SỞ BÌNH BÁ DOANH
Bá Doanh là con gái của Tần Mục Công, là vợ của Sở Bình Vương, mẹ của Sở Chiêu Vương. Vào thời Chiêu Vương, nước Sở và nước Ngô đánh nhau ở đất Cử. Nước Ngô chiến thắng nước Sở, tiến vào Dĩnh Đô của nước Sở, Chiêu Vương phải lưu vong. Ngô Vương Hạp Lư muốn toàn bộ Phi tần ở hậu cung nước Sở thành Phi tần của mình. Khi đến lượt Bá Doanh thì Bá Doanh tay cầm dao sắc nói: “Thiếp nghe nói: Thiên tử là tấm gương sáng của thiên hạ, công hầu là biểu tượng của đất nước. Thiên tử mất đi tiết chế thì thiên hạ sẽ đại loạn, chư hầu mất đi tiết chế thì đất nước nguy cơ. Đạo vợ chồng vốn là sự khởi đầu của nhân luân, sự mở đầu của Vương giáo. Do đó, để xác định chế độ của Tiên Vương, để nam nữ thụ thụ bất thân, ngồi không cùng một chiếu, ăn không cùng mâm, cho dù là hình cụ cũng không giống nhau, khăn lược cũng không giống nhau, do đó mà soạn ra những quy định này. Nếu chư hầu ở bên ngoài dâm loạn thì sẽ để cho họ tuyệt tự, khanh đại phu dâm loạn thì sẽ bị lưu đày, thứ dân dâm loạn ở bên ngoài thì hình phạt là bị thiến.
Cho nên như vậy, bởi vì mất Nhân có thể lấy Nghĩa để bổ cứu, mất Nghĩa có thể lấy Lễ để bổ cứu. Cái lễ giữa nam nữ bị mất thì nhất định sẽ xảy ra cái họa vong loạn. Người tạo ra loạn lạc nếu là Công hầu thì sẽ bị tuyệt tự, sẽ bị Thiên tử diệt trừ. Hiện nay, Đại Vương có hành vi vứt bỏ biểu tượng của đất nước, phóng túng sẽ xảy ra loạn lạc, làm ra cái việc bị diệt trừ mà tuyệt tự, sao có thể ban bố sắc lệnh để khuyên răn nhân dân. Huống hồ thiếp nghe nói sống mà bị nhục không bằng chết mà vinh quang. Nếu như Đại Vương vứt bỏ cái trách nhiệm làm biểu tượng cho đất nước thì Đại Vương dựa vào cái gì để đối mặt với đất nước của mình. Nếu như thiếp có mầm mống dâm loạn thì không thể sống trên đời này. Cho nên, hành động này của Đại Vương sẽ xảy ra hai loại sỉ nhục. Thiếp nhất định sẽ lấy cái chết để thủ tiết, quyết sẽ không nghe theo sự sắp xếp của Đại Vương. Vả lại, người muốn dâm loạn với thiếp, chẳng qua chỉ vì muốn vui vẻ, nên chỉ cần Đại Vương gần đến thiếp là thiếp sẽ tự vẫn. Thiếp chết rồi thì Đại Vương được vui vẻ nỗi gì? Nếu như giết chết thiếp trước thì điều này cũng có ích gì đối với Đại Vương?”. Nghe đến đây, Ngô Vương cảm thấy hổ thẹn, thế là lùi ra. Bá Doanh và bảo mẫu đóng chặt cửa cung Vĩnh Hạng. Ba mươi ngày sau, cứu binh của nước Tần đến, Chiêu Vương lại trở về nước Sở.
Bậc quân tử nói Bá Doanh dũng cảm lại chung thủy.
Kinh Thi có câu: “Mạc mạc cát lũy, dị vu điều mai, khải đễ quân tử, cầu phúc bất hồi” (Dây sắn dây bìm dầy đặc, quấn thân cành cây khắc khắc nơi, Vua thì dễ dãi vui tươi, chẳng hề tà vạy phúc trời cầu mong) chính là ý đó vậy.
Có thơ khen rằng: Hạp Lư thắng Sở, nhập quyết cung thất, tận thê hậu cung, mạc bất chiến lật, Bá Doanh tự thủ, kiên cố chuyên nhất, quân tử mỹ chi, dĩ vi hữu tiết.
(Tạm dịch: Hạp Lư thắng Sở, tiến vào trong cung, chiếm hết hậu cung, ai cũng sợ hãi. Bá Doanh giữ tiết, kiên quyết thủy chung, người đời ca ngợi, khen có chí khí).
CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 4 – TRINH THUẬN TRUYỆN
LIỆT NỮ TRUYỆN
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (2985 downloads )
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (2650 downloads )