HOÀNG THỊ BỎ TRÂM
Thời nhà Minh, Hoàng thị vợ của Trương Đĩnh Nhiên là người huyện Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc. Vào cuối thời Sùng Trinh, nguyên soái của đám giặc cỏ là Bạch Vượng công đánh huyện thành Đức An, tỉnh Giang Tây, rồi bổ nhiệm Trương Đĩnh Nhiên là quan Chưởng lữ của đám giặc cỏ. Hoàng thị khóc lóc khuyên chồng đừng đến chỗ đám giặc cỏ để làm quan, nhưng người chồng không nghe. Đám giặc cỏ bảo Trương Đĩnh Nhiên đưa Hoàng thị đến chỗ đám giặc cỏ để làm con tin. Sau khi Hoàng thị biết được việc này bèn dẫn con trai mới lên mười tuổi trốn vào trong trại Thanh Sơn. Trương Đĩnh Nhiên dùng mọi cách để gọi nàng nhưng nàng không chịu ra. Trương Đĩnh Nhiên nhờ người đem cho con trai một cây trâm vàng, con trai dùng chiếc trâm này để cài đầu. Hoàng thị thấy vậy bèn lấy chiếc trâm trên đầu con trai đem vứt đi rồi nói: “Tại sao lấy đồ của quân giặc cướp cài lên đầu làm ô uế đầu của con”. Không bao lâu sau, đám giặc cỏ thất bại, Trương Đĩnh Nhiên trốn chạy đến Tương Dương rồi chết ở đó. Hoàng thị tự mình cày ruộng, dệt vải nuôi dưỡng con trai thành người, sau được hưởng phúc báo sống lâu.
- Khóc lóc ngăn cản chồng ra làm quan chưởng lữ của đám giặc cỏ, đây là trung;
- Dẫn con trai mới mười tuổi vào trốn trong trại Thanh Sơn là nghĩa;
- Vứt bỏ trâm vàng của giặc cướp, không để nó ô nhiễm đầu của con trai là có lòng liêm sỉ.
Kiến thức của phụ nữ trong trời đất, có lúc so với nam giới còn cao hơn. Giống như Hoàng thị là người như vậy, không phải là người tài đức sáng suốt sao có thể làm được?