PHÙNG THỊ
Thời nhà Minh, vợ của Ngô Tử Quế là Phùng Thị. Gia đình rất nghèo, nàng hết sức cần kiệm để phụng dưỡng cha mẹ chồng. Mẹ kế của chồng là Trương Thị thường xuyên mắng nhiếc nàng, nhưng Phùng Thị lúc nào cũng giữ hòa khí mà tiếp nhận lời chửi mắng, không hề có chút oán giận. Những phụ nữ láng giềng muốn đến nhà khuyên giải mẹ chồng nàng, Phùng Thị đều ngăn họ lại mà nói rằng: “Mẹ chồng sở dĩ mắng em là do em không thể chiều theo ý của bà. Nếu các chị đến khuyên bà thì chẳng khác nào nêu lỗi của mẹ chồng, vậy đã phạm đại tội bất hiếu rồi”. Ngô Tử Quế có hai người em trai đều đã lập gia đình. Mẹ chồng cũng ngược đãi hai người con dâu đó. Cả hai nàng dâu luôn có ý nghĩ muốn treo cổ tự tử. Phùng Thị phải khéo léo uyển chuyển khuyên giải mới khiến họ từ bỏ ý định quyên sinh. Nhờ sự cảm hóa của Phùng Thị mà hai nàng ấy càng cẩn thận giữ đạo làm vợ hơn trước. Mẹ chồng cũng nhân đó mà dần hối hận hiểu ra vấn đề. Hai người em dâu cám ơn ân đức tái sanh của Phùng Thị, xem nàng như mẹ vậy.
Lời bàn: Tự trách bản thân, nhận phần lỗi về mình là việc mà bậc nam tử còn khó làm được, huống chi là nữ nhân. Phùng Thị lấy thân làm gương cảm hóa hai người em dâu, đồng thời còn cảm hóa mẹ kế của chồng mình. Không ngờ hạnh hiếu của Vua Thuấn ba ngàn năm sau đã có người như Phùng Thị làm được. Nếu như mở Kinh điển ra, nghe lời dạy của Thánh Hiền mà muốn được bằng như Thánh Hiền thì nào khó khăn gì chứ!