, từng li từng tí điểm xấu trên thân người chồng họ đều có thể tìm thấy rồi phóng đại lên, dần dần không còn chú ý đến những ưu điểm của chồng mình nữa, rồi từng chút một xem thường chồng. Khi tâm khinh mạn của bạn xuất hiện, thì sẽ có lúc bạn nói ra những lời làm cho họ cảm thấy vô cùng khó chịu. Thời gian lâu dần thì nhất định sẽ giống như một lớp bụi phủ lên đời sống hôn nhân vậy. Tôi từng có cái cảm nhận này.

Chồng tôi đã từng nói: “Anh đã trưởng thành dưới sự rèn luyện, đả kích của em. Anh rất cảm ơn em!”. Lần trước anh còn nói như vậy, thực sự làm tôi cảm thấy rất xấu hổ. Ví dụ như việc kinh doanh của anh ấy rất tốt, anh sẽ trở về và kể với tôi, nhưng tôi lại nói: “Ây da! Vậy có gì chứ, chẳng qua cũng chỉ là có thể kiếm thêm chút tiền mà thôi, em lại không thích tiền”. Sau đó tôi nói: “Anh xem, ngay đến một quyển sách anh cũng không đọc, đạo lý gì cũng không hiểu”. Tôi đã giảng đạo lý cho anh ấy nghe. Cuối cùng, chồng tôi luôn nói một câu : “Anh thấy rồi, em là nhà lý luận, anh thì theo trường phái thực hành. Em nói nhiều như vậy nhưng làm cũng không được mấy việc. Anh đã làm rồi, mặc dù không nói ra nhưng anh có thể làm được”. Do vậy thời gian trước tôi cũng rất xấu hổ, tôi nói với chồng mình rằng: “Cuối cùng em cũng hiểu vì sao người ta luôn gọi chồng là tiên sinh rồi. Anh thật sự có thể làm thầy giáo của em đó”.

Hôm nay, trời vừa sáng tôi liền gọi điện thoại cho mẹ chồng tôi. Vì sao vậy? Vì trong chương “Đạo Vợ Chồng” có nói, một người con trai tốt thì từ năm tám tuổi đã được mẹ bắt đầu dạy dỗ rồi. Tôi liền hỏi mẹ chồng tôi: “Mẹ à! Con còn nhớ lúc mới kết hôn, hình như con có nghe mẹ từng nói gia đình mình khi tìm con dâu đều có mấy tiêu chuẩn nhưng con đã quên hết rồi. Mẹ có thể nói lại cho con một lần nữa được không?”. Mẹ chồng tôi nói: “Được! Không có vấn đề gì. Ba điểm này rất quan trọng, tương lai con cũng phải dạy cho con trai mình nữa”. Mẹ tôi rất là chất phác. Mẹ nói: “Điều thứ nhất, tìm một người phụ nữ nhất định phải lương thiện, tâm địa phải tốt. Điều thứ hai, tìm một người phải chân thành, không được làm việc hư dối. Điều thứ ba đơn giản hơn, là thân thể phải khỏe mạnh”. Tôi nói: “Mẹ à! Con cảm thấy hình như thân thể của con còn tạm được, nhưng hai điều phía trước con đều làm không tốt”. Mẹ nói: “Con rất tốt, rất tốt rồi!”. Mẹ chồng rất khuyến khích tôi.

Sau đó tôi hỏi tiếp: “Lúc còn nhỏ mẹ đã dạy chồng con như thế nào ạ?”. Mẹ nói: “Thứ nhất, mẹ luôn dạy chồng con phải nhẫn nhường, phải khiêm nhường”. Con người biết nhường thì mới có người muốn kết giao với bạn. Do đó, lúc nhỏ bất luận anh ấy có tranh chấp với ai thì anh ấy cũng nhất định không nói ra. Lời dạy bảo đó của mẹ khiến tôi lập tức nhớ đến một chuyện.

Chồng tôi làm kinh doanh. Có một năm, có một khách hàng là một phụ nữ hơn bốn mươi tuổi rất chua ngoa, cô ta muốn hủy hợp đồng, muốn làm lại từ đầu. Cô ta ở trong văn phòng chồng tôi không ngừng la lối om sòm. Chồng tôi đã nói rất rõ ràng với cô ta, vì anh ấy vốn dĩ cũng là một luật sư, cũng có một văn phòng luật sư riêng. Anh nói: “Cô có thể đến tòa án khởi kiện tôi nếu hợp đồng của tôi không hợp quy định, hoặc là có chỗ nào không đúng. Chúng ta đều đã ký rồi, nhưng bây giờ cô muốn hủy bỏ, như vậy dường như không hợp tình lý, còn liên lụy đến bên thứ ba”. Nói hai lần nhưng cô ta không chịu tiếp nhận mà vẫn tiếp tục làm ầm lên. Chồng tôi không nói một lời nào nữa. Bởi vì năm ấy, lúc xảy ra chuyện, tôi cũng ở trong công ty của chồng tôi. Tôi ở ngoài cửa, rất sợ hãi. Tôi đứng ở bên ngoài nghe, nhưng cả một buổi sáng chỉ nghe thấy tiếng của cô đó, chồng tôi không nói gì cả. Tôi cùng vài nhân viên ghé sát mắt qua khe cửa để nhìn lén, nhưng tôi thấy anh ấy rất an nhiên bình tĩnh, ngồi đó uống trà. Sau đó, anh rót trà đưa cho cô gái đó nói: “Chị có mệt không? Uống ngụm nước đi rồi nói tiếp nhé!”. Đến giờ đi ăn cơm trưa, anh ấy lại gói mấy cái bánh bao đưa cho cô ấy, anh cũng ăn bánh bao. Anh nói: “Hay là chị ăn xong rồi nói tiếp nhé!”. Đến buổi chiều anh ấy nói: “Thật ngại quá, tôi phải ra ngoài rồi. Nếu chị nói chưa xong thì ngày mai đến nói tiếp nhé!”. Cô ấy rất ngại ngùng, tự mình đi về, sau đó cũng không trở lại công ty tìm chúng tôi nữa. Chuyện đó làm tôi bội phục sát đất. Bởi vì cô ta mắng những lời rất khó nghe, đều là vô cớ gây rối. Lúc đó tôi không hiểu được tại sao anh ấy có thể làm được điều đó. Sự việc này đã để lại cho tôi một ấn tượng rất sâu.

Sáng sớm hôm nay nói chuyện với mẹ chồng tôi mới biết, một người mẹ thật sự có thể ảnh hưởng cả đời một đứa trẻ, làm cả đời nó đều được lợi ích. Hơn nữa, chồng tôi có quan hệ xã hội rất rộng, rất nhiều bạn bè đều muốn kết giao với anh ấy. Tôi thấy rất kỳ lạ. Sáng nay mẹ cũng nói với tôi: “Mẹ đặc biệt khuyến khích con trai kết giao nhiều bạn bè, phải có một tấm lòng rộng lượng”. Mẹ chồng tôi nói, tất cả những bạn bè tốt của anh ấy từ tiểu học cho đến đại học mẹ tôi đều quen biết. Hơn nữa, có rất nhiều bạn học của anh ấy đều rất quan tâm mẹ, đều gọi bà là mẹ. Bởi vì họ đều được mẹ mời về nhà ăn cơm, đi chơi. Mẹ nói mẹ rất tôn trọng họ, đều xem họ giống như người lớn vậy. Tôi thật sự rất xấu hổ, vì tôi thích yên tĩnh, tôi không thích người ngoài đến nhà tôi. Do đó, kết quả là con trai tôi không có bạn bè. Con trai tôi lên lớp một thường buồn bã nói với tôi: “Mẹ à! Con không có bạn bè”. Lúc đó tôi còn cảm thấy rất tốt, tôi nói: “Cần bạn bè làm gì, một mình tốt biết bao!”. Phật Pháp có nói là: “Rộng kết thiện duyên”, cho nên tôi biết vì sao mà người muốn nghe tôi giảng bài tương đối ít. Vì tôi không có kết thiện duyên, bản thân thích yên tĩnh mà! Trồng nhân gì thì nhất định được quả đó.

Tôi cũng hiểu được tại sao công ty chồng tôi tuyển người rất dễ dàng, còn công ty của tôi tuyển người thì rất khó khăn. Tôi rất lo buồn. Sau cùng, mỗi một lần tôi đều phải nhũn nhặn, nhẹ nhàng đi nhờ những người ở bên công ty chồng tôi giúp đỡ. Tôi nhờ chồng: “Anh xem có thể tìm giúp em một nhân viên bảo vệ”, rồi lại “tìm giúp em một nhân viên kinh doanh”. Mỗi lần đều là như vậy. Tôi luôn không hiểu tại vì sao công ty tôi kinh doanh tuyển người lại khó như vậy. Sáng nay tôi mới hiểu rõ. Do tôi không hiểu khiêm nhường, không biết dùng lòng khoan dung để yêu thương những người ở bên cạnh. Bạn xem, mẹ chồng thật sự đã thành tựu rất lớn cho chồng tôi.

Trong quá trình học tập “Nữ Giới”, tôi bắt đầu từng chút, từng chút sinh khởi tâm cảm ơn đối với mẹ chồng mình, trước đây thật sự không có. Kể cả năm ngoái, trên mặt hình thức thì làm ra vẻ một chút, nhưng trong tận đáy lòng thì tôi không có cái tâm chân thành cảm ơn đó, còn có chút xem thường bà. Tôi cảm thấy mẹ chỉ là bà lão, cái gì cũng không hiểu, chỉ quanh quẩn ở trong nhà, dường như cũng chẳng có gì hay. Tôi cảm thấy con người thật sự phải khiêm tốn, phải biết cúi đầu xuống.

Vì sao chương đầu tiên trong “Nữ Giới” gọi là “Ti Nhược”? Nếu bạn không hiểu được cúi đầu khiêm tốn thì bạn không học được gì cả. Tôi được gả vào nhà mẹ chồng đã mười sáu năm rồi, đây là lần đầu tiên tôi nghe mẹ chồng nói với tôi những lời này. Sáng hôm nay tôi dậy từ rất sớm, tôi ngồi trên giường rất lâu để nghe những lời mẹ giảng cho tôi. Trong tâm tôi giống như là đánh đổ một bình ngũ vị vậy, cái cảm giác giữ trong tay một núi vàng mà không biết là vàng, không cho đó là vàng.

Trước đây, khi tôi mới được gả vào gia đình anh ấy, mẹ đã dạy tôi phải cần kiệm, đều dạy bảo tôi từ những việc rất nhỏ, nhưng tôi lại rất phản cảm. Có một lần, chúng tôi mời bạn bè đến nhà ăn cơm, nhưng cơm tôi nấu lại không đủ. Sau đó, tôi liền lấy những chiếc bánh bao thừa đem đi hấp lại. Nhìn thấy một chiếc bánh bao ăn còn thừa một nửa, tôi cảm thấy hấp xong sẽ không đẹp mắt, rất là mất mặt, cho nên thuận tay liền ném nửa cái bánh bao đó vào thùng rác. Mẹ tôi lập tức chạy tới nhặt cái bánh đó từ trong thùng rác ra, còn trách mắng tôi: “Tại sao con có thể lãng phí lương thực như vậy?”. Tôi nói: “Mẹ à! Có chút xíu thôi mà! Thừa lại có một chút như vậy có thể không cần ăn nữa. Họ đều là bạn bè con, như vậy thật rất ngại ạ”. Mẹ liền nói với tôi: “Con lãng phí lương thực mới là mất mặt”. Bởi vì mẹ nói tôi trước mặt nhiều người như vậy, nên tôi cảm thấy rất tức giận. Nhưng tôi cũng không nói gì thêm mà chỉ nói: “Dù sao con cũng không ăn”. Mẹ tôi nói: “Vậy mẹ ăn”. Thật sự, sau khi học văn hóa truyền thống tôi mới thay đổi, thật sự thay đổi. Ba chồng tôi đem vỏ bánh bao vứt đi tôi đều nhặt lên ăn, trước đây thì tôi sẽ không ăn.

Tôi tự cho rằng mình rất sạch sẽ, kỳ thực tâm hồn lại rất dơ bẩn. Bao gồm việc mặc y phục, tôi cũng rất chú trọng tới việc mặc y phục. Rất nhiều quần áo sau khi mua xong vẫn chưa mở ra, đều vứt ở đó. Mỗi ngày tôi đều phải thay quần áo mới. Mẹ chồng tôi cả đời không đi dạo các trung tâm mua sắm. Khi tôi dẫn mẹ đi ra ngoài, tôi cảm thấy bà rất bủn xỉn. Có một lần tôi nói: “Mẹ à! Mẹ có thể thay một bộ y phục đẹp hơn một chút không? Mẹ mặc như vậy sẽ làm người ta cười chết mất”. Mẹ tôi liền nói một câu: “Họ chết, chứ không phải mẹ chết. Mẹ cảm thấy rất tốt rồi, mẹ mặc cũng rất đẹp mà!”. Lúc mẹ tôi nói những lời này thì tôi không có phản ứng gì. Hai ngày trước, tôi nghe Sư phụ Ngài giảng Kinh nói cũng giống y hệt mẹ chồng tôi nói vậy, lúc đó tôi cảm thấy rất kinh ngạc. Tôi liền gọi điện thoại cho mẹ, nói: “Mẹ à! Những lời mẹ nói trước đây thật là chính xác”. Mẹ tôi hỏi tôi đang nói gì vậy? Tôi liền nói lại những lời này. Mẹ nói: “Đúng vậy!”. Mẹ nói: “Bản thân con không cảm thấy gì là được, người khác như thế nào là việc của họ. Mẹ cảm thấy cần kiệm rất tốt”. Cho nên, nếu có cơ hội tôi sẽ lấy khăn lau mặt của mẹ cho mọi người xem, rách đến nỗi rất tàn tệ. Mẹ tôi đã dùng mười mấy năm rồi nhưng chưa hề thay cái mới. Mỗi lần tôi nói: “Mẹ à! Cái khăn mặt này của mẹ có cho con làm giẻ lau con cũng không dùng”. Mẹ liền nói: “Ây da! Vậy thì cái giẻ lau đó của con quá cao quý rồi”. Do đó, tôi thực sự cảm thấy những truyền thống cũ tốt đẹp đều sắp bị chúng ta vứt bỏ hết rồi, thực sự cần phải đi tìm về. Tìm về chúng ta mới có phước báo, mới chân thật xứng đáng với tổ tiên của chúng ta, mới thực sự thành tựu cho gia đình mình, thành tựu cho xã hội, và thành tựu cho đất nước.

Hôm qua, tôi nghe thầy Chung giảng bài. Thầy nói: “Cái gốc của một đất nước là ở con người. Gốc của người là ở đức. Gốc của đức là ở hiếu”. Gốc của một gia đình nằm ở hai vợ chồng. Họ phải có đức, phải có hiếu, mà hiếu phải có gốc. Có một câu nói mà tất cả các cặp vợ chồng đều nên cùng cố gắng, đó là: “Vợ chồng vừa kết hôn là gì? Là trị bình sơ cơ, đại đạo chi thủy”. Ý nói hai vợ chồng khi vừa trở thành một gia đình, đó chính là nền tảng ban đầu của trị quốc – bình thiên hạ, là bắt đầu của ngũ luân đại đạo. Đạo lý nếu không hiểu thì khi làm càng khó khăn hơn. Đây là tình trạng trước đây của tôi.

Nếu bạn hiểu đạo lý rồi, có phải lập tức sẽ làm được không? Tôi xin nói với mọi người rằng, tập khí của tôi rất nặng, nên ngay lập tức thì không thể làm được rồi. Vài hôm trước tôi còn nổi nóng với chồng, bởi vì anh là vị giám khảo đưa ra đề thi cho tôi. Tôi còn cho rằng mình ở nhà tu cũng không tệ, học cũng khá tốt. Có một hôm anh ấy nói với tôi: “Ba mẹ em cũng đến giúp em thành tựu. Ban ngày anh cũng phải đi làm, con cái đứa thì đi học, đứa đến trường mẫu giáo rồi, buổi tối anh về nhà cũng rất muộn, như vậy thì em giúp chồng cái gì, dạy con cái gì chứ? Ban ngày em làm cái gì?”. Tôi nói: “Ban ngày thì em học tập, học tốt rồi thì em có thể cố gắng giúp chồng dạy con”. Anh ấy nói: “Ừ! Có đạo lý. Hai ngày nữa anh sẽ kiểm tra em”. Anh ấy thuận miệng nói như vậy. Kết quả khi phát bài thi thì tôi quên mất đây là bài kiểm tra. Có một hôm, anh ấy rất tự nhiên ngồi ở đó và bắt đầu nói với tôi là: Điểm này của em còn thế này thế nọ, cho nên công ty em làm không ra sao cả. “Đệ Tử Quy” không thể mỗi sáng đều đọc, mà còn phải làm, thế này, thế kia …. Cuối cùng, khi anh ấy nói tới điểm thứ tư thì tôi không chịu nổi nữa, đập bàn đứng dậy nói: “Anh im miệng lại đi!”. Tôi còn nói: “Không cùng chí hướng không thể đàm đạo. Chúng ta không cùng một con đường đạo”. Tôi liền bỏ đi. Sau khi bỏ đi tôi cũng vẫn chưa nguôi cơn giận, tôi lại gửi cho anh ấy hai tin nhắn, còn cố gắng dạy dỗ anh một trận, dùng những lời lẽ huyênh hoang như là: “Thấy chưa thật, chớ nói bừa”. Sau khi gửi hai tin nhắn xong, tôi liền cảm thấy không đúng. Tôi nghĩ: “Đệ Tử Quy không phải dùng để dạy người khác mà là dạy bản thân mình, đáng lẽ phải “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”(làm việc không thành, xét lại chính mình). Tôi lại sai nữa rồi, cũng rất xấu hổ. Bởi vì anh ấy ở Bắc Kinh bàn chuyện làm ăn rất lớn nên tôi cũng không dám làm phiền anh ấy. Làm thế nào đây? Vậy thì đợi anh ấy trở về, hai ngày này ở nhà sám hối. Buổi tối anh ấy trở về cũng rất muộn. Tối hôm đó tôi đun nước, pha trà, gọt trái cây cho anh ấy, sau đó vòng vo nửa ngày rồi nói một câu: “Em lại sai nữa rồi!”. Chồng tôi nói: “Anh đã quen rồi, không sao đâu! Em dần dần sửa vậy”.

Do vậy, lần này tôi đến Hồng Kông, tôi nói với anh ấy tôi đi học tập. Anh ấy nói: “Em à! Việc học này của em vẫn chưa thấy tiến bộ mà”. Tôi nói: “Nhưng cũng phải học chứ!”. Hôm qua tôi còn nói chuyện với anh ấy: “Ngày mai em phải sám hối vì đã đối xử không tốt với anh, nên hôm nay xin anh tha thứ cho tất cả những chuyện xấu của em”. Anh ấy trả lời tin nhắn là: “Ha ha… Không sao đâu! Biết sai mà có thể sửa thì không gì thiện bằng”. Do đó, tôi cảm thấy tâm lượng của đàn ông thật rất rộng lớn. Tôi cũng rất may mắn gặp được một vị hiền phu. Bởi vì trong chương “Đạo Vợ Chồng” này có nói: “Chồng không hiền đức thì không thể quản lý tốt vợ mình”.

Người chồng phải như thế nào mới được coi là hiền đức?

Khi tôi đọc đoạn văn này thì có một câu nói xuất hiện trong đầu tôi, có thể là do tôi thường đọc “Cảm Ứng Thiên”, đó là câu: “Nam phải trung lương, nữ phải nhu thuận”. Tôi liền cảm thấy, đàn ông có thể trung lương thì họ mới có thể được xem là một người chồng hiền đức. Tôi hồi tưởng lại chồng tôi đã dạy dỗ tôi như thế nào.

Người xưa có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ buổi ban sơ mới về”. Dạy bảo một người vợ nhất định là khi họ mới được gả vào nhà, gọi là đánh đòn phủ đầu. Tôi cũng là như vậy. Khi tôi mới kết hôn, việc đầu tiên là đem hết tài sản cá nhân của mình giao cho chồng. Bởi vì trước khi kết hôn, công việc của tôi rất tốt, cũng rất biết làm chứng khoán, đầu óc cũng rất thông minh. Lúc đó tôi làm ở phòng giao dịch, do vậy cũng xem là tương đối có tiền. Chồng tôi không chút khách khí đã tịch thu hết tất cả tiền bạc của tôi. Khi mới kết hôn tịch thu tài sản còn khá dễ dàng, vì người vợ còn tương đối nghe lời. Nếu hiện nay tôi đoán là sẽ không tịch thu được. Tôi rất nghiêm túc giao cho anh ấy. Chồng tôi còn nói: “Em còn sổ tiết kiệm riêng nào nữa không?”. Tôi nghiêm túc nghĩ lại và nói: “Chắc là không còn nữa đâu”. Thật sự là không còn một xu dính túi. Sau đó, mua ngôi nhà đầu tiên là dùng tiền của tôi để mua. Lúc đó, người làm thủ tục giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đã hỏi: “Chủ nhà tên gì vậy?”. Bởi vì tôi lấy tiền đi mua, nên tôi buột miệng liền nói: “Trần Tịnh Du”. Chồng tôi nói: “Im miệng! Đây là nhà của anh. Ngay đến em cũng gả cho anh rồi, em lấy đâu ra nhà nữa”. Lúc đó tôi cũng không dám nói gì, bởi vì có mặt rất nhiều người ở đó, nhưng trong tâm tôi rất bất bình. Sau khi về nhà tôi luôn buồn rầu không vui. Anh liền dạy dỗ tôi. Anh nói: “Em còn may ở Trung Quốc đấy, nếu em ở Đài Loan hay Hồng Kông thì ngay đến họ em cũng không còn nữa. Em sẽ tên là Trương Trần Tịnh Du. Em rất may mắn vẫn còn giữ được họ của mình”. Tôi cũng không nói gì. Cho nên, khi bạn mới kết hôn thì dạy bảo tương đối dễ dàng.

Sau khi chúng tôi nhận được giấy chứng nhận, mấy tháng sau chúng tôi cử hành hôn lễ. Chồng tôi thật sự rất trí huệ. Phụ nữ đều rất thích khoe khoang, tiếng tăm, tôi cũng vậy. Bởi vì điều kiện kinh tế của gia đình cho phép, nên tôi nghĩ đó chắc là một hôn lễ rất long trọng, rực rỡ. Kết quả sau khi tôi sửa soạn xong, vừa từ trong nhà tôi bước ra thì nhìn thấy lác đác, lẻ tẻ, ngay đến sáu chiếc xe cũng không nối với nhau được thành một hàng, may mắn vẫn còn một chiếc Mercedes. Tôi cảm thấy khá may mắn, có Mercedes cũng được. Rước dâu từ nhà tôi đến nhà chồng. Đến nhà chồng được một lát, khi xuống dưới lầu tôi nói: “Chiếc xe Mercedes đó sao không thấy nữa?”. Chồng tôi nói: “Ây da! Họ còn phải đến một đám cưới khác nữa rồi, em ngồi tạm chiếc xe Lada này vậy”. Xe Lada rất rẻ. Tôi nghĩ: “Dù sao cũng còn một chiếc xe vẫn tốt hơn là đi bộ”, tôi liền đồng ý. Sau khi đến nhà hàng, mới đầu tôi có chút không vui vì đẳng cấp của nhà hàng này rất thấp. Chồng tôi nói: “Em nên cảm thấy hài lòng vì trước đây ba của anh phải tổ chức ở nhà ăn của trường học đó”. Tôi nói: “Hả? Vậy được rồi! Ở đây em đồng ý mà!”. Món ăn cũng rất bình thường. Sau khi dùng xong tiệc cưới, tôi nghĩ: “Ngồi xe Lada về nhà cũng không tệ”. Vừa ra ngoài thì thấy xe Lada cũng không còn nữa, không còn một chiếc xe nào cả. Tôi rất kinh ngạc, vì tôi còn mặc áo cưới. Tôi nói: “Vậy hai chúng ta phải làm sao về đây?”. Chồng tôi nói: “Không có xe thì chúng ta đi bộ về nhà thôi”. Tôi nói: “Phải đi bộ qua mấy trạm xe đó”. Sau đó một người bạn cấp ba của tôi vô cùng từ bi, anh ấy mang chiếc xe đạp (là hôm đó anh ấy rất may mắn rút thưởng trúng được) đến trước mặt hai chúng tôi và nói: “Bạn xem xe mới tốt biết mấy, tôi vẫn chưa sử dụng qua, hai người lấy xe đạp về nhà đi”. Chồng tôi liền ngồi lên xe nói: “Em vén áo cưới lên ngồi phía sau nhé!”. Tất cả mọi người ở trên đường đều nhìn chúng tôi. Anh ấy đạp qua mấy trạm xe mới về tới nhà. Tôi luôn cúi đầu xuống, cũng không dám nói gì. Sau khi về nhà, chồng tôi liền nói: “Em lấy mấy bông hoa ở trên đầu xuống, vào bếp bắt đầu làm việc đi”. Tôi nói: “Việc này có nhanh quá không, em rất mệt, rất muốn nghỉ ngơi một chút”. Anh ấy nói: “Em xem mẹ chồng đang nấu ăn ở trong bếp, lại còn nhiều người thân bạn bè đến như vậy, em không thể nằm ở trong phòng được”. Lúc đó tôi cảm thấy cuộc hôn nhân này rất đau khổ, không nên kết hôn. Mấy ngày sau tôi mới dám bạo dạn nói: “Ngày tháng sau này của hai chúng ta nếu cứ như vậy thì xong, từ Mercedes thẳng tới xe đạp rồi”. Sau đó chồng tôi nói: “Ngồi xe gì không quan trọng, quan trọng là chiếc xe đó có phải của em hay không”. Tôi nghĩ thấy cũng đúng, đó đều là xe đi mượn, cũng không phải của mình. Cho nên, sau này mỗi lần nhìn thấy hôn lễ (hôn lễ ở Đại Liên đều rất long trọng), khi thấy có rất nhiều xe đẹp tôi liền an ủi bản thân: “Những chiếc xe này nhất định không phải của họ, không sao cả”.

Bạn thấy đó, anh đã thu hết tiền bạc của tôi như vậy, nếu không thì tôi sẽ ngạo mạn không xem ai ra gì, cho rằng học lực của mình cao, gia đình mình tốt, tướng mạo của mình cũng không tệ, tiền bạc cũng nhiều hơn anh. Giống như con người trước đây của tôi, khi chưa được nhận qua sự hun đúc thì sẽ cưỡi lên cổ người nhà chồng để điều khiển họ rồi.

Kết hôn được hai năm, chồng tôi không hề kiến nghị tôi đi tìm công việc, mà để tôi ở nhà thu dọn việc nhà, làm nữ công gia chánh. Tôi không biết nấu cơm, anh ấy đã mua mười mấy quyển sách dạy nấu ăn để khích lệ tôi nấu ăn; chiên, luộc, nấu, xào, món gì cũng có, sau đó mỗi tuần đều mời bạn bè về nhà ăn cơm thưởng thức tay nghề của tôi. Cho nên hiện nay những món mà tôi có thể trổ tài được là xào rau, nấu cơm rất ngon. Làm bánh sủi cảo, bánh bao, mì vằn thắn, bánh rán tôi đều biết làm. Đó là do được luyện mà ra. Nếu hiện nay bảo tôi luyện thì tôi không luyện ra được.

Sau đó là chuyện y phục, anh ấy cũng yêu cầu tôi tuyệt đối không được phép mặc đồ hở hang. Khoảng mười sáu năm trước, khi mới gả vào nhà anh ấy thì tôi còn rất trẻ. Lúc đó mới bắt đầu có quần áo mặc ở nhà, tôi cũng mua một bộ. Một lần anh ấy có bạn đến nhà, tôi liền mặc bộ đó đi tiếp khách. Lần đầu tiên tôi bị chồng trách mắng một trận rất nghiêm khắc. Anh ấy nói: “Em vĩnh viễn không được mặc loại y phục này đi tiếp khách, không lễ phép, không trang trọng. Nếu có khách đến nhất định phải đi tất vào, không được phép đi chân trần mang dép hay đi chân đất”. Mặc dù lúc đó tôi không phục nhưng cũng đồng ý.

Có một lần tôi cũng chạy theo mốt Hàn Quốc, đi mua một chiếc áo rất quyến rũ. Sau khi mua về, buổi tối tôi còn khoa chân múa tay nói với anh ấy: “Anh xem cái áo này hơn 1.000 Nhân dân tệ, rất là đẹp đó, phía trước còn rất quyến rũ, rất ngắn”. Chồng tôi nhìn qua rồi nói ba câu: “Anh cho em ba chọn lựa: Thứ nhất là trả lại, thứ hai là cắt bỏ, thứ ba là tặng người khác. Em xem rồi làm đi!”. Tôi nói: “Ai sẽ cắt?”. Anh ấy nói: “Anh cắt giúp cho em, không cần làm phiền em.” Sau đó tôi nghĩ, tặng cho người khác thì tôi cũng không quen biết ai cả, cắt bỏ thì quá đáng tiếc. Tôi liền cầm cái áo đó đến cửa hàng, cố gắng thương lượng với họ. Tôi nói: “Chồng tôi thật sự không đồng ý cho tôi mặc, chị làm ơn cho tôi trả lại. Tôi cũng chưa mặc lần nào, nhãn mác vẫn còn nguyên”. Họ cảm thấy rất kỳ lạ, hỏi vì sao lại như vậy? Tôi nói: “Thật sự là anh ấy không cho tôi mặc. Thật mà! Tôi không gạt chị đâu, mặc dù tôi rất thích nhưng cũng không được”. Từ đó về sau, để tránh phải chọn lựa ba kết quả đó nên tôi không mặc những loại y phục đó nữa.

Lần đầu tiên tôi đến công ty do anh ấy thành lập (anh ấy thành lập công ty này khoảng hơn mười năm trước, tôi rất muốn đến công ty xem anh ấy kiếm được bao nhiêu tiền và kết giao với những người như thế nào, xem nhân viên nữ có những hành vi không tốt hay không? Tôi muốn đến làm người giám sát), chồng tôi nói: “Em có thể đi”, nhưng anh cũng lập cho tôi năm quy định. Có ba quy định mà tôi ấn tượng rất sâu, tôi sẽ báo cáo với mọi người. Mỗi lần đi, anh ấy đều bắt tôi học thuộc xong mới cho tôi đến công ty, còn bắt tôi viết vào một cuốn sổ. Anh ấy nói: “Thứ nhất, vĩnh viễn không được bàn luận về chuyện nhà của chúng ta”, chính là không cho phép bàn luận chuyện gia đình của chúng tôi ở trước mặt nhân viên. “Thứ hai, vĩnh viễn không được nói chuyện thị phi của bất cứ một nhân viên nào, tốt hay xấu cũng không được nói. Thứ ba, không được nhúng tay vào việc quản lý của công ty. Em không có quyền quản lý công ty”. Lúc đó, tôi đến công ty để làm những việc như thu dọn vệ sinh, bưng nước, rót trà. Rất nhiều người cho rằng tôi là một cô thư ký được thuê về, tố chất tương đối cao nhưng việc gì cũng không cho quản. Tôi chuyên làm những công việc này, chỉnh lý các văn kiện, không cho tôi quản cái gì cả. Ba điều này tôi ấn tượng rất sâu, còn hai điều phía sau thì tôi đã quên rồi.

Tôi nhớ, lúc đó tôi mới sinh xong đứa con trai lớn nên không thường đến công ty làm. Các nhân viên đều rất hiếu kỳ hỏi: “Con chị như thế nào rồi?”. “Tôi không biết”. Họ hỏi: “Gần đây nhà chị như thế nào rồi?”. “Tôi không biết”. Các nhân viên đều nói: “Chị làm sao mà hỏi gì cũng không biết vậy?”. Tôi liền mở cuốn sổ đó ra và nói: “Đây là Giám đốc Trương quy định không cho tôi nói”.

Việc tôi kết bạn anh ấy cũng rất hạn chế, anh ấy đều phải xét duyệt. Hiện tại tôi rất cảm ơn, bởi vì hai ngày trước tôi nghe Sư phụ nói, đây là thiện tri thức chân thật đến để thành tựu cho bạn, để bạn không có tâm tham; đoạt đi quyền sở hữu tài sản của bạn, để bạn không được có tâm ngạo mạn, không được có tâm dâm dật, v.v…

Khi tôi mới kết hôn với anh ấy, có rất nhiều điều như người xưa thường nói, đây chính là phòng bị trước khi sự việc xảy ra. Có một lần ăn cơm, bởi vì trong bàn ăn có một đồng học nam nói chuyện rất hay nên tôi thường hay nhìn cậu ấy. Sau đó, về nhà tôi liền bị chồng tôi dạy dỗ một trận. Anh ấy nói: “Không được phép, cái tâm đó của em là không tốt”. Tôi nói: “Em thực sự không có gì cả, em chỉ cảm thấy cậu ấy nói chuyện rất hay nên không kiềm chế được thôi”. Anh ấy nói: “Như vậy cũng không được”. Bây giờ học tập nữ đức, học tập “Nữ Giới”, tôi cảm thấy rất đúng. Một người đàn ông phải biết cách làm thế nào để chăm lo dạy bảo vợ mình, như vậy thì cô ấy mới không xảy ra những chuyện vượt qua giới hạn quá lớn. Nhìn lại cuộc sống hôn nhân mười sáu năm qua, tôi cảm thấy chính là hai chữ giáo dục, thật sự rất chính xác. Đó là giáo dục từ nhất cử nhất động từng lời nói, từng hành động, khởi tâm động niệm và những việc vụn vặt nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Đây chính là phòng bị trước.

Thời gian trước, có một vị thầy giáo đến Đại Liên nói: “Tôi thấy cô dường như ngoài sát nghiệp tương đối nặng ra thì những phương diện khác cũng không tệ. Trong xã hội hiện nay, cô ở bên ngoài như vậy mà không xảy ra những chuyện linh tinh đó thật là rất khó được”. Kỳ thực, lúc đó đối với những lời nói của vị thầy giáo này tôi còn không cho là đúng, bởi vì tôi cảm thấy tôi chỉ có ăn chút đồ biển thôi. Trước khi học Phật, tôi mua một chút đồ biển về, bởi vì kỹ thuật nấu ăn cũng không tệ nên thường mua về biểu diễn một chút tay nghề. Chúng tôi lại ở cạnh bờ biển, cũng giống với Hồng Kông vậy, Đại Liên chúng tôi cũng là một thành phố ven biển, điều kiện gia đình lại cho phép nên thường xuyên ăn đồ biển. Vị thầy giáo này đã nói: “Cô sẽ phải nhận quả báo đấy!”. Tôi còn nói đùa là: “Quả báo gì chứ?”. Thầy nói: “Phổi của cô sẽ không tốt. Đến già phổi của cô sẽ có vấn đề”. Tôi nói: “Làm sao có thể như vậy, tôi cảm thấy phổi không có chút vấn đề gì”. Vị thầy giáo này liền nói: “Bởi vì cô trồng cái nhân hấp, nấu những chúng sinh này, làm phổi của chúng bị nghẹt. Hải sản khi bị nấu, hấp đều chết do phổi bị nghẹt. Cô hấp cua, tôm tích thì chúng sẽ bị nghẹt thở mà chết, cho nên cô sẽ bị bệnh phổi”. Lúc đó tôi không hiểu, tôi nói: “Tôi không nhìn thấy hiện tượng gì cả, liệu có đúng không vậy? Tôi lại vẫn chưa già, hiện tại tôi cũng rất tốt. Tôi lại làm nhiều việc tốt như vậy, chắc sẽ không xảy ra đâu”. Kết quả ông trời thật sự sẽ an bài cho bạn. An bài cái gì?

Tôi quen một vị thiện tri thức là thầy Tân. Sau đó mấy ngày, thời gian không lâu, có một hôm, thầy gọi điện thoại cho tôi nói mẹ của thầy bệnh rất nặng, có thể trong mấy ngày này sẽ qua đời. Thầy nói: “Cô có thể đến giúp tôi khai thị một chút được không?”. Tôi nói: “Tôi nào biết khai thị chứ! Tôi không biết”. Thầy nói: “Thì cô cứ đến nói vài lời an ủi mẹ tôi cũng đã rất tốt rồi, làm việc tốt mà”. Tôi cũng chưa làm việc này bao giờ. Tôi đã tự mình lái xe đến đó. Sau khi đến, tôi đứng bên ngoài giường bệnh nhân bệnh nặng. Lúc nhìn thấy bà cụ tôi rất sợ hãi, bởi vì bà cụ phải thở bình ô xy, trên đầu còn có một ống truyền dịch, hô hấp rất khó khăn, rất lâu, rất vất vả há miệng thật to thì mới có thể thở ra một hơi, sau đó dừng rất lâu mới thở ra một hơi nữa. Tôi không dám nhìn. Bởi vì bên trong bác sĩ còn đang bận, tôi ở bên ngoài liền hỏi thầy Tân: “Tại sao lại như thế? Đây là bệnh gì vậy?”. Thầy Tân nói: “Phổi của bà bị tắc nghẽn rất nghiêm trọng, hô hấp rất khó khăn”. Thầy nói: “Bởi vì mẹ tôi sinh tiền vô cùng thích ăn hải sản. Điều kiện gia đình cũng rất tốt, những con bào ngư rất to trước khi đưa vào thị trường đều phải qua nhà thầy ấy trước. Nhà thầy ấy giữ lại những con to, sau đó họ mới tiếp tục đem bán, đều là chọn ăn rất nhiều những con to nhất”. Sau đó, khi bước vào phòng, nhìn thấy bà cụ tôi đã khóc rất nhiều. Lúc đó tôi cảm thấy, đây là một vị Bồ Tát đang thị hiện cho tôi xem, chẳng phải hai ngày trước tôi còn cảm thấy điều đó không đúng hay sao? Không có chuyện gì hay sao? Bởi vì thầy Tân nói mẹ của thầy cũng không gây ra sát nghiệp nào khác, chỉ là ăn hải sản thôi. Người Đại Liên chúng tôi đều rất thích ăn hải sản. Bà cụ hô hấp rất khó khăn, mỗi một lần bà thở ra một tiếng là tôi không chịu được mà khóc lên. Sau đó tôi nói: “Lão Bồ Tát à! Con vô cùng cảm ơn bác! Nếu không thì con còn phản đối, không nghĩ đến sẽ có quả báo như thế nào khi tổn hại những chúng sinh đó, tương lai bản thân con sẽ ra làm sao?”. Cho nên hôm qua tôi giảng bài cho mọi người, lúc báo cáo tôi đã thực sự sợ hãi cái quả báo này. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy.

Do vậy, phụ nữ rất quan trọng. Trong gia đình, phụ nữ nắm đại quyền chế biến món ăn, họ mua gì thì người trong nhà phải ăn những thứ đó. Trước đây tôi cũng như vậy, cua thì phải chọn mua con to nhất, hải sản thì phải mua loại sò điệp. Ba chồng tôi rất thích ăn, tôi còn tự cho rằng mình rất hiếu thảo. Hiện nay, ba chồng tôi cũng giống mẹ của thầy Tân, đầu óc rất không tốt. Tôi rất sám hối. Cho nên, chúng ta phải nhìn rõ ràng quả báo thì chúng ta mới triệt để không dám tạo cái nhân đó.

Tôi rất kỳ vọng thầy Chung sẽ sớm giảng bộ “Chư Kinh Phật Thuyết Địa Ngục Tập Yếu”. Giảng rõ từng điều thì mọi người thật sự không dám làm điều này nữa. Vì biết rõ quả báo trong tương lai đang đợi mình, thì họ nhất định có thể ngăn cấm bản thân. Tôi cảm thấy điều này so với giáo dục luân lý đạo đức đều phải xem trọng. Bởi vì có lúc con người thật sự không có tâm hổ thẹn, nhưng họ có tâm kính sợ.

Từ sự việc của thầy Tân, tôi còn có một cảm xúc rất lớn, đó là phận làm con cái phải sớm giúp ba mẹ tiếp xúc với Phật Pháp, sớm nghe Phật Pháp. Hơn nữa, cái hiếu lớn nhất của con cái đối với ba mẹ chính là biến tất cả những duyên phận bên cạnh mình thành thiện duyên và pháp duyên. Nếu được như vậy thì ba mẹ thật sự được thơm lây cùng bạn rồi.

Giống như hôm qua, tôi có nhắc đến một bộ sách “Hoàng Yên Bình Cư sĩ Vãng Sinh ký”. Con gái của cô tên là Hồ Ni Ni, là một đại hộ pháp trong Phật môn nên mới có sự việc thù thắng như vậy. Tôi thật sự khuyến khích chúng ta đều nên hộ trì Phật Pháp, hoằng dương chính/chánh pháp, không vì người khác thì chí ít cũng vì ba mẹ hay người thân của mình. Trong chương “Đạo Vợ Chồng”, phía sau còn nhắc đến “phụ bất hiền, tắc vô dĩ sự phu”. Vợ không hiền đức thì không thể phụng sự chồng.

Cái hiền của phụ nữ là hiền ở đâu?

Phần tiếp theo, chương thứ ba của sách “Nữ Giới” có nhắc đến chúng ta phải có một cái tâm kính cẩn, thận trọng, nhắc đến bốn đức hạnh của phụ nữ, nhắc đến chuyên tâm. Bây giờ chúng ta mở lại những điển tịch của lão tổ tông, khi học tập chúng ta sẽ phát hiện có một đặc điểm chính là chúng ta không hiểu người xưa đang nói gì, xem không hiểu người xưa muốn biểu đạt ý gì, đối với lão tổ tông cảm thấy thật sự không có khái niệm gì cả. Vậy thì chúng ta làm gì còn truyền thống, làm gì còn gia đạo và gia nghiệp nữa chứ?

Có một lần khi tôi giảng “Nữ Giới” cho mấy người bạn, có một cô gái thuộc phái tiên phong, hiện đại, cô ấy xem qua một lần rồi nói: “Cô Trần à! Nếu cô không giảng thì tôi xem một chữ cũng không hiểu, tôi căn bản không biết họ nói cái gì. Cô giảng xong thì đại khái tôi cũng hiểu, hình như là nói chúng ta phải tu dưỡng đức hạnh, tu thân dưỡng tánh”. Cô ấy là một phụ nữ tri thức, có thể coi là tương đối có văn hóa. Tôi nói: “Đúng vậy! Tu thân rồi mới có thể tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nhưng chúng ta không biết tu như thế nào, làm thế nào mới được”. Phụ nữ thời xưa có quyển “Nữ Tứ Thư”, còn có “Nữ Hiếu Kinh”. Tôi giống thầy Chung, đều rất hy vọng có nhiều phụ nữ học tập nữ đức, nên tôi thường khích lệ những bạn bè bên cạnh.

Thời gian trước có một cô gái hy vọng tôi giúp cô tìm một công việc. Tôi nói: “Điều kiện gia đình bạn rất tốt, chồng bạn làm việc ở một tập đoàn công ty lớn, lương tháng phải hơn 10.000 Nhân dân tệ, thu nhập trước đây của bạn cũng không ít, tiền để dành cũng rất nhiều, nhà cửa cũng không phải lo, đều đã có rồi, con thì mới sinh, tại sao bạn không ở nhà cố gắng dạy con của mình chứ?”. Cô ấy nói: “Vậy tôi thành kẻ vô dụng, trở thành người phụ nữ của gia đình rồi. Tôi muốn tìm giúp việc để giúp việc chăm sóc”. Tôi nói: “Tôi đã rất hối hận rồi. Hai đứa con của tôi lúc nhỏ đều do giúp việc chăm sóc, không thể lặp lại được nữa. Hiện tại tôi giáo dục chúng đã cảm thấy có chút khó khăn rồi. Người mẹ nhất định phải đích thân chăm sóc con mình, không ai có thể so sánh với người mẹ được. Giúp việc có thể yêu thương con của bạn giống như bạn hay không? Lúc đầu tôi học văn hóa truyền thống chính là vì yêu thương con trai tôi, sau đó tôi mới phát tâm đi học “Đệ Tử Quy”, cùng con trai tôi học thuộc “Đệ Tử Quy”. Đó chính là trái tim của một người mẹ. Bởi vì không hiểu được nên tôi không có cách gì dạy con trai tôi”. Cô ấy liền do dự, một lúc sau cô ấy nói: “Nếu con tôi đi mẫu giáo thì tôi phải làm sao? Tôi sẽ không còn việc gì để làm nữa, vậy thì tôi vẫn phải đi tìm công việc”. Tôi nói: “Bạn thực sự cũng không thiếu tiền tiêu, bạn có thể làm một cô giáo dạy văn hóa truyền thống, cô giáo nghĩa công cống hiến cho xã hội”. Tôi nói: “Cuộc đời con người thực sự qua rất nhanh, tất cả bạn nên tích phước cho con cái của mình. Tuyên giảng đức hạnh của phụ nữ tốt biết bao”. Tôi đem quyển “Nữ Giới” đưa cho cô ấy, đĩa giảng cũng tặng cho cô ấy. Sau khi cô ấy nghe giảng xong vài lần thì một hôm cô ấy đã gửi tin nhắn cho tôi, cô ấy nói: “Tịnh Du! Cảm ơn cô! Tôi sẽ nghe theo lời của cô. Tôi cảm thấy xã hội thực sự cần nền giáo dục này. Hiện tại tôi ở nhà cố gắng học, nếu có duyên phận tôi cũng hy vọng ra ngoài giảng cho mọi người nghe. Trước tiên, tôi sẽ chăm sóc cho con của mình thật tốt để bản thân có được một số thể hội”.

Bản thân tôi làm cũng rất kém, phần phụ nữ hiền đức này tôi làm vẫn chưa tốt. Vì sao vậy? Vì thiên thứ nhất “Ti Nhược” hôm qua tôi vẫn chưa làm được, không khiêm tốn cũng không dịu hiền, tâm rất cứng rắn. Tâm cứng rắn biểu hiện ở đâu? Đối với rất nhiều việc, rất nhiều người bên cạnh nhưng tôi đều thờ ơ, không chút quan tâm. Trước khi học văn hóa truyền thống, tôi chưa từng rơi nước mắt. Thật đấy! Khi tôi mang thai đứa con trai lớn, tôi đều nôn ra máu, phản ứng rất khủng khiếp, nhưng tôi không hề rơi nước mắt. Mẹ tôi ở bên cạnh khóc và nói: “Tại vì sao con không có nước mắt vậy?”. Tôi nói: “Không có gì ạ, nôn thì nôn thôi”. Nhìn thấy những người bên cạnh tôi cũng không có cảm giác gì, tôi hoàn toàn sống trong thế giới tự ngã của mình. Có khi tranh cãi với chồng nhưng tôi chưa bao giờ khóc, trong tâm đều rất lý trí để xử lý. Thực sự sau khi tôi học văn hóa truyền thống thì tâm tôi lại trở nên rất mềm yếu, rất dễ khóc. Tâm tôi đã có chút thay đổi, vừa nhìn thấy những việc cảm động, việc thương tâm đau lòng tôi cũng khóc. Do vậy, vài hôm trước có một người bạn nói với tôi: “Tịnh Du! Gần đây bạn làm gì thế, tướng mạo của bạn sao không giống trước kia vậy?”. Bởi vì khoảng hơn một năm nay chúng tôi không gặp mặt, trong thời gian một năm này tôi học văn hóa truyền thống tương đối dũng mãnh. Tôi thấy rất kỳ lạ nên nói: “Trước đây tướng mạo tôi như thế nào?”. Anh ấy nói: “Bạn trước đây là nữ doanh nhân, tướng mạo rất kiên cường, nói một là một”. Còn có những chuyện anh ấy rất ngại nói ra. Tôi nói: “Vậy hiện nay thì sao?”. Anh ấy nói: “Hiện nay bạn có một chút dịu dàng, giống phụ nữ rồi”. Tôi nói: “Bạn quá từ bi, bạn đang khích lệ tôi đó”.

Tôi hy vọng mình có thể sống trở về đúng với hình dáng của một người phụ nữ. Phụ nữ nên vĩnh viễn có một trái tim tràn đầy tình thương của một người mẹ. Giống như Đức Phật dạy bảo Ngọc Da Nữ vậy, bắt đầu làm từ “vợ như mẹ”. Bạn phải học cách làm sao yêu thương con mình, làm sao để che chở cho chồng mình giống như che chở cho con mình vậy. Điều này tôi cũng đang trong quá trình dần dần học tập.

Hôm qua, tôi cũng nói đến lợi ích lớn nhất của việc học tập rồi, có thể từng chút, từng chút một hiểu rõ đạo lý. Hiểu rõ đạo lý thì tốc độ sửa sai sẽ tương đối nhanh, tốc độ quay đầu cũng khá nhanh.

Bản thân tôi học phần “Đạo Vợ Chồng” này còn có một thể hội khá sâu sắc. Trong đây có nhắc tới dạy người nam, từ xưa tới nay giáo dục người nam từ lúc còn nhỏ vô cùng nghiêm túc, có trường tư thục để dạy học, nhưng giáo dục nữ giới thì đều qua loa. Do đó Ban Chiêu nói, giáo dục phụ nữ không kém phần quan trọng so với nam giới, cần phải coi trọng, cần dạy giống như nam giới, phải dạy họ “Thư Tịch Truyện Ký”. Trong “Tứ Khố Toàn Thư”, “Thập Tam Kinh” đối với người hiện đại mà nói thì quá nhiều, rất khó để bạn có thể định tâm lại mà học. Do đó chúng ta nên bắt đầu học từ những điều giới nhỏ nhặt trong “Đệ Tử Quy”. Như vậy là rất tốt! 113 điều trong “Đệ Tử Quy” phải thực hiện từng câu một, sau đó chúng ta mới có thể hiểu sâu nhân quả.

Bản thân tôi cũng có những thể hội trong thực tiễn cuộc sống. Con trai tôi rất thích xem phim hoạt hình, ví dụ như phim hoạt hình “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”. Xem xong nó liền chia sẻ với em trai: “Đó là phim dạy về nhân quả”. Nó đã chia sẻ với em trai mình như thế nào vậy? Nó đưa cho em trai một món đồ chơi nhỏ và nói: “Em trai à! Đây là đồ chơi phải không?”. Em trai nói: “Vâng!”. Bởi vì con trai nhỏ của tôi mới có hai tuổi rưỡi. Nó nói: “Em đưa cho anh”, em trai liền đưa cho nó. Nó lại đưa cho em trai một món đồ chơi lớn hơn và nói: “Hiện giờ em nhận được có phải là một món đồ chơi lớn hơn không?”. Em trai nói: “Đúng vậy!”. Nó nói: “Đây chính là nhân quả đấy!”. Ở nhà nó đã dạy em trai như vậy. Con trai út của tôi cũng mơ mơ hồ hồ, nhưng tôi cảm giác nó có một chút nhận thức mơ hồ về quan hệ giữa nhân và quả.

Trước đây, đứa con lớn của tôi có một đặc điểm là khi nhìn thấy những thứ mà nó thích thì nó liền muốn chiếm làm của riêng. Hơn nữa, nó rất thông minh, cho nên có lúc thông minh sẽ bị thông minh hại. Cũng giống như hôm qua thầy Chung có nói đến. Con tôi nói hay đến mức em bé kia bất giác liền cầm đồ chơi của mình đưa cho nó. Nó liền lấy mấy miếng dán hình nhỏ, hoặc cái gì đó ra để đáp lại. Có một lần, nó lấy được không phải là đồ chơi, mà là điện thoại của người bạn nhỏ đó về nhà, vì nhà bạn nhỏ đó cũng tương đối có tiền. Lúc đó tôi rất tức giận, nổi trận lôi đình. Cho nên, so với mẹ của thầy Chung thì tôi rất kém cỏi. Tôi biết khi cơn thịnh nộ này bùng lên mà trách mắng con thì sẽ không đúng, nhưng tôi lại không kiềm chế được, nên tôi nhờ chồng mình trợ giúp. Tôi nói: “Việc này em đã khống chế không nổi rồi, không cách gì kiềm chế được. Em mà nói chuyện chắc chắn rất giận dữ, cho nên anh ra mặt đi”. Chồng tôi làm việc gì cũng đều tâm bình khí hòa. Anh ấy nói: “Em yên tâm đi, không có chuyện gì đâu. Anh sẽ dạy dỗ nó”. Chồng tôi kỳ thực chưa có học qua văn hóa truyền thống, nhưng tôi cảm thấy rất kỳ lạ là anh ấy có thể làm được. Anh ấy rất nghiêm túc khuyên bảo con trai tôi và cầm cái điện thoại đó đi. Sau đó, chồng tôi hẹn người bạn nhỏ bị nó lấy điện thoại cùng với mẹ của bạn ấy đến văn phòng của chồng tôi. Anh ấy còn lấy bộ cờ vây và bàn cờ mà nó thích nhất cầm đi. Vì con tôi từ nhỏ đã đánh cờ vây, nên nó có một bộ cờ vây. Chồng tôi cũng không nói nhiều. Sau khi đến văn phòng, chồng tôi liền bảo con tôi cầm điện thoại đó, còn anh thì cầm bàn cờ. Anh ấy dẫn con trai mình cung cung kính kính cúi mình ba lần trước người mẹ và cô bé đó. Sau đó anh ấy nhận lỗi, rồi nói: “Chúng tôi làm ba mẹ dạy dỗ con cái không tốt, chúng tôi rất xấu hổ. Bây giờ chúng tôi trả lại điện thoại cho chị và tặng bộ cờ vây của con tôi cho chị để biểu đạt thành ý xin lỗi của chúng tôi. Xin chị nhất định phải nhận giúp”. Mẹ của cô bé không nhận. Chồng tôi liền nói: “Xin chị nhận giúp để hai bên chúng ta phối hợp dạy dỗ con cái”. Cô ấy liền nhận lấy và ra về. Chồng tôi nói với con trai là: “Con đã chiếm lấy những đồ vật mà người khác yêu thích nhất làm của riêng cho mình, bây giờ con hãy nếm thử mùi vị khi con mất đi thứ mà mình yêu thích nhất, xem cảm giác của con ra sao”. Sự việc này của con trai tôi xảy ra vào năm ngoái. Thực sự từ năm ngoái đến nay, nó không hề tái phạm, tôi cũng quên rồi.

Bởi vì thời gian trước, có một hôm nó nói với tôi rằng: “Mẹ à! Đã rất lâu rồi con không còn lấy đồ chơi của các bạn nhỏ nữa, cũng không còn ý nghĩ đổi đồ chơi nữa, mẹ có thể xin ba mua cho con một bộ bàn cờ khác được không ạ? Con rất muốn đánh cờ vây . Bởi vì từ nhỏ nó đã học đánh cờ vây và đánh cũng rất tốt. Tôi nói: “Con nói thật không?”. Nó nói: “Thật mà mẹ, mẹ có thể đi hỏi thầy giáo, hỏi bạn học của con”. Tôi liền đi nói chuyện với thầy chủ nhiệm của nó. Thầy giáo nói con trai tôi thật sự rất tốt rồi, hơn nửa năm nay đều rất ngoan, nên tôi đã thương lượng với chồng tôi. Chồng tôi nói: “Có thể được! Con đã biết sửa đổi rồi, biết sai rồi, vậy thì mua cho con bộ khác đi. Học đánh cờ cũng không phải xấu, có thể luyện định lực”. Con tôi thường tự mình bày một ván cờ, sau đó tự ngồi đó đánh một mình. Một lần nó có thể chơi cờ vài giờ đồng hồ.

Ở bên cạnh tôi có một vị thiện tri thức như vậy để nhắc nhở tôi. Tôi cũng nhắc nhở chồng mình, bởi vì anh ấy thường xuyên đi công tác, quen biết rất nhiều bạn bè, cho nên họ thường mua cho con tôi những món đồ chơi lớn. Thời gian trước anh còn lấy về nhà một món, bị tôi tịch thu lại bỏ vào trong kho. Tôi chuẩn bị đem quyên tặng cho cô nhi viện, kết quả ngày hôm sau anh ấy lại lấy về một món nữa. Tôi rất tức giận. Tôi nói: “Sao anh đem về hoài vậy?”. Anh ấy nói: “Ở văn phòng anh còn hai cái vẫn chưa lấy về đó. Đó là của bạn bè tặng”. Tôi nói với anh ấy: “Đồ chơi không thể chơi được”. Anh ấy nói: “Em đừng nói nữa, em làm như vậy rất đúng. Cái này ngày mai anh sẽ bảo bác lái xe mang trở lại văn phòng. Ba cái đó anh sẽ đem tặng người khác. Những thứ ở nhà thì cứ mang đi tặng theo ý của em. Điều này em làm rất đúng, anh ủng hộ em”.

Trẻ con đặc biệt chịu ảnh hưởng của cha mẹ. Nếu bạn làm cha mẹ mà có tâm trạng tốt, thì khi trao đổi với con cái, con cái cũng sẽ cảm thấy rất vui vẻ. Nếu cha mẹ có mâu thuẫn, có chướng ngại, thì từ nhỏ, con cái đã chịu ảnh hưởng những từ trường không tốt này, chúng sẽ sinh ra một số tâm trạng uất ức, thậm chí mắc bệnh tự kỷ. Trẻ nhỏ hiện nay đều mắc phải những bệnh này.

Thầy cô giáo nhất định phải dạy trẻ nhỏ làm sao để hiếu thảo với cha mẹ. Người làm cha mẹ nhất định phải dạy con mình làm sao để tôn trọng thầy cô giáo.

Con trai tôi có một vị gia sư. Vị thầy gia sư này là một nhân viên của tôi, do đó tôi đã không cung kính cậu ấy. Mỗi lần, khi vị thầy này đến nhà dạy cho con trai tôi, bởi vì trong tâm tôi cảm thấy cậu ấy là nhân viên của tôi, nên tôi cũng không đứng dậy chào. Cậu ấy đến thì tôi nói: , đến rồi hả!”. Cậu ấy đi thì tôi nói: , về nhé!”. Cậu ấy đều chủ động đi lên lầu chào hỏi tôi, nhà chúng tôi tầng lầu tương đối nhiều. Cho nên, việc hiểu rõ lý lẽ rất quan trọng.

Có một ngày, tôi nghe Sư phụ giảng Kinh, Ngài có nhắc đến điều này. Tôi rất là kinh ngạc. Tôi nghĩ: “Thảo nào con trai mình luôn không nghe lời thầy giáo, thì ra là do mình đã không cung kính vị thầy giáo này”. Do vậy, khi cậu ấy rời khỏi nhà tôi thì tôi đứng dậy (bởi vì khi cậu ấy đến tôi vẫn còn đang nghe giảng), lần đầu tiên tôi nói với con trai mình: “Con mau chóng xuống tầng một cung kính tiễn thầy rời khỏi nhà mình đi”. Tôi liền đỡ lấy cặp đựng máy tính và túi xách tay của thầy giáo, con trai liền nhìn tôi. Lúc thầy đứng ở cửa để mang giầy thì tôi liền ở đó cúi người và nói:  “Thầy giáo à! Vô cùng cảm ơn thầy, thầy vất vả rồi!”. Thầy giáo cũng vô cùng kinh ngạc, bởi vì cậu ấy còn rất trẻ, nhỏ tuổi hơn tôi. Cậu ấy nói: “Giám đốc Trần à! Xin đừng khách khí, không sao đâu!”. Tôi nói: “Không thể được, thầy là thầy giáo của con trai tôi, cũng là thầy giáo của tôi. Thầy mỗi ngày đều đến đây để hướng dẫn con tôi học bài, tôi thật sự rất cảm ơn thầy”. Ngày thứ hai, khi tôi gọi con trai mình thì con tôi đã chủ động cầm lấy cái cặp đựng máy tính. Đến cửa, nó còn cầm giầy của thầy giáo ra ngoài đặt ở trước chân thầy và nói: “Thầy mang giầy vào đi ạ!”. Con tôi còn tranh nói: “Thầy vất vả rồi, con cảm ơn thầy ạ!”. Sự việc này đại khái xảy ra khoảng hơn một tháng trước. Bây giờ thì tôi không cần gọi con trai nữa, mà có lúc con trai còn gọi tôi. Bởi vì học xong thì con trai liền gọi: “Mẹ ơi, thầy giáo phải đi rồi, cung kính tiễn thầy về thôi ạ!”. Tôi liền nhanh chóng từ trên lầu đi xuống nói: “Thầy giáo vất vả rồi, chúng tôi cùng tiễn thầy về”. Quả thực, sau khi tôi bắt đầu làm như vậy thì con trai tôi nghe thầy giáo giảng bài rất nghiêm túc, vô cùng lợi ích. Ví dụ như trước đây tư thế ngồi của nó không chính xác, thầy giáo nói rất nhiều lần nhưng nó vẫn ngồi như vậy, sau đó còn nhìn thầy giáo một cái, rất không cung kính. Hiện tại, thầy giáo vừa nói là nó sẽ ngồi rất ngay ngắn và nói: “Con xin lỗi thầy, con sai rồi!”. Cho nên, tôi cảm thấy không phải con trẻ không cung kính thầy cô giáo, mà là người làm mẹ như tôi không để thầy giáo vào trong mắt.

Năm nay, khi đón Tết Đoan Ngọ, tôi cũng là lần đầu tiên mang bánh ú cung kính tới thăm thầy chủ nhiệm của con trai tôi. Tôi cũng dẫn con trai tới cúi người với thầy chủ nhiệm và nói: “Vô cùng cảm ơn thầy! Con tôi học ở trường đã làm phiền thầy Dương rất nhiều”. Sau đó thực sự là thầy giáo rất quan tâm đến con tôi, bởi vì ba mẹ cung kính thầy giáo như vậy, thầy giáo sẽ tự nhiên cảm nhận được và tinh thần trách nhiệm sẽ tự nhiên mà sinh ra. Lần đầu tiên con trai trở về nhà nói: “Mẹ à! Thầy giáo khích lệ con, biểu dương con, nói gần đây con thay đổi rất tốt. Lần đầu tiên thầy giáo biểu dương con trước mặt bạn học cả lớp, con nhất định phải tiếp tục nỗ lực nữa”. Do đó, chúng ta làm ba mẹ phải biểu diễn cho con cái xem. Ngoài việc hiếu dưỡng ba mẹ và ba mẹ chồng của chúng ta ra, còn một việc phải biểu diễn cho chúng thấy, đó là phải hiếu kính thầy cô giáo của chúng, bất luận vị thầy giáo đó bao nhiêu tuổi. Con cái sẽ nghiêm túc mà học tập, không cần bạn phải lo lắng. Tôi cũng nói với thầy gia sư của con tôi rằng: “Tôi khẩn cầu thầy một việc, nhất định thường dạy nó phải hiếu thuận ba mẹ”. Bởi vì ba mẹ rất ngại khi mở miệng nói: “Con phải hiếu thuận mẹ đấy!”. Cậu nhân viên này của tôi cũng học văn hóa truyền thống, cậu ấy nói: “Giám đốc Trần! Xin cô yên tâm, tôi nhất định sẽ nói với cháu”.

Vì con trai, cho nên ở đơn vị tôi cũng thành lập một trường tư thục quốc học nhỏ. Những hội viên và khách hàng của tôi có con cái muốn học tập ở đó đều được học miễn phí. Con trai tôi học một mình, không có bạn bè sẽ tương đối nhàm chán. Lớp học này đã bắt đầu kể từ đầu năm nay. Lớp nghỉ đông đã được khai giảng, gần đây lại bắt đầu mở lớp nghỉ hè. Các lớp nghỉ đông và nghỉ hè một tuần học ba ngày, bình thường thì học mỗi thứ bảy hàng tuần. Hai nhân viên của tôi chuyên giảng về văn hóa truyền thống, văn hóa doanh nghiệp. Họ phụ trách dạy học, tạo nên thay đổi đặc biệt lớn. Con trẻ cũng cần phải có đồng tham đạo hữu.

Thời gian nghỉ hè, cuối tháng này chúng lại cùng nhau tham gia trại hè “Đệ Tử Quy”. Những thầy cô giáo là nhân viên của tôi sẽ dẫn chúng cùng đi. Một kỳ mười hai ngày. Học gì vậy? Trại hè “Đệ Tử Quy” này nhận các em từ tám tuổi đến mười tuổi vào lớp thiếu nhi. Còn có lớp thành niên. Nội dung học tập chính là quét dọn, ứng đối, gấp mền, giặt quần áo, cung kính ba mẹ. Tập trung vào những vấn đề này. Bởi vì rất khó tìm được một môi trường rộng lớn như vậy, cho nên tôi đã tận hết năng lực của bản thân để xây dựng cho con mình một môi trường nhỏ như vậy từ nhà đến trường. Bởi vì ở trường học nó cũng không được học, trường học thì lấy dạy học làm chính. Tôi không tìm được một trường học văn hóa truyền thống “Đệ Tử Quy” nào như vậy. Nhưng bầu không khí nhỏ của ngày thứ bảy, mười đứa nhỏ tập trung lại học “Đệ Tử Quy”, học “Hiếu Kinh”, học “Thường Lễ Cử Yếu”, học “Tam Tự Kinh”, chúng còn tập diễn những tiết mục nhỏ như “Hai Mươi Bốn người con hiếu hạnh” rất hay. Tôi nói: “Các con diễn thuộc và hát cho hay bài hát “Dê con quỳ bú”, chúng ta sẽ tới viện dưỡng lão biểu diễn cho các cụ già xem”. Bọn trẻ rất thích thú.

Tôi cảm thấy, một người mẹ làm tất cả những điều này là xuất phát từ tâm yêu thương con cái mãnh liệt. Bắt đầu từ điểm khởi nguồn này mà từng chút, từng chút mở rộng ra. Tôi tin rằng, mẹ của thầy Chung cũng là như vậy, hết sức thương yêu con của mình, đứa con trai duy nhất cuối cùng từng chút một trưởng thành đến ngày hôm nay. Cái tâm đó cũng là từng chút một mà phát ra. Lúc bắt đầu tôi cũng không có cái tâm rộng lớn như vậy, không phải vì mọi người, chỉ cảm thấy dạy tốt con cái, không có lỗi với con trai tôi thì đã tốt lắm rồi. Nhưng có một lần trong quá trình giảng bài, có một cô giáo dạy văn hóa truyền thống nói: “Bạn phải xem tất cả phụ nữ trong thiên hạ đều là chị em ruột của mình, xem tất cả trẻ nhỏ trong thiên hạ đều là con trai của mình, được vậy thì bài giảng của bạn nhất định sẽ có rất nhiều người muốn nghe, bởi vì cái tâm đó là tương thông”. Lời của cô ấy đã làm tôi bị chấn động. Tôi cảm thấy tôi vẫn chưa đạt đến cái tâm lượng lớn như vậy, nhưng tôi sẽ đem tâm yêu thương của mình từng chút, từng chút mở rộng ra.

Thực sự là trong hơn một năm qua, tôi tham gia rất nhiều luận đàm như vậy. Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn, nhưng nội dung chân thật chỉ trên hai phương diện. Một là hôn nhân không hạnh phúc. Có một cô giáo gọi điện thoại cho tôi, khẩn cầu tôi đến nói chuyện với chồng cô ấy. Gia đình rất bất hạnh. Còn một vấn đề nữa chính là con cái. Có một cô giáo, bởi vì ly hôn nên con của cô mới mười mấy tuổi đã bị mắc bệnh tự kỷ, trầm cảm, bỏ học, muốn tự sát. Làm một người mẹ nên cô rất đau lòng, cô ở trước mặt tôi khóc rất nhiều, hỏi tôi phải làm như thế nào? Cô nói hiện tại đứa trẻ không muốn ở cùng ai, không muốn ở cùng ba, cũng không muốn ở cùng mẹ. Không có việc gì thì nó chỉ ở trong quán điện tử và chỉ muốn chết. Thực sự là tôi đã tiếp xúc qua với một số người như vậy, thời gian trước đây cũng có một cô giáo đã tới văn phòng của tôi để tìm tôi. Tôi hỏi: “Làm sao cô có thể tìm được tôi vậy?”. Cô nói: “Tôi đã hỏi rất nhiều người mới xin được số điện thoại của cô. Trong tâm tôi thực sự rất đau khổ nên muốn kể với cô một số việc”.

Vậy làm sao mới có thể đạt được hạnh phúc, đạt được vui vẻ? Nếu niềm hạnh phúc này chỉ là nhất thời thì cái đó là giả rồi. Cũng giống như chúng ta ra ngoài hưởng thụ một chút vậy, đi dạo phố mua mấy bộ quần áo đẹp, đi làm đẹp, đi mát-xa, đó chỉ là nhất thời, qua mấy ngày nếu không làm những việc này nữa thì lại không vui. Lúc không mua quần áo mà thấy không vui thì cái vui đó là giả thôi. Niềm vui chân thật là trong tâm tánh đạo đức mà lưu lộ ra, bởi vì nó không thay đổi. Đạo vợ chồng cũng vậy, không chỉ có ân nghĩa, tình nghĩa, mà quan trọng nhất chính là có đạo nghĩa.

Tôi đã xem “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” của thầy Chung giảng rất nhiều lần rồi, hai tháng này đại khái đã xem bốn – năm lần, đọc rất tỉ mỉ. Trong sách tôi đánh dấu rất nhiều đạo lý, rất có lợi ích. Tôi cũng mua rất nhiều cuốn “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” tặng bạn bè. Bởi vì bên trong quyển này có một câu nói làm tôi ấn tượng rất sâu, thầy Chung giảng bài cũng có nhắc đến: “Dĩ thế giao giả, thế khuynh tắc giao tuyệt”. Ý nói, nếu bạn dựa vào quyền thế, ỷ quyền cậy thế phan duyên đi kết giao, đến khi quyền thế không còn nữa thì giao tình cũng tan. “Dĩ lợi giao giả, lợi cùng tắc giao tán”. Ý nói dùng lợi ích để kết giao thì cũng như vậy, đến khi không còn lợi ích, không còn tiền tài nữa thì tình bạn sẽ chấm dứt. “Dĩ sắc giao giả, hoa lạc nhi ái du”. Vì sắc mà kết giao, hoa tàn thì tình cũng hết. Đàn ông thích tìm một người phụ nữ xinh đẹp, qua bốn mươi tuổi không còn đẹp nữa thì cũng hết yêu. Cuối cùng là: “Dĩ đạo giao giả, địa lão nhi thiên hoang”. Dùng đạo kết giao thì thiên trường địa cửu. Lần đầu tiên khi tôi đọc đến đoạn này, vừa lúc tôi nhìn thấy trên mạng có một đoạn tin tức như vậy, tôi liền cảm thấy có thể giải thích được khi thấy cách chọn đối tượng của rất nhiều phụ nữ và đàn ông thời nay.

Một tỷ phú rất giàu tìm bạn đời, thì có hàng ngàn mỹ nữ đến ứng tuyển. Các cô gái đẹp đều hỏi: “Cụ thể là tiền có mấy tỷ? Kinh doanh ngành nghề gì? Trong tay anh có bao nhiêu công ty?”. Phụ nữ đều hỏi những vấn đề này. Còn đại diện bên phía người nam thì chỉ có một tiêu chuẩn, chính là: “Có đẹp không? Có phải là nghiêng nước nghiêng thành không?”. Một bên thì chạy theo lợi, còn một bên thì chạy theo sắc, như vậy làm sao có thể duy trì được cuộc sống hôn nhân lâu dài chứ?

Bạn xem, tổ tiên của chúng ta đã giải thích sự kết giao giữa người với người vô cùng tinh tế, sâu sắc. Có thể hiện nay người học tập văn hóa truyền thống còn khá ít, mà tự mình thực hành thì lại càng ít hơn nữa. Nhưng tôi tin chắc, chỉ cần chúng ta đều bắt đầu làm từ chính mình, cho dù là từng li từng tí, nhưng nhất định sẽ có thể ảnh hưởng và cảm hóa đến rất nhiều người bên cạnh. Bạn thật làm, thật thực hành. Tôi từ trước đến nay chưa từng nghĩ đến việc này, năm ngoái vì con trai mình mà tôi học “Đệ Tử Quy”, còn năm nay tôi lại có may mắn ngồi đây cùng chia sẻ với mọi người. Tôi chưa bao giờ từng nghĩ đến việc này, bởi vì tôi cảm thấy suy nghĩ của tôi vào lúc đó rất đơn giản, chúng tôi học “Đệ Tử Quy”, con trai lớn thì tương đối nghe lời, không quá bướng bỉnh, chung sống với em trai rất tốt. Trong nhà khá yên ổn, trải qua những ngày tháng bình yên, tôi cảm thấy rất an nhiên. Khi tôi quay đầu hồi tưởng lại chặng đường của một năm qua, bất giác như trong mộng vậy. Thực sự hiện nay tôi cảm thấy mình có một sứ mệnh với những người ở bên cạnh mà tôi quen biết. Hoàn cảnh trong lúc học tập khá tốt. Nhưng khi tôi quay về cuộc sống thường ngày của mình, thì nhiều người họ đều hỏi “Đệ Tử Quy” là gì? Lần đầu tiên khi tôi đưa “Đệ Tử Quy” cho người chị chồng thứ hai của tôi xem, chị nói: “Cái này ai viết vậy? Viết cũng không tệ, viết cũng rất hay”. Chị là một giáo sư đại học. Tôi cảm thấy không chỉ bản thân có thể đạt được lợi ích, nếu có thể giúp nhiều người bên cạnh mình đạt được lợi ích hơn nữa thì đó mới là niềm vui chân thật.

Trong quá trình học văn hóa truyền thống, tôi thể hội rất sâu sắc một số điểm sau:

Điểm đầu tiên, kỳ thực rất giống với thầy Hồ Tiểu Lâm, chính là phải thật làm. Bạn thật sự buông xuống các loại mê hoặc, nhưng cũng có lúc sẽ không nhẫn nổi. Ví dụ trước đây rất thích đi dạo phố, định kỳ nhất định phải đi làm đẹp, rất thích đi tiêu tiền, nhưng khi bạn hiểu rõ những đạo lý này thì bạn sẽ cảm thấy mình làm như vậy không phù hợp với yêu cầu của luân lý đạo đức văn hóa truyền thống. Nhất định phải chân thật hạ quyết tâm thay đổi. Rất khó! Tôi sửa đổi vẫn chưa triệt để, nhưng mỗi lần khi tôi đối diện với nhân viên của mình, khi đối diện với rất nhiều thính chúng thì tôi sợ hãi. Bởi vì bản thân chưa làm được, nên tôi không dám nói, không dám lừa người. Bạn cũng không thể chỉ sám hối suông, bạn chỉ nói mà không sửa thì làm sao được chứ? Do vậy mỗi lần trở về nhà, tôi nghĩ cho dù là giả, nhưng mình từ từ làm thì có thể sẽ trở thành thật. Cho nên khi chưa có cơ duyên ra ngoài giảng bài, tôi có một câu lạc bộ riêng do tôi thành lập, có lúc cùng một số người bạn tốt tụ tập lại nói chuyện. Ở đó tôi có đặt một cái máy quay nhỏ. Hai tháng này tôi đều lên chia sẻ với mọi người. Tôi giảng vào thứ ba, thứ năm và thứ bảy, từ chín giờ đến mười một giờ. Bất luận người ngồi phía dưới là bốn người hay năm người, tôi cũng đều rất nghiêm túc giảng bài, lấy việc này để khích lệ bản thân, làm rõ những đạo lý đã học được, không được qua loa đại khái. Trước đây tôi học tập rất qua quýt, xem qua cho rằng mình biết rồi nên liền bỏ qua. Bây giờ thì không dám nữa, chăm chỉ nghiêm túc tra từ điển, tra những tài liệu liên quan, liên tục giảng, giảng rõ ràng cho mình hiểu, sau đó về nhà thì nghiêm túc sửa chữa.

Thể hội lớn thứ hai của tôi là phải sám hối. Sám hối nhất định phải sám hối trước mặt đại chúng, lén lén lút lút sám hối sau lưng người thật sự không hiệu quả. Phát lộ sám hối trước mặt đại chúng thì tâm hổ thẹn của chúng ta mới có thể xuất hiện ra, bạn mới chịu chân thật mong muốn sửa đổi.

Điều thứ ba là nhất định bên cạnh phải quen biết nhiều thiện tri thức chân chính. Nếu như không có cái duyên phận đó thì chúng ta cũng đừng đi phan duyên. Thiện tri thức ở đâu? Ở trong Kinh điển, ngày ngày không rời xa những lời giáo huấn trong Kinh điển này. Hiện nay chúng ta rất thuận tiện, có rất nhiều sách, rất nhiều đĩa giảng, chúng ta có thể xem, có thể nghe. Mọi người phải thật sự định tâm lại để nghe, để làm, dứt tuyệt tất cả các ngoại duyên. Ở nhà lúc mới nghe giảng, muốn định tâm lại nhưng tâm không định được. Tôi ngồi nghe mà vọng niệm tràn lan, ước đoán tôi nghe hai giờ đồng hồ thì có một giờ tâm đều chạy ra ngoài. Nghe một lúc thì tôi nghĩ: “Hôm nay có phải nên đi mua chút gì không? Hôm nay có phải nên gọi điện thoại cho ai không?”. Chuyện này, chuyện nọ đều nghĩ ra, rất khó để định lại được. Nhưng đến khi nghe được khoảng mười ngày, thì vọng niệm sẽ ít đi một chút, nghe một tháng thì sẽ giảm đi một chút nữa, khoảng một tháng rưỡi thì bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái, rất tự tại. Không có ai gọi điện thoại, yên tĩnh, ở nhà có thể thu tâm lại rồi. Tâm phải định.

Tôi cảm thấy hiện tại chúng ta có quá nhiều những thứ mê hoặc rối rắm, cám dỗ thì không thiếu. Cái chúng ta thiếu là tịnh duyên. Tịnh trong từ an tịnh. Tịnh duyên, có thể rất an tịnh đặt bản thân vào trong bầu không khí văn hóa của cổ Thánh tiên Hiền, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Cho nên, có một câu nói trong “Chu Tử Gia Huấn” mà tôi viết trước tất cả những cuốn Kinh điển tôi đọc: “Đọc sách chí tại Thánh Hiền”.

Trước đây, tôi đọc sách chỉ là tiêu khiển giải trí, xem qua loa mà thôi, không cho là đúng. Ba tôi từng nói, hơn hai mươi năm trước ông đã biết “Đệ Tử Quy”, nhưng chỉ coi đây là một cuốn Kinh điển để đọc mà thôi, không ngờ có thể thay đổi cuộc sống, thay đổi vận mạng, thay đổi chính mình. Chúng ta cũng là như vậy, “Đệ Tử Quy” có thể giúp chúng ta không ngừng nâng cao. Tôi cảm thấy đó chính là một loại hưởng thụ của đời người.

Hiện nay chúng ta luôn đề xướng xã hội hài hòa, vậy bắt đầu làm từ đâu? Điểm khởi đầu của nó chính là hài hòa thân tâm của chính bản thân mình. Tôi rất có cảm xúc. Vì sao vậy? Bởi vì có một lần tôi cùng con trai và ba mẹ mang một số bánh bao đến bờ biển ở Đại Liên và ném xuống biển. Bởi vì đây là bánh bao cúng dường trong niệm Phật đường nhà tôi vẫn còn thừa, tôi liền xé ra ném xuống biển. Mọi người chắc không thể tưởng tượng ra, chúng tôi đã đếm được khoảng 70 – 80 con Hải Âu rất an nhiên ở đó ăn bánh bao. Lúc đó ba tôi rất xúc động, ông nói: “Một – hai con Hải Âu đến còn được, nhưng tại vì sao một lát mà đã tới nhiều như vậy? Chúng có trao đổi thông tin gì với nhau không? Có tín hiệu hay không? Có biết con người không hại chúng không?”. Sau đó có một ngày, vào buổi tối, tôi cùng ba mẹ và con trai cùng đi tản bộ. Hoa đại biểu cho Thành phố Đại Liên là hoa Hòe, khoảng tháng trước hương thơm của hoa Hòe bay khắp mọi nơi. Dọc đường trên núi mà chúng tôi đi tản bộ đều là cây Hòe, chúng tôi cảm thấy rất thanh thản, dễ chịu khi đi trên con đường đó. Ba tôi liền nói: “Tịnh Du à! Đại tự nhiên thật sự có tín hiệu, có cảm giác”. Tôi nói: “Làm sao ba biết ạ?”. Ba tôi nói: “Con xem cây hoa Hòe này, chỗ nào mà tay người có thể với tới và hái hoa của nó thì chỗ đó sẽ không ra hoa nữa. Còn bên trên và bên cạnh có những cành cao mà tay người không thể với tới thì hoa mọc đều rất đẹp. Nó không muốn bị làm tổn thương”. Thực nghiệm về nước tôi vẫn chưa thử qua, nhưng từng li từng tí trong cuộc sống đều phù hợp với những đạo lý mà chúng ta đã học.

Chúng ta sẽ phát hiện ra đạo lý gì? Con người mà yêu thương vạn sự vạn vật thì thế giới này nhất định sẽ hài hòa. Nếu một người mà thiếu đi tình yêu thương, thì họ sẽ không cảm nhận được những sự việc này. Cho nên, trong giáo huấn của lão tổ tông có một câu gọi là: “Nhân giả vô địch”. Chúng ta cũng thường học, nhưng không để vào trong tâm. Một người nhân ái, có tâm nhân từ, vì sao họ không có kẻ địch vậy? Vì họ không đối lập với tất cả người, tất cả sự, tất cả vật. Giống như hư không vậy, nó có thể dung chứa vạn vật, bất luận vạn vật đối đãi với nó như thế nào. Bản thân tôi cũng chưa đạt được cảnh giới cao như vậy, nhưng tôi muốn thực hành từng chút một trong cuộc sống để hiểu thấu đáo những đạo lý này.

Tối hôm qua, khi nghe thầy Chung giảng bài cũng có nhắc đến chữ “nhân” này. Khổng Tử nói: “Tìm điều nhân thì được nhân, có gì đâu mà oán hận”. Tôi nghĩ, vợ chồng chính là một chữ “nhân”. Phía trên là chồng, phía dưới là vợ, hợp thành một chữ nhân, thành tựu một chữ ái. Một gia đình hài hòa, một gia đình hạnh phúc sẽ giúp thế giới này giảm thiểu đi rất nhiều động loạn. Do đó, có một câu ngạn ngữ nói rất hay: “Nhổ một sợi tóc động đến toàn thân”. Chúng ta là một gia đình nhỏ, một đôi vợ chồng nhỏ bé, cũng giống như một sợi tóc nhỏ trên thân thể vậy, cảm giác rất là nhỏ bé. Nhưng chúng ta là một thể với xã hội, thậm chí là cùng một thể với vũ trụ. Bạn kéo một sợi tóc của mình bạn có thấy đau không?

Bản thân tôi là một phụ nữ rất bình thường, không có đức hạnh và học vấn gì cả, tôi cảm thấy mình cũng không cống hiến được gì lớn lao, nhưng tôi phát nguyện bắt đầu làm tốt từ gia đình mình, học tập cổ Thánh tiên Hiền của chúng ta là Đại Thuấn. Bản thân Đại Thuấn rất nhân ái, ông bắt đầu từ việc thành tựu cho ba mẹ, cho gia đình, cuối cùng có thể trị lý thiên hạ. Tôi sẽ học tập ông. Không biết đời này có thể đạt được hay không, nhưng từ tận đáy lòng tôi thật sự hy vọng bồi dưỡng hai đứa con của tôi (chúng còn rất nhỏ) để chúng thành người giống như thầy Chung vậy, có thể thật sự làm lợi ích cho xã hội, lợi ích cho đại chúng. Buông bỏ những truy cầu đối với danh và lợi, tận hết khả năng của bản thân, làm tốt bổn phận của một người mẹ, làm tốt bổn phận một người vợ. Tôi cảm thấy tôi không phải đang thành tựu chồng mình, mà là anh ấy đến thành tựu cho tôi. Do vậy, tôi không dám nói là giúp chồng, mà chỉ là xử lý tốt những việc trong nhà để anh ấy có thể an tâm làm tốt sự nghiệp của mình, không còn phải bận tâm lo lắng nữa. Tôi sẽ phụng dưỡng tốt ba mẹ chồng của tôi. Ba mẹ tuổi tác cũng cao, để ba mẹ không có lo buồn thì tôi đã làm tròn bổn phận của mình rồi. Bản lĩnh lớn hơn nữa thì tôi không có. Do đó, trong lúc tôi báo cáo nhất định có những chỗ không thỏa đáng, không thích hợp, xin khẩn cầu các vị thầy cô phê bình chỉ dạy. Vô cùng cảm ơn mọi người! Xin cảm ơn mọi người!

***************

[2]Tôi xin tiếp tục chia sẻ với mọi người về những thể hội trong quá trình học tập nữ đức. Năm nay tôi bắt đầu căn cứ vào quyển “Nữ Giới” của Ban Chiêu thời Đông Hán để học tập đức hạnh của phụ nữ. Phụ nữ tốt là do dạy mà ra, cũng là do học mà ra. Kỳ thực bản thân tôi rất khó có thể ngộ ra được điều này.

Hai ngày trước chồng tôi có nói: Nếu sớm biết em là một học sinh ngoan như vậy thì anh đã tìm thầy giáo và tài liệu cho em rồi”. Sau khi tôi xem xong quyển “Nữ Giới” của Ban Chiêu, lúc mới bắt đầu thì ý niệm đầu tiên của tôi chính là “không thể làm được”, nó quá xa vời so với xã hội hiện nay. Bởi vì năm nay tôi ba mươi tám tuổi rồi, trước khi được huân tập văn hóa truyền thống tôi là một nữ doanh nhân khá hiện đại, nên đối với giá trị quan của Phương Tây tôi cũng khá tán thành một số thứ. Nhưng năm ngoái, khi tôi bắt đầu tiếp xúc với văn hóa truyền thống, đặc biệt là năm nay, sau khi bắt đầu học tập nữ đức, bản thân tôi phát hiện ra rất nhiều thứ, đặc biệt là những lời giáo huấn của lão tổ tông chúng ta đích thực có thể giúp chúng ta đạt được một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn.

Hôm nay, tôi xin chia sẻ với mọi người chương thứ ba của “Nữ Giới” là “Kính Thuận”.

[1] Bắt đầu tập 2

[2] Bắt đầu tập 3


CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP NỮ ĐỨC – cô giáo Trần Tịnh Du


Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!