SỞ THÀNH TRỊNH MẬU
Trịnh Mậu là nàng hầu đi theo con gái họ Trịnh khi xuất giá, là phu nhân của Sở Thành Vương. Lúc đầu, khi Sở Thành Vương lên trên đài cao ở hậu cung, người trong cung đểu nghiêng đầu nhìn, chỉ có Trịnh Mậu đi thẳng không quay đầu lại, bước đi chậm dãi không biến đổi. Sở Vương nói: “Người đi phía trước quay đầu lại đây”. Trịnh Mậu không quay đầu lại. Sở Vương lại nói: “Quay đầu lại ta sẽ cho nàng làm phu nhân”. Trịnh Mậu vẫn không quay đầu lại. Sở Vương nói: “Quay lại nhìn ta sẽ cho nàng ngàn vàng và phong tước cho cha và anh em trai của nàng”. Trịnh Mậu vẫn đi đường của mình mà không quay đầu lại. Sở Thành Vương đi xuống đài rồi hỏi nàng: “Phu nhân là vị trí tôn quý, phong tước là bổng cao lộc hậu, chỉ cần nàng quay đầu lại là có thể được những thứ này mà nàng lại không quay đầu lại, là tại vì sao?”. Trịnh Mậu đáp: “Thiếp nghe nói dáng vẻ của người phụ nữ là phải đoan chính lại hòa nhã. Hiện nay, Đại Vương ở trên đài cao quay đầu nhìn thiếp đã là hành vi không phù hợp với lễ nghĩa. Thiếp không quay đầu lại, Đại Vương lại bảo cho làm phu nhân, gia phong tước vị. Nếu như quay đầu lại thì thiếp tham lam phú quý, tham lợi mà quên nghĩa. Nếu đã quên nghĩa thì sao có thể hầu hạ Đại Vương?”. Sở Vương nói: “Hay!” thế là lập nàng làm phu nhân.
Sau một năm sống với nhau, Sở Vương muốn lập Công tử Thương Thần làm Thái tử. Sở Vương hỏi lệnh doãn là Tử Thượng. Tử Thượng nói: “Đại Vương còn trẻ, lại có nhiều con trai được sủng ái, một khi lập Thái tử rồi lại phế truất nhất định sẽ sinh đại loạn. Huống hồ Thương Thần mắt như ong, tiếng nói như sài lang, nhất định là người tàn nhẫn, không thể lập làm Thái tử”. Sau khi Sở Vương bãi triều, hỏi phu nhân Trịnh Mậu, phu nhân nói: “Lời của lệnh doãn thật chính xác, có thể nghe theo ý kiến của lệnh doãn”. Sở Vương không nghe, thế là lập Thương Thần làm Thái tử. Sau đó, Thương Thần lấy việc Tử Thượng cứu Thái làm lý do, dâng tấu nói lời gièm pha để giết hại Tử Thượng. Trịnh Mậu nói với bảo mẫu rằng: “Ta biết đạo của người phụ nữ chỉ là những việc hầu hạ, cung phụng thực phẩm mà thôi. Cho dù là như vậy, có những việc phát hiện được thì không thể cất giữ trong lòng, lúc đầu Tử Thượng nói không thể lập Thái tử, Thái tử oán hận Tử Thượng nên dùng lời gièm pha để giết Tử Thượng. Đại Vương không điều tra cẩn thận để cho người vô tội bị tội, đây là điên đảo trắng đen, trên dưới rối loạn. Đại Vương có nhiều con trai được sủng ái, họ đều muốn có được đất nước. Thái tử tham lam tàn nhẫn, rất sợ bị mất vị trí Thái tử. Đại Vương lại không hiểu được điểm này, không có cách gì để cho Đại Vương hiểu được. Con trưởng con thứ tranh chấp lẫn nhau, nhất định sẽ xảy ra họa hoạn”.
Sau đó, quả nhiên Sở Vương lại muốn lập công tử Chức. Trịnh Mậu nói với bảo mẫu rằng: “Ta nghe nói nếu như đã tín nhiệm thì không hoài nghi. Hiện nay, Đại Vương lại muốn thay Chức làm Thái tử. Ta sợ là sẽ xảy ra tai họa. Nhưng ta nói chuyện này với Đại Vương thì Đại Vương không trả lời ta. Xem ra Đại Vương cho rằng Thái tử không phải là con của ta, hoài nghi ta bịa đặt dựng chuyện, không có ý tốt. Một khi bị hoài nghi sẽ sinh ác ý, mọi người ai biết được là không phải như vậy. Sống mà không giữ vững chính nghĩa thì chi bằng dùng cái chết để chứng minh điều này. Đại Vương biết được ta dùng cái chết để chứng minh là không tình riêng, nhất định sẽ hiểu được là không thể phế truất Thái tử”. Nói rồi bèn tự vẫn. Bảo mẫu đem lời nói của Trịnh Mậu bẩm báo lại với Sở Vương. Lúc này Thái tử đã biết được Sở Vương muốn phế truất mình bèn dấy binh làm loạn, bao vây cung điện. Sở Vương xin đợi ăn nốt món chân gấu rồi chết, nhưng Thương Thần không cho. Sở Vương bị buộc phải tự vẫn.
Bậc quân tử nói không phải là người vô cùng nhân đức, ai lại có thể lấy cái chết để khuyên can.
Kinh Thi có câu: “Xá mệnh bất du” (Ở theo số mệnh chẳng thay đổi lòng) là có ý này.
Có thơ khen rằng: Trịnh Mậu tiên thức, chấp tiết hữu thường, hưng ư bất cố, tuất phối Thành Vương, tri Thương Thần loạn, ngôn chi thậm cường, tự hiềm phi tử, dĩ sát thân minh.
(Tạm dịch: Trịnh Mậu biết trước, thường giữ lễ nghĩa, do không quay đầu, trở thành phu nhân của Thành Vương, biết Thương Thần làm loạn, tận lực can gián, biết Thành Vương hiềm nghi không phải con mình, nên tự vẫn để chứng minh không có tình riêng).
CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 5 – TIẾT NGHĨA TRUYỆN
LIỆT NỮ TRUYỆN
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (8148 downloads )
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (7988 downloads )