TẤN TRIỆU THÔI THÊ (VỢ CỦA TRIỆU THÔI NƯỚC TẤN)
Vợ Triệu Thôi nước Tấn là con gái của Tấn Văn Công, tên hiệu là Triệu Cơ. Khi xưa, lúc Tấn Văn Công còn là công tử, cùng với Triệu Thôi chạy trốn sang nước Địch. Người nước Địch tặng hai người con gái là Thúc Ngỗi và Quý Ngỗi cho công tử. Văn Công để cho Thúc Ngỗi làm vợ Triệu Thôi và sinh được Triệu Thuẫn. Sau này khi trở về nước Tấn, Tấn Văn Công lại đem con gái của mình gả cho Triệu Thôi, sinh được Triệu Nguyên, Triệu Đồng, Triệu Bình, Triệu Quát, Triệu Lâu, Triệu Anh. Triệu Cơ khuyên Triệu Thôi đón Triệu Thuẫn và mẹ về cùng sống chung. Triệu Thôi kiên quyết từ chối nói rằng không dám làm như vậy. Triệu Cơ nói: “Như vậy không được! Nếu như được sự ân sủng mới mà quên người cũ thì là bỏ nghĩa. Thích người mới mà xem thường người cũ là vô ơn. Trong lúc khó khăn cùng người ta chịu khổ cực, sau khi phú quý lại không nhớ đến là vô lễ. Hiện nay chàng bỏ hết ba thứ này thì sao có thể sai khiến được người khác! Cho dù là thiếp cũng không thể theo hầu. Kinh Thi không phải có nói: Thái phong thái phĩ, vô dĩ hạ thể, đức âm mạc vi, cập nhĩ đồng tử (Đi hái rau phong, rau phĩ, không nên câu nệ vì cái rễ (chẳng vì cái rễ dở mà bỏ đi cái cọng ngon). Tiếng tốt không bao giờ trái nghịch, để ở với chàng cho đến lúc cùng chết một lượt). Cùng người ta trải qua gian khổ, cho dù có chút lỗi lầm, còn cùng sống cùng chết không xa lìa, huống hồ là yên vui bên người mới mà lại quên đi người cũ! Kinh Thi lại có câu: Yến nhĩ tân hôn, bất ngã tiết dĩ (chàng vui duyên mới mặn mà, cho em chẳng sạch để xa nhau đành) đây là lời lẽ đau thương nói thay cho người cũ. Chàng đi đón họ, không nên có mới nới cũ”. Triệu Thôi bèn đồng ý, thế là đón Triệu Thuẫn và Thúc Ngỗi về. Triệu Cơ thấy trong mấy đứa con thì Triệu Thuẫn có tài năng nhất bèn cầu xin lập Triệu Thuẫn làm con đích tử, còn ba đứa con trai của bà ở dưới Triệu Thuẫn, còn nhường ngôi chính thê cho Thúc Ngỗi, đặt mình đứng dưới Thúc Ngỗi. Sau này khi Triệu Thuẫn trở thành chính khanh, đều ghi nhớ ân tình Triệu Cơ khiêm nhượng, cầu xin Tấn Thành Công cho hai con của Triệu Cơ làm Công tộc đại phu, còn nói: “Đại Vương là ái tử của Cơ thị, không có Cơ thị thì thần chăng qua là một người nước địch. Sao có được địa vị như ngày nay!”. Tấn Thành Công chuẩn y lời thỉnh cầu của Triệu Thuẫn, thế là Triệu Bình, Triệu Quát trở thành Công tộc đại phu.
Bậc quân tử nói Triệu Cơ khiêm cung lại biết khiêm nhượng. Kinh Thi có câu: Ôn ôn cung nhân, duy đức chi cơ (người ôn hòa cung kính, là nền tảng của đức hạnh), là để nói Triệu Cơ.
Có thơ khen rằng: Triệu Thôi Cơ thị, chế hạnh phân minh, thân tuy tôn quý, bất đố thiên phòng, cung sự Thúc Ngỗi, tử Thuấn vi tự, quân tử mỹ chi, quyết hành khổng bị.
(Tạm dịch: Vợ của Triệu Thôi, quy chế phân minh, thân tuy tôn quý, không ghen vợ lẽ, hầu hạ Thúc Ngỗi, lập Thuẫn nối dõi, quân tử khen ngợi, hành vi hoàn mỹ).
CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 2 – HIỀN MINH TRUYỆN
LIỆT NỮ TRUYỆN
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (5903 downloads )
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (5671 downloads )