TRẦN QUẢ HIẾU PHỤ (Quả phụ Hiếu Phụ ở nước Trần)
Hiếu Phụ là quả phụ trẻ tuổi ở đất Trần. Nàng 16 tuổi lấy chồng, chưa có con. Chồng của nàng theo quy định phải đi lính, khi người chồng sắp xuất phát có dặn dò Hiếu Phụ rằng: “Ta đi không biết sống chết ra sao, nhưng ta còn có mẹ già, lại không có anh em. Giả sử ta thật sự không trở về, nàng có bằng lòng phụng dưỡng mẹ ta không?”. Hiếu Phụ đáp: “Thiếp nhất định sẽ phụng dưỡng mẹ”. Người chồng quả nhiên không trở về. Hiếu Phụ phụng dưỡng mẹ chồng không những không suy giảm mà yêu thương nhiều thêm. Nàng lấy dệt vải làm nghề mưu sinh, trước sau không có ý tái giá. Sau khi để tang ba năm. Do nàng còn trẻ lại chưa có con, lại sớm trở thành góa phụ nên cha mẹ nàng rất đau lòng và muốn nàng đi lấy người khác. Hiếu Phụ nói: “Con nghe nói giữ chữ tín là điều quan trọng nhất mà con người theo đuổi, giữ nhân nghĩa là hành vi tiết tháo của con người. Con may mắn rời xa cha mẹ, theo nghiêm lệnh của cha mẹ mà hầu hạ chồng. Chồng con trước khi đi, từng dặn dò con chăm sóc mẹ chồng, con đã đồng ý rồi. Nhận sự ủy thác của người khác, sao có thể dễ dàng vứt bỏ! Vứt bỏ ủy thác quan trọng của chồng là không giữ chữ tín, phản bội người đã mất là không nhân nghĩa, không thể như vậy được”. Mẹ nàng nói: “Mẹ thương cho con sớm đã trở thành quả phụ”. Hiếu Phụ nói: “Con nghe nói thà rằng chết vì nghĩa chứ không mong vứt bỏ nhân nghĩa mà được sống. Huống hồ đã đồng ý phụng dưỡng mẹ chồng mà không thể phụng dưỡng đến già, hứa với chồng mà không giữ chữ tín thì dựa vào cái gì để đứng giữa nhân gian! Hơn nữa làm con dâu của người ta, vốn phải phụng dưỡng cho mẹ chồng. Chồng con bất hạnh mất sớm, không thể tận lễ nghĩa của người con. Hiện nay lại bắt con rời xa, không phụng dưỡng mẹ chồng nữa là biểu hiện phẩm hạnh không tốt của chồng con và sự không hiếu thuận của con. Nếu như không hiếu thuận, không giữ chữ tín, không có nhân nghĩa thì dựa vào cái gì để sống giữa nhân gian!”. Vì lí do này mà nàng muốn tự sát, cha mẹ nàng sợ mà không dám khuyên nàng tái giá nữa. Thế là để nàng phụng dưỡng mẹ chồng 28 năm. Mẹ chồng sống đến 84 tuổi, sống hết tuổi trời mới mất. Nàng bán nhà cửa ruộng vườn, an táng cho mẹ chồng, cả đời thủ tiết thờ cúng.
Thái Thú Hoài Dương đem việc này báo lên trên, Hán Văn Đế nhận thấy rằng nàng là người nghĩa tiết cao thượng, giữ chữ tín rất đáng quý, hành vi đáng được ca ngợi bèn sai sứ giả ban cho 40 cân vàng, phục hồi lại cuộc sống trước đây của nàng, ban cho nàng danh hiệu Hiếu Phụ.
Bậc quân tử nói phương diện chuẩn mực đạo đức của Hiếu Khương vô cùng chu đáo.
Kinh Thi có câu: “Phỉ trực dã nhân, Bỉnh tâm đắc uyên” (Không chỉ thế thật đâu người ấy, đã thâm trầm giữ lấy đức tin) là có ý này.
Có thơ khen rằng: Hiếu Phụ xứ Trần, phu tử vô tử, tỷ tương giá chi, chung bất thính mẫu, chuyên tâm dưỡng cô, nhất tiếu bất cải, Thánh Vương gia chi, hiệu viết Hiếu Phụ.
(Tạm dịch: Hiếu Phụ xứ Trần, chồng chết không con, mẹ bắt tái giá, không nghe lời mẹ, một lòng nuôi mẹ chồng, quyết không tái giá, Thánh Vương ca ngợi, ban tên Hiếu Phụ).
CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 4 – TRINH THUẬN TRUYỆN
LIỆT NỮ TRUYỆN
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (1957 downloads )
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (1625 downloads )