KHƯƠNG HẬU THÁO TRÂM
Hoàng Hậu Khương thị của Tuyên Vương nhà Chu, là con gái của Tề hầu. Bà tính tình hiền đức. Những lời không hợp với lễ nghĩa thì không nói, những việc không hợp với lễ nghĩa thì không làm. Có một lần, Chu Tuyên Vương ngủ dậy muộn, Khương Hậu bèn tháo trâm cài trên đầu và khuyên tai xuống, đứng ở cung Vĩnh Hạng đợi Chu Tuyên Vương định tội. Bà sai Phó mẫu đến nói với Chu Tuyên Vương rằng: “Bởi thần thiếp không tốt để Hoàng Thượng mất hết lễ tiết mà thượng triều muộn, mạo muội xin Hoàng Thượng trị tội”. Chu Tuyên Vương nói: “Điều này là do Trẫm thất đức, chứ không phải lỗi của Hoàng Hậu”. Từ đó về sau, Chu Tuyên Vương chăm lo việc triều chính, thượng triều sớm, bãi triều muộn, trùng tu lại cơ nghiệp của Chu Văn Vương, Vũ Vương để lại, cuối cùng giành được thành tựu là Vua trung hưng.
Khương Hậu lo Chu Tuyên Vương do háo sắc, cứ thế tiếp tục thỏa sức hưởng thụ mà gây nên đại loạn. Do vậy, bà đã đem lỗi lầm ôm vào mình để uyển chuyển khuyên can, dùng lễ đối đãi với Vua. Lưu Hướng cho rằng bà giỏi việc dùng uy danh và lễ nghĩa mà lại có đức hạnh, hơn nữa còn trích dẫn câu thơ trong bài Gia Lạc-Đại Nhã-Kinh Thi: “Uy nghi ức ức, Đức âm trật trật”(Uy nghi thận trọng kín thầm, đều đều hằng có tiếng tăm tốt lành) và bài thơ Thấp Tang để khen ngợi bà. Khương hậu thật sự là người hiền đức, không ai có thể vượt qua bà.
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỨC HẠNH PHỤ NỮ
PHẦN 5: LỄ – NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ GIỮ LỄ CỦA PHỤ NỮ