CHÂU NHAI NHỊ NGHĨA
Nhị nghĩa là hai nhân vật chính trong câu chuyện này, một là người vợ kế của huyện lệnh Châu Nhai, một là cô con gái của người vợ trước tên là Sơ, 13 tuổi. Khi huyện lệnh Châu Nhai qua đời thì để lại người mẹ và con gái không cùng huyết thống, cùng cậu con trai 9 tuổi của người vợ kế. Ba mẹ con đưa linh cữu của ông về quê.
Châu Nhai là nơi sản xuất ra những viên ngọc trân châu. Bà mẹ thường ngày hay đeo một chuỗi vòng có 10 viên ngọc lớn như một thứ đồ trang sức. Nhưng theo luật pháp thời đó, không được mang trân châu lớn qua cổng thành, những người vi phạm sẽ bị định tội chết. Vì muốn đưa linh cữu về quê, vợ kế của lệnh Châu Nhai bèn vứt bỏ món đồ trang sức đeo tay này, nhằm tránh sinh chuyện đa đoan.
Phải rất vất vả ba mẹ con mới tiến được đến cổng thành, nhưng đúng vào lúc này, quan trông coi cổng thành lại tìm được một viên trân châu lớn từ trong hộp đồ nữ trang của người mẹ.
Mọi người kinh ngạc thất sắc, bởi tội mang ngọc vào thành là tội chết. Quan trông thành hỏi việc này ai làm, và chuẩn bị truy cứu trách nhiệm. Sơ, con gái người vợ trước đột nhiên tranh lên phía trước mà trả lời rằng: “Chuyện này là tôi nên chịu trách nhiệm”. Vị quan hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra?”. Sơ đáp rằng: “Tôi nhìn thấy phu nhân vứt vòng ngọc đi, trong tâm thấy nuối tiếc, bèn để chuỗi ngọc vào hộp nữ trang của phu nhân, mà phu nhân không hề hay biết”. Kỳ thực Sơ lo lắng nếu mẹ kế thực sự làm chuyện này thì e rằng bà sẽ gặp nguy hiểm tới tính mạng, nên dứt khoát đứng ra nhận tội thay.
Mẹ kế thấy tình hình như vậy cũng vội vàng tiến về phía trước hỏi han con. Sơ trả lời mẹ kế rằng: “Phu nhân đã vứt vòng ngọc đi, con lại để lại vào trong hộp nữ trang là con nên bị trách phạt”. Mẹ kế không nghi ngờ có chuyện như vậy, nhưng lại cảm thấy con gái đáng thương, bèn nói với quan coi thành rằng: “Xin ngài thư thư hãy định tội. Viên ngọc lớn này là tôi buộc trên cánh tay. Khi chồng tôi chẳng may qua đời, tôi bèn để viên ngọc lớn này vào trong hộp nữ trang. Sau này bận rộn với việc tang sự, nên quên không lấy viên ngọc ấy ra, là tôi nên chịu phạt mới phải”.
Nhìn thấy mẹ kế nói như vậy, Sơ lại nói với quan rằng: “Viên ngọc ấy quả thực là do tôi lấy”. Mẹ kế nhìn tình cảnh này thì nước mắt giàn giụa, nói: “Đó là do con gái đang muốn bao che cho tôi, kỳ thực là do tôi để vào”. Nhưng Sơ vẫn không nhường nhịn, lại nói: “Phu nhân thương Sơ là cô nhi, nên mới miễn cưỡng để Sơ tiếp tục sống. Kỳ thực phu nhân quả thực hoàn toàn không hay biết sự tình”. Nói tới đây, hai mẹ con không thể kìm nén mà ôm đầu bật khóc thảm thiết. Mọi người chứng kiến việc này cũng cảm thấy sống mũi cay cay.
Theo lý mà nói, mang ngọc vào thành ắt phải có một người gánh tội. Quan coi thành chấp bút chuẩn bị viết tội trạng, nhưng nhìn thấy hai mẹ con không cùng huyết thống lại đại nghĩa nhẫn nhịn như vậy thì vô cùng cảm động. Mặc dù quan sớm đã nhấc bút, nhưng mãi vẫn không thể đặt bút viết. Quan Hầu phụ trách phán quyết việc này cũng rơi nước mắt, trầm ngâm rất lâu vẫn không thể phán quyết.
Sau này quan Hầu nói rằng: “Hai mẹ con đại nghĩa như vậy. Sao ta có thể nhẫn tâm định tội được đây! Hai mẹ con đều không nỡ để người kia phải chịu khổ mà nhường nhịn nhau. Ta sao có thể biết được ai đúng ai sai?”. Nói rồi quan Hầu ném thẳng viên ngọc xuống đất, khiến nó vỡ tan và để hai mẹ con rời đi. Mãi sau khi họ đã rời đi mọi người mới phát hiện ra, người để viên ngọc vào trong hộp nữ trang, không phải người mẹ, cũng không phải con gái, mà là cậu con trai nhỏ của người mẹ kế.
Bậc quân tử nói nhị nghĩa mẹ thì nhân hậu, con gái thì hiếu thuận.
Luận Ngữ có nói: “Phụ vi tử ẩn, tử vi phụ ẩn, trực tại kỳ trung hĩ” (Cha giấu tội cho con, con giấu tội cho cha, sự ngay thẳng ở trong đó). Đây là mẹ kế với con gái người vợ trước tranh nhau để được chết thay. Hành động của họ đã cảm động người ngoài. Thật sự có thể nói là chính trực.
Có thơ khen rằng: Châu Nhai phu nhân, thậm hữu mẫu ân, giả kế tương nhượng, duy nữ diệc hiền, nạp châu ư quan, các tự phục khiên, nhị nghĩa như thử, vi thế sở truyền.
(Tạm dịch: Châu Nhai phu nhân, có ân nghĩa của người mẹ. Mẹ kế con kế cùng tranh nhận tội. Con gái cũng là người lương thiện, vô ý đem trân châu qua cổng thành, ai cũng bằng lòng gánh trách nhiệm. Hai người nhân nghĩa như vậy được đời sau lưu truyền).
CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 5 – TIẾT NGHĨA TRUYỆN
LIỆT NỮ TRUYỆN
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (1933 downloads )
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (1594 downloads )