CHU THẤT TAM MẪU (BA NGƯỜI MẸ CỦA NHÀ CHU)
Ba người mẹ của nhà Chu là chỉ Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự.
Thái Khương là mẹ của Cơ Quý Lịch, là con gái bộ tộc Thai Thị. Chu Thái Vương lấy bà làm vợ, sinh được Thái Bá, Trọng Ung và Quý Lịch. Bà là người trung trinh, thẳng thắn, dốc lòng dạy bảo con cái, không một chút sai sót. Khi Thái Vương tính đưa bộ tộc chuyển đi nơi khác, bà đều tích cực tham gia. Cho nên Bậc quân tử nhận định rằng bà là người có thể kiên trì lấy đức để giáo hóa và có thể phát huy truyền thống.
Thái Nhậm là mẹ của Chu Văn Vương, là con gái của bộ tộc Chí Nhậm. Cơ Quý Lịch lấy bà làm vợ. Tính tình Thái Nhậm đoan trang, chuyên nhất, thành thật, làm việc theo đạo lý, đức hạnh. Sau khi bà mang thai, mắt không xem việc ác, tai không nghe việc tà dâm, miệng không nói lời ngạo mạn để tiến hành thai giáo đối với đứa con trong bụng. Khi bà đi tiểu ở chuồng lợn thì sinh Chu Văn Vương. Sau khi ra đời, Văn Vương rất thông minh lại anh minh. Khi bà dạy bảo Văn Vương, Văn Vương học một biết mười, sau này lập nên Vương triều nhà Chu. Cho nên Bậc quân tử thấy rằng Thái Nhậm giỏi việc thai giáo.
Người xưa cho rằng khi mang thai, phụ nữ ngủ không được nằm nghiêng, ngồi phải ngay thẳng, đứng không chắn lối, không ăn món kỳ lạ, thức ăn không chính thống không ăn, ghế không ngay ngắn không ngồi, mắt không xem tà sắc, tai không nghe tiếng dâm loạn, đêm nghe kẻ mù tụng đọc thơ ca, nói điều đứng đắn. Như vậy mới sinh được con có mặt mũi đoan trang, tài đức hơn người. Cho nên khi mang thai cảm nhận sự vật phải nhất định cẩn thận, cảm nhận điều thiện thì đứa con sẽ lương thiện, cảm nhận điều ác thì đứa con sẽ hung ác. Hình tượng và âm thanh của con người và vạn vật có rất nhiều chỗ giống nhau, đại đa số đều là kết quả của người mẹ cảm nhận, cho nên hình dung và âm thanh của đứa con sẽ giống với vạn vật. Thái Nhâm, mẹ của Văn Vương, có thể nói là hiểu được cái đạo lý lấy vạn vật để giáo hóa.
Thái Tự là mẹ của Chu Vũ Vương, là con gái của bộ tộc Hữu Sằn. Bà là người nhân hậu mà lại hiểu biết lý lẽ. Bà được Văn Vương khen ngợi, đích thân đến song Vị Thủy nghênh đón, đóng thuyền làm cầu. Sau khi xuất giá và học hỏi Thái Khương, Thái Nhậm, bà cần cù làm việc cả ngày, tận tụy với đạo làm vợ. Thái Tự hiệu là Văn Mẫu. Văn Vương quản lý bên ngoài còn Văn Mẫu quản lý bên trong. Thái Tự tổng cộng sinh được mười người con trai. Con trai trưởng là Bá Ấp Khảo. Chín người con còn lại là: Chu Vũ vương Cơ Phát, Chu Công Đán, Quản Thúc Tiên, Sài Thúc Độ, Thúc Chấn Đạc, Thành Thúc Vũ, Hoắc Thúc Xử, Khang Thúc Phong, Đam Thúc Tái. Thái Tự dạy bảo mười người con trai từ bé tới lớn chưa từng có việc gian tà. Đến khi các con lớn, Văn Vương tiếp nhận việc giáo dục các con, sau này đã tác thành đức hạnh của Vũ Vương và Chu Công. Cho nên quân tử nhận xét rằng Thái Tự rất nhân nghĩa, thông minh có đức hạnh.
Có thơ ca ngợi: Chu thất tam mẫu, Thái Khương Nhâm Tự, văn vũ chi hưng, cái do tư khởi, Thái Tự tối hiền, hiệu viết Văn Mẫu, tam cô chi đức, diệc thậm đại hĩ!
(Tạm dịch: Chu thất tam mẫu, Thái Khương Nhậm Tự, Văn Vũ hưng thịnh, do họ mà ra. Thái Tự hiền nhất, hiệu là Văn Mẫu. Đức của ba bà, vô cùng to lớn).
CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 1 – MẪU NGHI TRUYỆN
LIỆT NỮ TRUYỆN
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (2985 downloads )
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (2650 downloads )