TRỊNH LƯ LIỀU MÌNH
Thời nhà Đường, người vợ của Trịnh Nghĩa Tông là Lư thị, đối với kinh sử đều có xem qua, hầu hạ cha mẹ chồng có tiếng là người hiếu thảo. Vào một buổi tối, có mấy chục tên cướp đến nhà nàng cướp bóc. Người trong nhà đều chạy trốn hết, chỉ có mẹ chồng tuổi đã già nên không thể chạy trốn. Nàng liều mình trước lưỡi dao sắc, đứng bên cạnh mẹ chồng, bị bọn cướp đánh gần chết. Sau này khi bọn cướp bỏ đi, người trong nhà bèn hỏi nàng rằng: “Tại sao lại không sợ?”. Lư thị đáp: “Con người sở dĩ khác với muông thú ở chỗ có tấm lòng nhân nghĩa. Nếu như nhà hàng xóm gặp nguy còn phải qua giúp đỡ, huống hồ nay lại là mẹ chồng của mình, đâu có thể vứt bỏ được. Giả sử ngộ nhỡ không may xảy ra nguy hiểm thì đâu có thể một mình sống trên đời được?”. Mẹ chồng nàng rất cảm kích nàng, than thở mà nói: “Thánh nhân ngày xưa có nói, trời lạnh mới biết lá của cây tùng, cây bách rơi xuống sau cùng. Ta nay trải qua nguy nan mới hiểu được lòng hiếu thảo của con dâu”.
Quách Nhiếp Hi bàn rằng: Bảy thiên của Mạnh Tử đại đa số nói về nhân và nghĩa. Tức là sự phân biệt giữa người và cầm thú. Cũng nhiều lần đề cập đến việc học tập học vấn chân thực của Thánh hiền, trên thực tế là ở chỗ này. Lư thị là một người phụ nữ, chẳng qua chỉ mới xem qua sách sử mà có thể thấm nhuần ý chính của Kinh điển Thánh hiền, có thể nỗ lực thực hiện đạo lý mà mình biết, thực là điều đáng quý. Mẹ chồng của nàng cũng trích dẫn câu nói: “Trời lạnh mới biết tùng bách”, có thể thấy cũng là người hay đọc sách “Luận Ngữ”.
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỨC HẠNH PHỤ NỮ
PHẦN 6: NGHĨA – NHỮNG CÂU CHUYỆN NHÂN NGHĨA CỦA NGƯỜI NỮ