HẠ VƯƠNG TÀO KHANG
Thời nhà Minh, vợ của Hạ Thành Minh là Vương Thị là con gái của một người nông dân ở Vô Tích. Gia đình rất nghèo, gặp năm mất mùa nên người chồng phải thường xuyên ra ngoài làm ăn. Vương Thị ngày đêm gắng công may vá, dệt vải, dụng tâm làm những món ăn ngon dâng lên cha mẹ chồng, còn mình thì ăn cám gạo và rau dại lót dạ. Có một lần, mẹ chồng của nàng bước vào bếp nhìn thấy con dâu đang ăn cám gạo và rau dại mà bất giác rơi lệ. Về sau, Vương Thị hưởng thọ đến hơn tám mươi tuổi, lúc lìa đời cũng không sanh bệnh. Những người trong nhà trong giấc mộng nhìn thấy phảng phất có người cầm cờ và tấu nhạc đến rước người con dâu hiếu ấy ra đi. Trong vùng, có người đỗ Cống Sinh mỗi lần đi ngang qua cửa nhà Vương Thị đều nhất định đứng ở ngoài cửa vái ba vái biểu thị sự cung kính.
Lời bàn: Cần lao may vá kiếm tiền, dâng cơm nước cúng dường cha mẹ chồng còn bản thân chỉ ăn cám gạo và rau dại. Dùng một tấm thân để làm trọn bổn phận của cả hai người, nàng quả xứng đáng được trường thọ và thành Tiên. Còn người đỗ Cống Sinh kia mỗi lần đi qua nhà Vương Thị xá ba xá nhằm để người đời thấy rằng người mà tận hiếu sẽ được người tôn trọng. Vậy thì kẻ bất hiếu hãy nên hổ thẹn mà sửa đổi!