TỀ NGHĨA KẾ MẪU
Tề nghĩa kế mẫu là mẹ của hai người con nước Tề. Thời Vua Tuyên Vương, có người chết ở ngoài đường, qua điều tra phát hiện có vết tích bị đâm chết. Lúc đó có hai anh em đứng ở bên cạnh người chết. Viên quan điều tra hỏi họ, người anh nói: “Là tôi giết”. Người em nói: “Không phải do anh trai, là do tôi giết”. Đã qua một năm mà viên quan điều tra không xử được bèn đem việc này bẩm báo lại với Tể Tướng. Tể Tướng cũng không quyết định được nên báo lại với Vua. Vua nói: “Bây giờ nếu như thả cả hai người họ là tha cho kẻ có tội, giết hết cả hai người là giết người vô tội. Quả nhân nghĩ mẹ của họ có thể biết được con trai mình tốt hay xấu, chi bằng thử hỏi mẹ của họ xem sao, nghe theo ý kiến của người mẹ xem ai chết ai sống”. Tể tướng cho gọi người mẹ đến và hỏi bà rằng: “Con của bà giết người. Hai anh em đều cùng cầu xin chết thay cho nhau. Người xử án không thể xử được nên đem việc này trình lên Đại Vương. Đại Vương nhân đức cho nên mới hỏi bà quyết định xem ai chết, ai được sống. Người mẹ khóc lóc mà rằng: “Giết người con bé”. Tể tướng chấp thuận với ý kiến của bà, nhân tiện hỏi bà rằng: “Người con bé là người con được yêu thương nhất. Bây giờ bà muốn lại giết là vì cớ làm sao?”. Người mẹ nói: “Người con bé là con của tôi. Người con lớn là con của người vợ trước. Lúc cha của chúng bị bệnh và sắp chết có dặn dò tôi rằng: Nhất định phải chăm sóc cho nó thật tốt, tôi cũng đồng ý rồi. Bây giờ đã nhận lời ủy thác của chồng, đã hứa với chồng tôi rồi sao có thể quên được sự ủy thác mà không giữ lời hứa! Hơn nữa, giết anh trai mà để em trai sống, đây là lấy tình riêng mà bỏ nghĩa chung, phản bội lời hứa của mình quên đi chữ tín là lừa gạt người đã mất. Nếu như không ràng buộc lời nói của mình, đã hứa mà không chịu gánh vác thì dựa vào cái gì để sống ở trên đời này! Mất đi con trai tuy rất đau khổ, nhưng so với đức hạnh thì có là gì!”. Nói xong khóc như mưa, ướt hết vai áo.
Tể tướng vào trầu đem việc này bẩm báo lại với Vua. Vua khen ngợi nghĩa khí của bà, thấy bà có hành vi cao thượng, thế là tha cho cả hai người con, và rất tôn trọng mẹ của họ, ban cho danh hiệu Nghĩa Mẫu.
Bậc quân tử nói Nghĩa Mẫu giữ chứ tín lại nghĩa khí, trong sạch lại khiêm nhượng.
Kinh Thi có câu: “Khải đễ quân tử, tứ phương vi tắc” (Bậc quân tử vui tươi mà tính dễ dàng, để làm phép tắc cho bốn phương) là có ý này.
Có thơ khen rằng: Nghĩa kế tín thành, công chính tri lễ, thân giả hữu tội, tương nhượng bất dĩ, lại bất năng quyết, vương dĩ vấn mẫu, cứ tín hành nghĩa, tuất miễn nhị tử.
(Tạm dịch: Mẹ kế có nghĩa lại lòng thành, công chính biết lễ nghĩa, con ruột và con của người vợ trước có tội, cùng tranh nhận tội, không thể xét xử. Vua hỏi người mẹ, người mẹ giữ chữ tín làm điều nhân nghĩa, sau hai con đều được tha).
CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 5 – TIẾT NGHĨA TRUYỆN
LIỆT NỮ TRUYỆN
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (5957 downloads )
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (5730 downloads )