CHỊ EM TƯƠNG TRỢ
Vào thời Tam Quốc, ở nước Ngô có người tên Lạc Thống, tự là Công Tự là con trai của Lạc Tuấn. Chàng là con của người thiếp nhưng phụng dưỡng mẹ cả tức vợ chính của cha thập phần cung kính. Một năm mất mùa, người trong vùng lẫn ngoài vùng đều không có thứ gì để ăn, cuộc sống vô cùng khốn khổ. Lạc Thống đã đem lương thực của mình phân phát hết, còn bản thân chàng chịu đói. Chàng có một người chị phẩm hạnh rất tốt, rất lương thiện, góa chồng nhưng không con, nhìn thấy em trai ngày một hao gầy vô cùng thương xót, nhiều lần hỏi han duyên cớ. Lạc Thống nói: “Hiện nay, trăm họ không có cơm ăn. Em làm sao có thể ăn no bụng cho được?”. Chị của chàng liền nói: “Nếu đã như vậy sao em không nói cho chị biết mà tự mình chịu khổ đến mức này”. Nói rồi, nàng đem lương thực trong nhà của mình đưa cho Lạc Thống. Trong vòng một ngày, Lạc Thống đều mang đi phân phát tặng hết. Sau này người chị đem việc này kể lại cho mẹ nghe, người mẹ cảm thấy đây là việc làm tích đức hành thiện bèn dặn dò các con tiếp tục thí tặng lương thực cho người nghèo khổ.
Lời bàn: Chị của Lạc Thống đem lương thực giao cho em trai vì nhìn thấy em giảm ăn mà thân thể hao gầy, trong lòng không chịu nổi. Đây chính là tâm thương yêu em trai của chị gái. Mẹ của Lạc Thống khuyên các con của mình tiếp tục bố thí là do bị tấm lòng từ bi và đại nghĩa cứu giúp người của chị em Lạc Thống làm cảm động. Đó là điều nhân ái cũng là đạo nghĩa. Mặc dầu chị em đã là người của hai gia đình khác nhau nhưng vẫn cùng chung nguồn gốc. Ai bảo người nữ sau khi kết hôn rồi không còn quan tâm đến em trai nữa chứ!
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỨC HẠNH PHỤ NỮ
PHẦN 2: ĐỄ – NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ KÍNH TRÊN NHƯỜNG DƯỚI, YÊU THƯƠNG ĐÙM BỌC