SỞ CHIÊU VIỆT CƠ
Sở Chiêu Việt Cơ là con gái của Việt Vương Câu Tiễn, là Phi tử của Sở Chiêu Vương. Có một lần, Sở Chiêu Vương du ngoạn, Thái Cơ bên trái, Việt Cơ bên phải. Sở Vương đích thân đánh xe tứ mã chạy băng băng, sau đó lên trên đài cúng tế thần thổ địa, nhìn ra xa về phía vườn Vân Mộng, ngắm nhìn các sĩ đại phu săn bắn. Lúc vô cùng cao hứng, Chiêu Vương quay đầu lại nói với hai Phi tử rằng: “Có vui không?”. Thái Cơ đáp: “Rất vui!”. Sở Vương nói: “Quả nhân nguyện cùng nàng khi sống thì như thế này, sau khi chết cũng có thể vui như thế này”. Thái Cơ nói: “Ngày xưa Vua của nước thiếp vốn là thông qua việc sai khiến lê dân mở rộng vườn săn để cho ngựa của Đại Vương mặc sức chạy, cho nên coi thiếp là lễ vật dâng tặng cho Đại Vương. Hiện nay, thiếp với các Phi tần kề vai sát cánh, vốn mong sống cùng nhau vui vẻ, chết cũng được cùng nhau”. Sở Vương quay đầu lại bảo sử quan ghi chép lại: “Thái Cơ bằng lòng chết theo ta”.
Sau đó lại hỏi Việt Cơ, Việt Cơ đáp rằng: “Ngày xưa, Vua Trang Vương nước thiếp trụy lạc ba năm, không nghĩ đến việc quản lý chính sự quốc gia, cuối cùng cũng có thể sửa chữa, thế là xưng bá thiên hạ. Thiếp cho rằng Đại Vương cũng có thể học Vua nước thiếp, sửa đổi việc vui chơi hưởng lạc thành chăm chỉ trong việc cai quản chính sự quốc gia. Hiện nay lại không như vậy, Đại Vương muốn thiếp cùng Đại Vương hưởng lạc mà đồng sinh đồng tử, như vậy sao có được! Đại Vương dùng vải vóc, xe ngựa làm lễ vật để lấy thiếp làm vợ. Vua nước thiếp ở Thái miếu nhận lễ vật của Đại Vương, lúc đó không có hẹn ước cùng chết theo Đại Vương. Thiếp nghe các vị trưởng lão nói, người phụ nữ dùng cái chết để thể hiện lòng nhân từ của quốc Vương, để lấy được sự sủng ái của Đại Vương, nhưng chưa nghe nói là phải chết theo một cách tùy tiện, lấy cái chết hồ đồ mà cảm thấy vinh hạnh. Thiếp không dám đồng ý với cách nghĩ của Đại Vương”. Thế là Sở Vương tỉnh ngộ, nghe xong Việt cơ nói thì vô cùng tôn kính nàng, nhưng vẫn thân cận với Thái Cơ.
Hai mươi lăm năm sau, Sở Vương đi cứu nước Trần, hai người Phi tử cùng đi theo. Sở Vương trên đường hành quân thì bị bệnh. Lúc đó có mây đỏ vây quanh mặt trời, giống như chim bay qua bầu trời. Sở Vương hỏi Chu sử quan, sử quan nói: “Điều này có hại đến Đại Vương, nhưng có thể chuyển dịch sang cho các tướng lĩnh”. Các tướng lĩnh sau khi nghe xong đều thỉnh cầu là xin thần linh chuyển tai họa sang cho mình. Sở Vương nói: “Các tướng lĩnh đối với quả nhân mà nói thì giống tay với chân, hiện nay chuyển tai họa sang cho họ, chẳng nhẽ để cho quả nhân xa lìa thân thể của quả nhân hay sao?”. Sở Vương kiên quyết không đồng ý làm như vậy. Việt Cơ nói: “Đức độ của Đại Vương thật là vĩ đại! Do vậy, thiếp nguyện ý theo Đại Vương. Trước đây khi đi du ngoạn thiếp không hứa cùng chết theo Đại Vương. Đến khi Đại Vương có thể lấy lễ để đối đãi với người khác thì người trong nước đều sẽ chết theo Đại Vương, huống hồ là thiếp! Xin để thiếp được đi trước xuống địa phủ dẹp hết đám hồ ly rồi tiếp đón Đại Vương”. Sở Vương nói: “Lúc trước khi du ngoạn chẳng qua quả nhân nói đùa mà thôi, nàng nhất định muốn chết theo thì đây là biểu hiện quả nhân không có đạo đức”. Việt Cơ nói: “Ngày xưa miệng thiếp không nói ra, nhưng lòng thì đã hứa rồi. Thiếp nghe nói, người giữ chữ tín sẽ không thay lòng đổi dạ, người có nghĩa khí sẽ không bày đặt sự việc. Thiếp nguyện chết vì Đại Vương giữ nghĩa khí, không nguyện chết vì Đại Vương ham chơi trụy lạc”. Thế là bèn tự sát. Sở Vương bệnh càng ngày càng nặng, muốn đem ngôi Vua truyền cho ba người em, ba người em đều không đồng ý. Cuối cùng Sở Vương chết trong quân. Thái Cơ lại không thể chết cùng. Ba người em trai của Sở Chiêu Vương là Tử Lư, Tử Tây, Tử Kỳ thương lượng với nhau nói: “Mẹ có thể giữ chữ tín thì con trai nhất định sẽ là người có lòng nhân nghĩa”, thế là bèn ra lệnh cho quân đội dừng lại, phong tỏa tin tức rồi đón con trai của Việt Cơ là Hùng Chương đến lập thành Sở Huệ Vương, sau đó mới thu binh trở về an táng Chiêu Vương.
Bậc quân tử nói Việt Cơ có thể giữ chữ tín, vì nghĩa mà chết.
Kinh Thi có câu: “Đức âm mạc vi, Cập nhĩ đồng tử” (Tiếng thơm chẳng dám trái nào, với chàng cùng chết theo nhau một lòng). Việt Cơ là người như vậy.
Có thơ khen rằng: Sở Chiêu du lạc, yếu Cơ tùng tử, Thái Cơ hứa Vương, Việt Cơ chấp lễ, chung độc tử tiết, quần thần gia mỹ, duy tư lưỡng Cơ, kỳ đức bất tỷ.
(Tạm dịch: Chiêu Vương du ngoạn, yêu cầu hai nàng Phi tử chết cùng mình. Thái Cơ đồng ý với Chiêu Vương, Việt Cơ theo lễ nghĩa, cuối cùng vì nghĩa mà chết. Quần thần khen ngợi, chỉ là hai người phụ nữ, nhưng đạo đức không thể so sánh).
CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 5 – TIẾT NGHĨA TRUYỆN
LIỆT NỮ TRUYỆN
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (2985 downloads )
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (2650 downloads )