LỖ TUYÊN MỤC KHƯƠNG
Mục Khương là con gái của Tề hầu, là phu nhân của Lỗ Tuyên Công, là mẹ của Lỗ Thành Công. Mục Khương thông minh nhưng có hành vi dâm loạn, cho nên tên thụy mới đặt là Mục. Lúc đầu, khi Thành Công còn nhỏ tuổi, Mục Khương tư thông với Thúc Tôn Tuyên Bá. Thúc Tôn Tuyên Bá tên là Kiều Như. Kiều Như cùng với Mục Khương âm mưu loại bỏ họ Quý Tôn, họ Mạnh Tôn mà chuyên quyền nước Lỗ. Khi nước Tấn và nước Sở đánh nhau ở Yên Lăng, Lỗ Tuyên Công xuất binh giúp nước Tấn. Lúc lên đường, Mục Khương dặn dò Lỗ Tuyên Công nhất định phải trục xuất họ Quý Tôn và họ Mạnh Tôn, bởi vì họ phản bội nhà Vua. Lỗ Tuyên Công lấy cớ là nước Tấn có nạn để từ chối, nói sau khi trở về sẽ bàn tiếp chuyện này. Mục Khương lại hối lộ các quan đại phu nước Tấn, để họ giữ Quý Tôn Hàng Phủ không cho trở về, hứa là giết chết Trọng Tôn Miệt thì sẽ đồng ý cho nước Lỗ thần phục nước Tấn. Nhưng người nước Lỗ không thuận theo Kiều Như nên liên kết lại để trục xuất Kiều Như. Kiều như trốn chạy sang nước Tề. Người nước Lỗ bắt giam Mục Khương ở Đông cung.
Trước khi bị giam ở Đông cung, Mục Khương có cho bói một quẻ thì bói được quẻ “Tùy”, quan Bốc sử nói: “Đây là quẻ Tùy, ý của quẻ Tùy là ra ngoài, phu nhân sẽ nhanh chóng được ra khỏi nơi đó”. Mục Khương nói: “Không phải như vậy! Đây là Tượng quẻ. Chu dịch nói: Tùy: nguyên, hanh, lợi, trinh, vô cữu. “Nguyên” là cảnh giới tối cao của điều thiện. “Hanh” là chủ khách gặp nhau trong lễ cưới. “Lợi” là tổng số của nhân nghĩa. “Trinh” là bản thể của sự vật. Nói tóm lại là làm việc gì cũng không được lừa dối thì gặp được quẻ “Tùy” mới không có hoạn nạn. Nay ta là phụ nữ mà lại tham dự vào việc phản loạn, vốn địa vị thấp mà lại không nhân đức, không thể nói là “Nguyên”. Làm cho đất nước không yên ổn, không thể nói là “Hanh”. Làm việc không ổn thỏa mà hại chính mình, không thể nói là “Lợi”. Không chú ý đến địa vị của mình mà cố hết sức chải chuốt đánh bóng, không thể nói là “Trinh”. Có bốn đức hạnh thì gặp quẻ “Tùy” mới không gặp tai họa, nhưng ta đều không có, cho dù được quẻ “Tùy” thì cũng làm gì! Tự bản thân ta đi vào con đường tà ác, có thể không gặp tai họa sao! Ta nhất định sẽ phải chết ở đây, không thể ra ngoài được nữa”. Cuối cùng Mục Khương qua đời ở Đông Cung.
Bậc quân tử nói: “Đáng tiếc cho Mục Khương, tuy có tư chất vô cùng thông minh nhưng không thể che giấu được tội dâm loạn của mình”.
Kinh Thi có câu: “Sĩ chi đam hề! Do khả thuế dã. Nữ chi đam hề! Bất khả thuế dã” (Trai mà quá đáng cũng còn giải thoát được. Gái mà quá đáng thì không còn lối thoát) là nói điều này.
Có thơ rằng: Mục Khương dâm dật, Tuyên Bá thị trở, mưu trục Quý Mạnh, dục sứ chuyên Lỗ, ký phế kiến thấn, tâm ý thôi hạ, hậu tuy thiện ngôn, chung bất năng bổ.
(Tạm dịch: Mục Khương dâm đãng, Tuyên Bá ngang ngược, mưu đuổi họ Quý Tôn, Mạnh Tôn, muốn chuyên quyền nước Lỗ, sau bị giam giữ, trong lòng bi thương, tuy sau có lời thiện, nhưng cuối cùng không bổ cứu được).
CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 7 – NGHIỆT BẾ TRUYỆN
LIỆT NỮ TRUYỆN
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (8198 downloads )
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (8038 downloads )