VƯƠNG THỊ
Thời nhà Tống, vợ của Trần An Tiết là Vương Thị vô cùng hiếu thuận. Bà vừa phụng dưỡng cha mẹ chồng, lại còn có thể nuôi dạy cô nhi và cứu giúp những người thân trong gia tộc. Người trong thôn ai cũng kính trọng bà. Khi Vương Thị mới được gả vào nhà họ Trần thì em gái của chồng còn rất nhỏ. Bà đã nuôi dạy em gái chồng như mẹ ruột. Đến khi cô em đến tuổi kết hôn, bà lại chuẩn bị nữ trang hết lòng chu đáo. Sau khi cha mẹ chồng qua đời, em gái chồng quay về nhà đòi chia di sản của cha mẹ. Vương Thị đã đem hết của cải trong nhà đưa cho em gái chồng. Nào ngờ số tài sản đó đã bị người chồng của em gái nướng sạch. Sau khi Vương Thị biết được việc này đã bán ruộng để mua nhà cho vợ chồng em gái có chỗ nương thân, đồng thời còn nuôi dạy con trai của họ. Đến khi con trai của họ chết đi, nàng còn nuôi dưỡng con trai của đứa con trai ấy. Bà con thân thích nghèo đến nỗi chẳng có cơm ăn, Vương Thị đem tiền đến chu cấp cho họ, giáo dục họ, còn giúp họ thành gia lập nghiệp. Những người nhận ân huệ của Vương Thị có đến ba bốn mươi người. Về sau, con cái của bà cũng vâng theo lời bà dạy dỗ, năm thế hệ cùng chung sống với nhau mà mỗi người đều hiếu thuận với cha mẹ, hữu ái với anh em. Năm Càn Đạo, triều đình đã biểu dương cả nhà Vương Thị.
Lời bàn: Vương Thị chỉ là một người đàn bà mà có thể trị lý gia tộc chỉnh tề, lại còn khiến gia tộc ngày một phát đạt. Bà không chỉ phụng dưỡng cha mẹ chồng mà còn dùng hậu đức (đức dày) đối đãi với em gái chồng, con của em gái chồng và cả đứa cháu của em gái chồng. Người thân thuộc khác nhận ân huệ của bà cũng chẳng ít. Chỉ có gia đình giàu có mới làm được những điều này, nhưng bà vẫn thân cận thương yêu giúp đỡ mọi người, ưa thích làm việc thiện không biết mỏi. Vậy thì có gia đình giàu có nào có thể sánh được với bà đây?
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỨC HẠNH PHỤ NỮ
PHẦN 2: ĐỄ – NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ KÍNH TRÊN NHƯỜNG DƯỚI, YÊU THƯƠNG ĐÙM BỌC