Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP NỮ ĐỨC

CHƯƠNG NĂM: CHUYÊN TÂM

[1]Hôm nay, chúng ta tiếp tục chia sẻ và học tập chương thứ năm của “Nữ Giới” là “Chuyên Tâm”. Chương này vô cùng quan trọng, nhưng trong quá trình tập giảng tôi cũng có rất nhiều nghi vấn. Với sự không ngừng thể ngộ, tôi cũng hiểu ra một số vấn đề, xin chia sẻ cùng mọi người.

Trước tiên, tôi xin chia sẻ với mọi người một chút tại vì sao tôi phải học “Nữ Giới”, phải giảng nữ đức?

Thứ nhất, trong cuộc sống tôi bị một số phiền nhiễu. Còn một nguyên nhân rất quan trọng, đó là từ năm ngoái, trong quá trình học tập văn hóa truyền thống, tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, đa số các cuộc điện thoại tôi nhận được đều có liên quan đến những vấn đề xảy ra trong cuộc sống hôn nhân. Ví dụ, có một bạn gái đã gửi cho tôi rất nhiều tin nhắn nói là chồng cô ngoại tình, cô hy vọng tôi dùng “Đệ Tử Quy” để giúp cô giải quyết. Quả thực tôi không biết giải quyết như thế nào, tôi cũng rất ngỡ ngàng. Tôi nói: “Hay là cô cứ khuyên anh ấy, cố gắng khuyên nhủ anh ấy vậy”. Cô ấy nói cô khuyên không nổi nữa, việc này cũng đã xảy ra rất nhiều năm rồi. Sau đó, tôi còn nhận được điện thoại của những người nam kể về các vấn đề của vợ họ. Họ cũng đến tìm tôi. Kỳ thực, tôi rất lúng túng, bản thân tôi học cũng không tốt lắm, nên cũng không đưa ra được những kiến nghị gì hay. Nhưng những thầy cô giáo này gọi điện đến đã khiến tôi rất chấn động. Tôi không ngờ hiện nay vấn đề hôn nhân là một vấn đề rất lớn của xã hội. Không chỉ tỷ lệ ly hôn rất cao, mà những gia đình không ly hôn cũng có những vấn đề thế này, thế kia.

Một điểm rất quan trọng trong văn hóa truyền thống, bao gồm học thuyết nhà Nho và “Nữ Giới”, đó là hướng nội mà cầu, không phải hướng ra bên ngoài mà cầu. Đó chính là: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”(làm việc không thành, xét lại chính mình). Hướng ra ngoài mà cầu thì đều cầu không được. Làm sao để hướng vào bên trong mà cầu? Một phần rất quan trọng chính là phần “chuyên tâm”. Tâm của người phụ nữ phải chuyên. Chuyên có nghĩa là không tạp, nó là nhất, chúng ta nói là chuyên nhất. Làm thế nào để có thể không tạp, để có thể giữ gìn sự chuyên nhất? Bạn phải giữ giới, nói trắng ra chính là giữ quy củ. Bạn không giữ những quy củ này thì tâm bạn không có cách gì chuyên được.

Khi học câu đầu tiên là “lễ” của phần “chuyên tâm” trong “Nữ Giới” thì tôi rất mơ hồ. “Lễ” là lễ mạo.

“Phu hữu tái thú chi nghĩa, phụ vô nhị thích chi văn”. Nhìn bề ngoài, nghĩa là trên lý thì người chồng có thể tái hôn, nhưng phụ nữ thì không được tái giá. Bởi vì tôi là một phụ nữ hiện đại, tôi rất không hiểu, lúc đó tôi đã thỉnh giáo vấn đề này với một vị đại đức. Tôi nói: “Vấn đề này con không hiểu tại sao phải như vậy? Trong xã hội hiện đại này, làm sao có thể giảng cho thông suốt được?”. Vị đại đức này đã nói với tôi rằng: “Trước tiên phải đem cái “lễ” này làm cho rõ ràng”.

Lễ trong “Khúc Lễ” là “vô bất kính”. Trong tâm bạn thường có tâm cung kính hay không? Nếu bạn thường có tâm cung kính, vấn đề thực sự không phải xảy ra ở phía bạn, mà do chồng bạn khăng khăng đòi ly hôn, thì chúng ta có thể tùy thuận anh ấy. Sau khi ly hôn rồi, nếu anh ấy lại tìm một người vợ khác thì bạn vẫn phải giữ tâm cung kính đối với anh ấy và người vợ mới của anh ấy. Bạn vốn có trách nhiệm phải dạy dỗ tốt thế hệ sau và con cái của mình. Căn cứ vào tiền đề này thì bạn hãy suy nghĩ xem, bạn có phù hợp để tìm một người chồng nữa hay không? Nếu bạn tìm một người chồng khác, lại gả vào gia đình này mà có thể giúp bạn dạy dỗ con cái tốt hơn thì đương nhiên có thể; nếu không được như vậy, vẫn nên lấy việc dạy dỗ con cái thành người làm trọng. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của phụ nữ. Phụ nữ phải hiểu rõ ràng sứ mạng của mình. Thầy ấy nói như vậy thì tôi có chút mơ hồ hiểu được, cảm thấy vấn đề này trong xã hội hiện nay không phải là những hiện tượng bề ngoài, mà là từ gốc, nghĩa là phụ nữ làm thế nào để giải quyết những hiện tượng hỗn loạn này từ gốc, từ tâm.

Trong chương “chuyên tâm” có nói đến: “Chồng là trời của vợ, không có cách gì để rời xa trời, cho nên vợ cũng không thể rời xa chồng”. Cái gì là trời? Tôi cảm thấy trời là một quy luật tự nhiên, là một loại thường đạo, nếu như trời đất bất thường thì chúng ta không cách gì sống được. Bạn nói xem, đại tự nhiên nếu không có quy luật tự nhiên, lúc thì mùa đông, lúc thì mùa xuân, lúc thì mùa thu, lúc thì mùa hạ, nếu lộn xộn như vậy thì bạn không cách gì sống được. Quy luật tự nhiên này chính là phải giữ được đạo vợ chồng. Đạo vợ chồng trong “ngũ luân” bạn phải tự mình thời thời khắc khắc thể hội được. Cái gì gọi là “nam nữ hữu biệt”, cái gì gọi là “phu nghĩa phụ thính”, bạn phải làm rõ ràng, làm sáng tỏ, thấu triệt đạo lý này. Phụ nữ nếu học tường tận phần “chuyên tâm” thì bạn sẽ không một dạ hai lòng, sẽ không đứng núi này trông núi nọ, sẽ không xảy ra vấn đề ly hôn. Nếu chúng ta xem đĩa giảng của cô Lưu Tố Vân, có phải cô giảng nhiều nhất là về vấn đề hôn nhân và gia đình hay không? Tôi thấy cô giảng rất nhiều, hơn nữa vấn đề ly hôn này cô đã giảng đúng một tiết học.

Trước khi tiếp tục chia sẻ, tôi cũng muốn nói qua với mọi người về vấn đề ly hôn. Bởi vì những bạn bè bên cạnh tôi, thậm chí là những bạn bè thân thích cũng có rất nhiều người ly hôn. Có một lần, tôi cùng chồng đi tham gia một bữa tiệc, có hai vị lãnh đạo đều dẫn vợ mình cùng đến. Ba gia đình chúng tôi cùng ăn cơm. Lúc ở trên xe, chồng tôi dặn dò tôi nhất định không được nói đến chuyện ly hôn, nhất định không được nói đến chuyện tái hôn. Tôi hỏi: “Vì sao vậy?”. Anh ấy nói : “Vì họ đều như vậy, nên em đừng có chọc vào tổ ong vò vẽ đó”. Bởi vì, vị lãnh đạo đó tuổi tác có thể cũng khá lớn nhưng lại lấy một người vợ nhìn còn rất trẻ, anh ấy sợ tôi không hiểu, hỏi tới hỏi lui sẽ xảy ra chuyện. Tôi nói: “Vâng, em biết rồi!”. Hôm đó, trên đường trở về tôi còn hỏi anh ấy rằng: “Tại sao họ đều tái hôn vậy?”. Chồng tôi nói: “Người ly hôn quá nhiều rồi, nên em ra ngoài đừng có tùy tiện nói đến vấn đề này, nếu người ta không thích nghe thì sẽ không tốt”.

Tối hôm qua, tôi đã tổng kết tại vì sao lại có nhiều vụ ly hôn như vậy. “Chuyên tâm” là một cương lĩnh. Tôi xin lấy ví dụ một số bạn bè bên cạnh tôi để phân tích điều này. Trong số bạn bè tôi, có một cô luôn nhìn những điểm không tốt của chồng. Cô ấy kết hôn khoảng mười mấy năm, là một người thân của tôi. Cô luôn trách mắng người chồng, chỉ trích đến cuối cùng cô không ngừng nhắc đi nhắc lại những điều không tốt của chồng mình. Kỳ thực, chúng tôi cảm thấy chồng cô ấy rất tốt, rất ưu tú, nhưng cô ấy luôn nói anh ấy rất khô cứng, không có tình cảm, không biết tặng vợ một số món quà nhỏ, những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống cũng không biết lo liệu. Kết quả, người phụ nữ này cuối cùng đã đi ngoại tình. Đương nhiên chúng ta đều biết, khi nam nữ mới tìm hiểu thì sẽ tỏ ra rất ân cần. Cho nên, khi cô ấy mới có người yêu thì người đàn ông này biểu hiện cũng rất tốt, cô ấy cảm thấy anh ta tốt hơn chồng của mình nên khăng khăng đòi ly hôn.

Khi cô ấy đòi ly hôn, tôi và chồng tôi đã đến nhà cô ấy khuyên bảo. Bởi vì lúc đó tôi còn khá ít tuổi, chỉ khoảng hai mươi sáu – hai mươi bảy tuổi, nên thấy vậy thì rất đau lòng. Sau khi rời khỏi nhà cô ấy, trên đường về nhà tôi cứ khóc mãi. Vì năm đó con của cô ấy còn rất nhỏ, chỉ khoảng hai – ba tuổi, cô và chồng cô thì luôn la mắng, cãi cọ nhau. Lúc chúng tôi đến khuyên can thì họ đang viết đơn thỏa thuận ly hôn, nghĩa là thương lượng về những việc liên quan đến tài sản và con cái. Đứa bé đó kỳ thực rất thông minh, nó luôn nói: “Con muốn mẹ, con cũng muốn ba”. Đứa bé đó cứ ở đó nói đi nói lại: “Ba mẹ đừng cãi nhau nữa!”. Con người tôi rất mềm yếu. Tôi khuyên không nổi nữa, tôi nói với chồng tôi là: “Anh khuyên họ đi, em không chịu nổi nữa, em phải ra ngoài một chút”. Về nhà cùng chồng mà tôi cứ khóc mãi. Đương nhiên sau đó họ cũng ly hôn. Sau khi ly hôn, hiện giờ bé gái đó cũng khá lớn rồi, tôi cảm thấy tâm hồn của nó bị tổn thương thực sự rất lớn. Trong tâm nó luôn thương nhớ ba mình, nhưng bởi vì mẹ nó đã tái hôn nên nó không cách gì có thời gian để thường đến thăm ba nó. Cho nên, khi nó đến nhà tôi, nhìn thấy con trai tôi thì nó vô cùng đau lòng. Nó nói: “Cô xem! Con cô thật may mắn khi đều có cả ba lẫn mẹ”. Mỗi lần tôi nghe câu nói này của nó thì tâm tôi rất buồn.

Kể ví dụ này để quý vị thấy rằng người bị tổn thương lớn nhất chính là con cái. Lúc đó ba mẹ có thể không cảm thấy gì; đương nhiên tôi cũng quen biết ba mẹ của họ, tôi cảm thấy ba mẹ của họ cũng bị tổn thương vô cùng lớn. Người mẹ trong một năm đó cảm thấy già đi rất nhiều, lưng cũng gù xuống, sau đó cũng rất già yếu, thân thể bị đả kích vô cùng lớn. Qua mấy năm sau đó, tôi đã hỏi cô ấy: “Sau khi ly hôn cô có cảm thấy hạnh phúc không?”. Kỳ thực cô ấy chỉ lắc đầu, không trả lời. Trên thực tế, hôn nhân không phải là một trò đùa, không thể tùy tiện nói ly hôn là ly hôn được. Nghĩa là một khi đã bước vào lễ đường kết hôn thì việc đầu tiên phải nghĩ đến chính là tâm trách nhiệm, chứ không phải chuyện nam nữ tình trường, chàng chàng thiếp thiếp, hay những chuyện khi đang yêu nhau. Hôn nhân thật sự không phải như vậy. Bởi vì hôn nhân còn liên quan đến con cháu đời sau, liên quan đến một gia tộc.

Trong số những người thân bạn bè của tôi cũng có một ví dụ như vậy. Chồng của cô ấy ra ngoài ngoại tình, cô ấy không tha thứ cho chồng mình. Mặc dù chồng cô ấy đã thừa nhận sai lầm, nhưng cô vẫn kiên quyết không tha thứ, đến cuối cùng thì hai người vẫn chia tay nhau. Cô ấy cũng có một đứa con gái. Đặc biệt là sau khi tôi học nữ đức, lúc tôi xem “Thích Ca Mâu Ni Phật Truyện”, tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc chính là phụ nữ nên làm vợ như thế nào? Phật dạy chúng ta, thứ nhất là vợ như mẹ. Ngài không nói trước tiên phải làm vợ, Ngài nói phụ nữ làm vợ phải có năm vai trò.

Thứ nhất là “mẫu phụ” (vợ như mẹ). Bạn phải yêu thương chồng mình giống như một người mẹ yêu thương con cái vậy. Trẻ nhỏ luôn bướng bỉnh, tinh nghịch. Khi chúng không giữ quy củ thì bạn tha thứ cho chúng là được rồi, vì không phải lúc nào chúng cũng phạm sai lầm. Có lúc đàn ông cũng giống như trẻ nhỏ vậy, họ hiếu kỳ mà! Nhưng nếu họ thật sự quay đầu, thì họ vẫn quý trọng gia đình của bạn.

Thứ hai, vợ giống “thần phụ” (vợ như thần tử). “Thần” trong quân thần, phải giống như một thần tử đối với quân vương vậy, phải cung kính, phải giữ lòng trung thành. Bạn xem, “quân thần hữu nghĩa, quân nghĩa thần trung” (vua tôi có nghĩa, vua có nghĩa, thần tử trung thành), thần tử phải trung thành.

Thứ ba là “muội phụ” (vợ như em gái). Em gái trong từ anh trai em gái, giống như em gái đối với anh trai vậy. Phải “trưởng ấu hữu tự”(lớn nhỏ có thứ tự), anh nhường em kính.

Thứ tư là “tỳ phụ” (vợ như nô tỳ). “Tỳ” trong từ nô tỳ, phải giống như nô tỳ hầu hạ chủ nhân vậy, thận trọng, dè dặt, sợ rằng bản thân có lúc làm không tốt.

Thứ năm mới là “thê phụ”.

Đoạn này tôi đã chia sẻ với chồng tôi. Thật sự lúc đó tôi đã lấy đoạn này trong “Thích Ca Mâu Ni Phật Truyện” ra chia sẻ với chồng tôi. Khi tôi đọc xong, chồng tôi đã nói những gì? Anh ấy cũng là nghiên cứu sinh của trường Đại học Cát Lâm, là người rất có học thức. Anh ấy không học Phật, nhưng anh ấy nói: “Đức Phật thật có trí huệ, Ngài đã tổng kết thật chính xác. Em hãy cố gắng thực hiện năm điều này, bắt đầu từ điều đầu tiên”. Tôi nói: “Đúng vậy!”. Cho nên tôi nói, có lúc đàn ông họ thật sự giống như trẻ nhỏ vậy. Bạn xem, khi anh ấy thích xe, thích lái xe thì cũng giống như một cậu bé thích chơi đồ chơi vậy, đối với cái xe đó thích không rời tay. Ví dụ khi anh ấy đam mê đánh tú lơ – khơ, vừa đánh là có thể quên cả về nhà; thích đánh cờ tướng là có thể quên cả ăn cơm. Có những sự việc như vậy. Phụ nữ chúng ta rất ít khi như vậy. Tâm lý của phụ nữ tương đối ít ham chơi, ít hiếu kỳ như nam giới.

Cho nên, lúc đó tôi cũng khuyên ngăn người bạn này. Tôi nói: “Cô nên tha thứ cho anh ấy. Đàn ông luôn phạm sai lầm”. Nhưng chị ấy rất cang cường, kiên quyết không tha thứ. Cuối cùng thì họ ly hôn. Đương nhiên sau đó cuộc sống hôn nhân của cô ấy không hạnh phúc, phải nói là rất không hạnh phúc, kết hôn rồi lại ly hôn, đến hiện giờ hôn nhân vẫn không ổn định. Cô ấy đã hơn năm mươi tuổi. Cho nên, không thể nói chúng ta rời bỏ cái này thì có thể tìm thấy một cái khác tốt hơn, mà do cái này bạn vẫn chưa làm tốt, bạn nói xem, bạn làm sao có thể bảo đảm cái tiếp theo có thể làm tốt được. Chúng ta thật sự phải nhất môn thâm nhập, nhưng phải trường thời huân tu, chí ít thì phải huân tập cho tường tận môn học này đã. Những ví dụ này diễn ra trước mắt tôi vô cùng sinh động.

Từ khi tôi còn trẻ, kết hôn đến hiện tại, tôi càng ngày càng hiểu rõ phụ nữ không thể ly hôn. Bản thân phải làm tốt, phải hiểu cho rõ ràng môn học này. Làm rõ rồi thì bạn sẽ không muốn ly hôn nữa. Đương nhiên con của cô ấy cũng rất đau khổ trong quá trình trưởng thành. Sau khi người chồng đầu tiên của cô ấy ly hôn xong thì anh rời khỏi nơi đó đến một nơi khác sinh sống. Anh ấy không muốn đi, nhưng người phụ nữ này kiên quyết bắt anh phải rời khỏi nơi đó. Còn đứa nhỏ này, vừa nghỉ hè nó một mình đeo ba lô đến thăm ba mình, sau đó lại trở về. Tôi cảm thấy nó cũng rất đáng thương.

Thứ ba, chính là tự cho rằng mình rất mạnh mẽ, rất có năng lực làm việc, rất biết kiếm tiền, còn người chồng thì cái gì cũng không biết. Cách nghĩ này của họ rất cố chấp, thời gian lâu dần thì người chồng thật sự cái gì cũng không biết.

Tôi có một người bạn nữ là giám đốc. Năm ngoái, cô ấy nói với tôi cô đã ly hôn rồi. Bởi vì trước đây tôi đã từng khuyên cô ấy, nhưng đức hạnh cũng không đủ nên đương nhiên khuyên không thành công. Sau đó tôi nói với cô ấy là: “Cuối cùng thì cô cũng thật sự ly hôn rồi, nguyên nhân là gì vậy?”. Chính là vì cô ấy quá mạnh mẽ, sự nghiệp của cô ấy rất thành công, rất phát triển, cô dứt khoát cho rằng cô nuôi chồng, nên cuối cùng chồng cô không đi làm nữa. Sau khi không đi làm thì anh ấy luôn ở phía sau theo dõi cô ấy. Vì sợ cô ấy ra ngoài sự nghiệp tốt như vậy thì sẽ có những hành vi không tốt đối với những người đàn ông khác, nên anh đi theo cô ấy khắp nơi. Chúng tôi từng có trải nghiệm này. Tức là khi tôi và cô ấy đang uống trà ở một quán trà, chồng cô ấy ở gần đó theo dõi hai chúng tôi. Tôi nói: “Tôi cũng không phải đàn ông mà!”. Cô ấy nói chồng cô ấy cũng phải nhìn xem, nhỡ cô lại gọi một người đàn ông nữa đến thì sao. Cho nên, tâm hoài nghi của chồng cô ấy rất nặng. Đến cuối cùng thật sự không chịu nổi, nên họ vẫn phải chia tay. Sau khi chia tay thì cô ấy đã dùng cơm với tôi, cô ấy cũng rất đau khổ và khóc. Tôi nói: “Do cô quá mạnh mẽ, lại tài giỏi như vậy”. Mặc dù lúc đó tôi chưa học “Nữ Giới”, nhưng tôi đã cho là như vậy. Tôi nói: “Những việc của đàn ông cô đều làm hết cả rồi, chồng của cô nhàn rỗi không có việc gì làm thì đương nhiên toàn bộ sự chú ý của anh ấy đều sẽ đặt lên cô”.

Tôi nói: “Phụ nữ kỳ thực có lúc là như vậy”. Nghĩa là khi phụ nữ quá nhàn rỗi, ví dụ như người chồng ở bên ngoài một lòng một dạ làm sự nghiệp, người vợ ở nhà thực sự nhàn rỗi không có việc gì làm, cũng không có tín ngưỡng gì, nên toàn bộ sức chú ý đều tập trung lên người chồng. Giận một điều là không thể một giờ gửi một tin nhắn, gọi một cuộc điện thoại; hai giờ đồng hồ thì hỏi một chút về tiến trình, sau đó không được thì chạy đến văn phòng xem. Việc này không thể gọi là “chuyên tâm” được, bạn đừng học nhầm. Chúng ta “chuyên tâm” mà toàn bộ tinh thần đều tập trung lên người chồng, không đi làm những việc khác là bạn có vấn đề rồi.

Có một bộ phim truyền hình dài tập tựa đề là “Ly Hôn Kiểu Trung Quốc”, bạn xem người diễn vai nữ Tưởng Văn Lệ trong bộ phim đó cũng “chuyên tâm” đối với chồng mình như vậy. Tập cuối cùng trong phim “Ly Hôn Kiểu Trung Quốc” rất quan trọng. Cuối cùng cô tự tổng kết ra, cô nói: “Đàn ông như cát trong tay vậy, bạn nắm càng chặt thì cát chảy ra càng nhiều; còn bạn nắm nhẹ nhàng, buông lỏng, thì cát sẽ không rơi mất nhiều như vậy”. Cho nên, mức độ này chúng ta phải nắm giữ cho có chừng mực.

Bên cạnh tôi còn có một số bạn bè không ly hôn, nhưng tôi thấy dấu hiệu của cô ấy cũng không tốt, tôi luôn khuyên bảo cô ấy. Động một chút là miệng cô ấy nói ly hôn, có chút không vừa ý là cô ấy lại nói: “Tôi với anh ly hôn đi”. Tôi không tiện nói ra cô ấy là ai, bởi vì sợ sẽ không tốt. Dù sao thì cứ gặp được tôi là cô ấy nói: “Sáng nay tôi lại nói muốn ly hôn với anh ấy”. Tôi nói: “Không được thường xuyên nói như vậy! Cứ nói như vậy sẽ rất dễ trở thành sự thật”. Ví dụ, giống như ngày nào bạn cũng đến chỗ ông chủ nói: “Công việc này tôi không muốn làm nữa”. Ông chủ sẽ nghĩ, bạn suốt ngày đòi nghỉ việc nên công việc quan trọng cũng không thể giao cho bạn được. Cho nên, bạn luôn nói đến việc ly hôn thì trong tâm người chồng sẽ luôn khó chịu.

Tôi chủ yếu đứng trên góc độ của phụ nữ để nói. Tôi nói với cô ấy: “Từ nay trở đi cô không được nói đến việc này nữa”. Cô ấy nói: “Nhìn thấy anh ta là tôi thật sự tức không chịu nổi”. Tôi nói: “Khi vô cùng tức giận thì cô hãy chuyển đổi ý niệm. Hoặc là cô không nghĩ gì cả, hoặc là cô chuyển sự chú ý của cô. Ví dụ cô đi dạo cửa hàng, hoặc làm việc gì đó, hoặc cô bình tâm nhớ lại những thứ mà anh ấy đối tốt với cô. Cô nghĩ khi cô tan ca về muộn anh ấy đã đến bên đường để đón cô. Cô nghĩ sau khi cô về nhà, cô giải tỏa những bất mãn trong công việc thì anh ấy đã yên lặng ngồi nghe cô nói những lời đó. Cô thật sự ly hôn rồi, một mình ngồi trong căn phòng trống thì ai sẽ nghe cô nói? Cô cũng lớn tuổi như vậy rồi, cũng không còn là một cô gái trẻ trung xinh đẹp nữa, hơn năm mươi tuổi rồi phải không? Bây giờ ai còn muốn thành tâm thành ý sống tiếp với cô trọn đời nữa? Dẫu sao thì anh ấy cũng đã đi cùng cô hơn hai mươi năm rồi”. Sau khi nghe tôi nói xong thì cô ấy cũng khá bình tĩnh, cô nói: “Đúng vậy! Về nhà không được nói với anh ấy như thế nữa”. Do vậy, bản thân phải bình tĩnh, không nên nói những lời khó nghe này.

Tôi còn gặp nhiều bạn nữ đã ngoại tình. Có một điểm rất quan trọng, tức là một số câu chuyện mà tôi gặp phải, tôi nghe được dường như đều là tình cảm tương đối lạnh nhạt, sau đó họ đi tìm một số cách để giải tỏa. Vì sao vậy?

Hai ngày trước, khi tôi đến Hồng Kông tham gia luận đàn Hàm Đan, đến buổi tối, trưởng ban tuyên truyền đã mời tôi chia sẻ một tiết mục khoảng nửa tiếng ở Đài phát thanh Thành phố Hàm Đan. Tiết mục này gọi là “Tâm Linh Hữu Ước”. Người chủ trì mở hòm thư của anh ấy ra, bên trong có hơn 10.000 bức thư. Anh ấy nói với tôi: “Cô Trần à! Cô hãy tùy ý xem, toàn bộ đều là vấn đề tình cảm của mọi người”. Tôi nói: “Bên nào nhiều hơn vậy?”. Anh ấy nói: “Phụ nữ đặc biệt nhiều”. Phụ nữ tâm trạng buồn bực, người chồng thì có vấn đề. Họ oán trách mẹ chồng không tốt, than phiền con cái không nghe lời, không hài lòng với công việc của mình, người khác tốt hơn mình, v.v… đều là những vấn đề như vậy. Tôi liền mở vài bức thư ra xem. Tôi thấy có rất nhiều vấn đề. Hôm đó, bởi vì thời gian có hạn nên tôi chủ yếu nói chuyện về vấn đề “mẹ chồng, nàng dâu”. Nhưng khi chúng tôi vừa kết thúc tiết mục thì đã có thính giả gửi tin nhắn cho người chủ trì, hy vọng tiết mục này có thể phát lại vì họ chưa nghe đủ.

Tôi chủ yếu giảng trên phương diện này, tức là phụ nữ phải biết làm sao dùng lý trí để đối diện với hôn nhân của mình, điều chỉnh được tình cảm của mình, sau đó làm sao để hóa giải những cảm giác trống vắng trong cuộc sống. Kỳ thực, sở dĩ bạn thấy trống vắng chính là cảm giác trống rỗng. Tại vì sao lại thấy trống rỗng? Tôi cảm thấy, do bạn đã tập trung tinh thần vào những chuyện vô vị. Bạn nói xem, nếu bạn giống như cô Lưu, giống như một số người cả ngày đều nghĩ đến đi làm việc thiện, thì bạn sẽ không cảm thấy trống rỗng, bạn sẽ cảm thấy mãn nguyện, rất hạnh phúc. Cho nên, tôi cũng đề xướng đối với mọi người là phụ nữ cần có một tín ngưỡng, bất luận bạn tin cái gì, cho dù bạn tin sùng một chữ “ái”. Tôi từng viết một bài văn gọi là “tình thương là câu trả lời cho tất cả”. Tức là cho dù bạn tin sùng “ái” cũng được, bạn có thể chân thành đi ban phát tình yêu thương chân thật, đi giúp đỡ những người bên cạnh bằng những hành động thực tế của bạn, thì bạn sẽ không cảm thấy trống rỗng và cô đơn nữa, cuộc sống của bạn sẽ tương đối có ý nghĩa.

Khi một số bạn bè bên cạnh xảy ra vấn đề thì chúng ta nhất định không được đổ dầu vào lửa. Dù chúng ta không làm được việc giúp người khi gặp nạn, nhưng chí ít cũng đừng nói: “Người như vậy đừng sống với anh ta nữa, ly hôn cho xong đi”. Câu nói này bạn không cảm thấy gì, nhưng nó thật sự có thể đẩy người bạn của bạn xuống và gia đình của cô ấy sẽ ly tán, đổ vỡ. Cho nên người xưa có câu: “Thà phá một ngôi chùa, chứ không phá một cuộc hôn nhân”. Không được tùy tiện làm dao động tâm trí của người khác, đây là tạo ác nghiệp không tốt.

Hành vi của bạn nếu trái với thiên địa sẽ bị ông trời trừng phạt. Bạn không giữ lễ nghĩa thì người chồng sẽ lạnh nhạt với bạn”. Những lời trong “Nữ Giới” có thể tương đối khó hiểu, cho nên sáng hôm nay có một cô giáo đã ở cửa chờ tôi rất lâu vì cô muốn thỉnh đĩa giảng chi tiết về “Nữ Giới”. Tôi nói: “Bởi vì lần này tôi đến chủ yếu là chia sẻ, không giảng chi tiết”. Cô ấy nói: “Quyển sách này tôi xem không hiểu lắm”. Sau này, nếu có cơ hội thì chúng ta sẽ giảng chi tiết.

Đại khái câu này có nghĩa là, khi hành vi của bạn trái với luân lý đạo đức, thì không chỉ người nổi giận, mà quỷ thần thiên địa cũng phẫn nộ, bạn nhất định bị trừng phạt. Nếu trên lý, trên nghĩa mà bạn làm trái, thì chồng bạn sẽ xem thường bạn. Khinh nghĩa là lạnh nhạt. Ngược lại với khinh chính là hậu, hậu đãi bạn, chứng minh đức hạnh của bạn sâu dày. Lạnh nhạt với bạn chứng tỏ đức hạnh của bạn cũng mỏng. Chúng ta học “Liễu Phàm Tứ Huấn” chẳng phải cũng có nói hay sao? “Người có đức một trăm đời thì gia thế hưởng phước một trăm đời, người có đức mười đời thì gia thế hưởng phước mười đời”. Mọi người ghi nhớ, đức hạnh của bạn xứng với người này, thì hai người các bạn rất tương xứng với nhau. Đức hạnh của bạn như thế nào, thì bạn nhất định lấy được người chồng như thế đó. Bạn không hài lòng với chồng bạn, thì bạn phải suy nghĩ xem đức hạnh của bạn có xứng hay không. Cho nên trong văn hóa truyền thống có câu: “Đức không tương xứng với vị trí”, nếu đức hạnh của bạn không tương xứng với vị trí của bạn, thì tự nhiên sẽ xảy ra vấn đề.

Ví dụ, đức hạnh của bạn không tương xứng với chức quan của bạn, bạn vừa nhận chức quan này thì liền sẽ xảy ra vấn đề, đột nhiên thân thể của bạn có thể sẽ bị bệnh, hoặc là đột nhiên xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Chúng ta phải luôn luôn nghĩ, nữ đức của chúng ta có xứng với vị trí ở trong nhà của chúng ta hay không? Nếu chồng bạn là một người quyền cao chức trọng, là một người giàu có, có tài năng, có quyền thế, nhưng đức hạnh của phụ nữ chúng ta không tương xứng, thì tự nhiên sẽ có người đến thay thế, người chồng ở bên ngoài sẽ có một số vấn đề. Bạn đừng oán trách người chồng tại vì sao có tiền thì anh ấy liền biến chất như vậy, không phải là đạo lý này. Con người không phải có tiền thì đều biến chất. Bản thân tôi chính là như vậy. Tài sản của chồng tôi cũng xem như tương đối nhiều, nhưng thực sự anh ấy không có bất cứ chuyện không tốt nào ở bên ngoài. Anh ấy có hai người tài xế. Có một lần, tài xế của anh ấy đã nói: “Hai vợ chồng anh chị thật kỳ lạ”. Nghĩa là chúng tôi không có bất cứ chuyện gì như vậy, ngay đến lời đồn cũng không có. Cho nên chúng ta làm phụ nữ, bản thân phải giữ mình trong sạch. Bạn giữ thân trong sạch, bạn giữ mình như ngọc, thì người bên cạnh sẽ tương xứng với bạn, sẽ không có chuyện tương phản. Bạn nói: “Bản thân tôi làm rất tốt, tại vì sao chồng tôi lại như vậy?”. Không có cái đạo lý này.

Chúng ta học tiếp phần sau thì sẽ thấy, lão tổ tông dạy cho bạn thật sự vô cùng hay. Từng chữ trong “Nữ Giới” tôi càng ngẫm càng cảm thấy giống như châu ngọc, mỗi một chữ đều giống như trân châu vậy. Sau khi bạn học được thì thật sự như bưng một khay trân châu vậy, những thứ bạn mặc, bạn đeo đó chính là cuộc sống rất hạnh phúc.

Trong sách “Nữ Hiến” nói: “Đắc ý nhất nhân, thị vị vĩnh tất, thất ý nhất nhân, thị vị vĩnh hất, do thử ngôn chi, phu bất khả bất cầu kỳ tâm” (Có được tình thương của chồng, thì cả đời người vợ được nương tựa. Mất đi tình yêu thương của chồng, thì người vợ mất tất cả. Từ đó thấy được, người vợ cần có được tình yêu thương của chồng).

Thông qua từng chương, khi học xong “Nữ Giới” chúng ta sẽ phát hiện ra một đạo lý, quyển “Nữ Giới” này không phải do Ban Chiêu tự sáng tác ra.

Sau khi học xong thì tôi nghĩ đến một câu nói của Khổng Lão Phu Tử. Khổng Lão Phu Tử nói cả đời Ngài là “Tín nhi hiếu cổ, thuật nhi bất tác” (tin ưa lời dạy xưa, chỉ thuật lại chứ không sáng tác). Nghĩa là Ngài tin tưởng, ưa thích cổ Thánh tiên Hiền thời xưa, bản thân Ngài chỉ đơn giản là giảng lại những lời của cổ Thánh tiên Hiền mà thôi, Ngài không hề sáng tác thêm bất cứ thứ gì. “Nữ Giới” cũng vậy, “Nữ Luận Ngữ” cũng vậy. Chúng ta thấy, “Nữ Tứ Thư” cũng là như vậy.

Trong quyển sách này có những lời trong “Thi Kinh”, có những lời của Khổng Lão Phu Tử. “Nữ Giới” không phải do Ban Chiêu tự sáng tác ra, bởi vì đây là một quyển sách ghi chép lại tự tánh, tánh đức của phụ nữ, cho nên bạn học tập, bạn càng học thì càng thấy vui vẻ, càng học càng cảm thấy như tìm được một chiếc chìa khóa để làm sao giúp cuộc sống hôn nhân của mình hạnh phúc mỹ mãn.

Chúng ta sẽ chia sẻ cái gì gọi là đắc ý, cái gì gọi là thất ý. Cái ý này nghĩa là gì? Hôm qua, nếu mọi người nghe báo cáo của thầy Vương Hy Hải thì sẽ có cảm xúc. Bởi vì, tôi và thầy Vương Hy Hải đều là người Đại Liên, nên chúng tôi trao đổi riêng với nhau cũng khá nhiều. Có một lần, thầy nói với tôi là: “Lẽ ra cô nên thấu hiểu được một trăm phần trăm tâm ý của chồng mình, nhưng cô mới chỉ thấu hiểu được bảy mươi phần trăm tâm ý của anh ấy, như vậy là cô làm vẫn chưa đủ, cô phải cố gắng hơn nữa”. Không hiểu sao thầy lại nói như vậy nên tôi rất kinh ngạc, tôi nói: “Tại sao thầy lại biết ạ?”. Thầy ấy cười và nói là: “Cô phải chuyên tâm”. Thầy đã nói đến chữ “chuyên tâm” này. Tôi nói: “Tôi cảm thấy tâm của tôi cũng chuyên rồi”. Thầy nói: “Không đúng! Nếu cô thật sự chuyên tâm thì cô có thể đọc hiểu được tất cả tâm tư của chồng cô, tâm tư của anh ấy cô sẽ đều hiểu rõ. Hiện tại còn có chỗ cô vẫn chưa hiểu rõ”. Thầy nói: “Sau khi cô đã hiểu rõ tất cả thì cô làm bất cứ việc gì cũng đều thành thạo khéo léo”. Nguyên văn lời thầy nói lúc đó tôi đã quên rồi, nhưng tôi thể hội được ý của thầy là: “Làm bất cứ việc gì cũng đều thành thạo khéo léo”. Hơn nữa, thầy nói: “Cô sẽ không có bất cứ phiền não nào, mà rất tự tại. Bởi vì cô đều đọc thông rồi, đều thấu hiểu rồi, nên cô sẽ rất tự tại, anh ấy chẳng có gì mà cô không hiểu”. Lời này đã để lại cho tôi ấn tượng rất sâu. Tôi cũng thường suy nghĩ về những lời nói này.

Chữ “ý” này, sáng nay tôi còn nghĩ, trên chữ “tâm” có một chữ “nhật”, trên chữ “nhật” có một chữ “lập”. Đây là chữ ý. Cái tâm này, trước tiên chúng ta có thể đọc hiểu được tâm mình hay chưa? Không biết mọi người từng xem qua đĩa giảng của Tiến sĩ Bành Hâm (Bành Tân) hay chưa? Thầy nói là: “Tôi khám bệnh cho người khác, sau đó tôi nghĩ rằng ngay bản thân tôi, tôi vẫn chưa nghiên cứu tường tận thì làm sao tôi có thể nghiên cứu người khác tường tận được chứ? Tôi nghiên cứu bản thân mình thấu đáo, hiểu rõ được các căn bệnh và vấn đề của tôi nằm ở đâu rồi, sau đó tôi đi khám cho bệnh nhân của tôi thì tôi cảm thấy vô cùng thông suốt. Trước đây không thông là do tôi có chướng ngại”. Cho nên học nữ đức, kỳ thực trước tiên phải nghiên cứu cho tường tận những tật xấu, khuyết điểm của bản thân mình, vấn đề chướng ngại của bản thân nằm ở đâu. Đơn giản nhất, khi bạn kết hôn với chồng của mình, bạn dựa vào cái gì để kết hôn với anh ấy? Dựa vào anh ấy đẹp trai, gia thế của anh ấy rất tốt, tài sản của anh ấy rất nhiều, anh ấy là con trai của một vị quan chức,… hay là bạn dựa vào việc anh ấy hiếu thuận ba mẹ của anh ấy? Hay là bạn dựa vào việc anh ấy đối với bạn bè rất có nghĩa khí? Bạn dựa vào điều gì?

Có một câu nói mà khi mới nhìn thấy tôi có ấn tượng rất sâu. Đó là câu tôi nghe thấy thầy Chung giảng trong “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”, gọi là “lấy quyền”. “Quyền” là quyền thế.

“Lấy quyền thế để kết giao, quyền hết thì cũng tuyệt giao”. Quyền thế hết rồi thì giao tình cũng hết.

“Lấy lợi để kết giao, lợi hết thì tình cũng hết”. Vì tiền mà tới, đến khi tiền hết thì giao tình cũng hết.

“Lấy sắc kết giao, hoa tàn thì tình cũng nhạt”. Giống như hoa vậy, vừa tàn rụng rồi thì không còn nữa.

Đến câu cuối cùng là: “Lấy đạo kết giao, thì thiên trường địa cửu”.

Trước đây, khi em trai tôi tìm bạn gái, từng có một người giới thiệu cho cậu ấy một cô diễn viên trong đoàn kịch nói vô cùng xinh đẹp. Bởi vì ba tôi là người lãnh đạo ở đó, nên họ đã giới thiệu. Sau đó mẹ tôi gọi điện thoại hỏi tôi, tôi đã trực tiếp phản đối. Tôi nói: “Mẹ à! Con gái không được quá xinh đẹp. Đặc biệt là môi trường nơi cô ấy làm việc, chúng ta cũng không thể bảo đảm cô ấy sẽ không tiếp xúc với một số thứ không tốt. Cho nên, con thấy nhà mình tìm vợ cho em trai nên tìm một cô gái biết giữ khuôn phép, bình thường thôi, không cần phải quá đẹp, chỉ cần có thể chăm sóc tốt cho em trai con và có thể hiếu kính với ba mẹ là đủ rồi”. Mặc dù lúc đó tôi vẫn chưa học nữ đức, nhưng đó là trực giác của tôi, tôi đã nghĩ như vậy. Đương nhiên em trai tôi cũng không lấy cô gái đó, mà sau đó đã tìm một cô gái bình thường.

Ý là, trước tiên phải đem đức của mình, đạo đức của mình tu cho tốt, sau đó mới có thể cảm thông với người chồng, nếu không thì không thể có được tấm lòng của người chồng. Nếu bạn mong cầu ở bên ngoài, hướng ngoại mà cầu, thì sẽ cầu không được. Hướng nội mà cầu thì từng chút một đều sẽ cầu được. Tôi sẽ chú trọng chia sẻ với mọi người đoạn phía sau này, tức là cái cần cầu phải là gì? “Giữ lễ nghĩa thuần khiết”. Ban Chiêu tổng cộng đã đưa ra sáu điểm, tôi sẽ chia sẻ với mọi người từng điều một.

Sáu điểm để giữ lễ nghĩa thuần khiết phụ nữ cần lưu ý

  • Thứ nhất, tai không nghe những lời không nên nghe.
  • Thứ hai, mắt không nhìn những thứ tà vạy.
  • Thứ ba, ra ngoài không trang điểm diêm dúa.
  • Thứ tư, ở nhà không mặc đồ quá tùy tiện.
  • Thứ năm, không tụ tập nô đùa.
  • Thứ sáu, không ở ngoài cửa nhìn đông ngó tây.

Có thể làm được sáu điều này thì gọi là “chuyên tâm chánh sắc”.

Trước tiên chúng ta phân tích từ điểm thứ nhất.

Thứ nhất, tai không nghe những lời không nên nghe

Cái gì là tai không nghe những lời không nên nghe? Trong “Đệ Tử Quy” có câu: “Thấy chưa thật, chớ nói bừa. Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền”. Tai của người phụ nữ không khống chế được bản thân mình, thích nghe ngóng, thích hỏi những chuyện vụn vặt trong nhà, nếu có hai – ba người tụ tập lại thì bạn sẽ vô tình bất giác rất muốn nghe xem họ đang nói cái gì. Bạn xem, giữ tốt cái tai của mình là điều rất quan trọng. Giữ tốt cái tai của mình chính là giữ được cái tâm của mình.

Tôi xin chia sẻ với mọi người một ví dụ. Cuộc sống hôn nhân của tôi không phải đều thuận buồm xuôi gió, tôi cũng gặp phải rất nhiều đề thi, nhưng tôi đều nhẹ nhàng vượt qua chúng. Ví dụ, có một lần tôi nhận một cuộc điện thoại, vừa nhấc máy lên thì họ nói muốn gặp tôi. Tôi nói, chính là tôi đây. Tôi hỏi cô ấy: “Có việc gì vậy?”. Cô ấy nói: “Cô đừng quan tâm tôi là ai, tôi muốn nói với cô một việc như vậy…”, có liên quan đến chồng tôi. Bởi vì chồng tôi mở công ty, ý là chồng tôi ở bên ngoài ngoại tình. Cô ấy còn miêu tả rất tỉ mỉ, rất chi tiết. Cô ấy nói khoảng nửa giờ đồng hồ, tôi gác máy thì thất lễ, nên tôi cầm như vậy, để cách xa tai. Tôi ngồi đó xem máy tính, đợi cho cô ấy nói xong. Cô ấy nói: “Cô đã nghe rõ chưa?”. Tôi nói: “Tôi nghe rõ rồi”. Cô ấy nói: “Vậy cô có phản ứng thế nào?”. Tôi nói: “Tôi không có phản ứng gì cả”. Cô ấy nói: “Cô có phải là Trần Tịnh Du không?”. Tôi nói: “Vâng, là tôi đây!”. Cô ấy nói: “Vậy tại sao cô không nổi giận?”. Tôi liền nói: “Tôi rất cảm ơn cô, tôi có cần mời cô dùng cơm không?”. Cô ấy nói: “Cái đó thì không cần, cô cẩn thận chú ý một chút. Tôi có ý tốt như vậy nói cho cô biết, nhưng cô dường như không hề đếm xỉa đến”. Sau đó cô ấy gác điện thoại trước thì tôi mới gác máy. Gác máy xong, tôi cũng không xem đó là việc quan trọng. Sau đó, về nhà tôi đã kể thành một câu chuyện cười với chồng tôi. Chồng tôi nói: “Em đừng có để ý đến cô ta, bởi vì có lúc trong kinh doanh họ sẽ dựng chuyện để phá em”. Tôi cũng nghĩ như vậy. Sau đó mẹ chồng tôi cũng biết chuyện này, bà liền hỏi tôi: “Tại sao con lại có tâm thái như vậy? Rất nhiều người đều rất hiếu kỳ”. Tôi nói, từ ngày kết hôn con luôn giữ một nguyên tắc, đó là chỉ cần không phải chính miệng chồng con nói với con thì con tin tưởng anh hoàn toàn. Anh ấy chỉ cần nói điều này anh không làm, việc kia anh không làm, thì con tin ngay. Có thể tôi tương đối ngốc nghếch, nhưng tôi cảm thấy người ngốc sẽ có phước của người ngốc.

Kỳ thực không chỉ có chuyện này, trong thời gian tôi mang thai, khi bụng đã rất lớn rồi, tôi nhận được một email khá dài. Họ nói với tôi là chồng tôi như thế này, như thế kia. Lúc tôi nhận được bức thư này cũng không có phản ứng gì. Sau đó tôi copy bức thư này ra. Lúc đó tôi mang thai hơn năm tháng. Mẹ tôi đang ở nhà tôi nấu cơm. Tôi nói với mẹ là: “Con ra ngoài một chút, một lát nữa con sẽ về”. Mẹ tôi lấy làm lạ nói: “Sắp đến giờ ăn cơm rồi, con còn đi làm gì?”. Tôi nói: “Con ra ngoài đi dạo một chút, một lát con sẽ về”. Tôi liền bắt xe đến văn phòng chồng tôi. Bởi vì lúc đó tôi mang thai, nên tôi ở nhà nghỉ ngơi. Tôi liền lấy cái đĩa đó ra và nói: “Anh đợi chút, ở đây có chút việc anh xem qua một chút”. Sau đó anh ấy nói: “Cái gì vậy?”. Tôi nói: “Anh xem đi!”. Anh ấy liền bỏ đĩa vào trong máy tính xem. Sau khi xem xong, câu đầu tiên của chồng tôi là: “Nói xằng, nói bậy!”. Tôi nói: “Vậy anh xóa nó đi, thứ xằng bậy như vậy giữ lại không có tác dụng gì thì xóa nó đi”. Tôi liền trở về. Chồng tôi nói: “Em đừng đi, em có bị ảnh hưởng gì không vậy?”. Anh ấy sợ tôi bị ảnh hưởng vì tôi đang mang thai. Tôi nói: “Em không bị ảnh hưởng gì đâu!”. Thực sự, tôi không bị chút ảnh hưởng nào, nhưng chồng tôi lại tức giận. Buổi tối, anh về nhà rất tức giận. Tôi nói: “Anh xem đó là chuyện bịa đặt thì anh cũng không cần phải tức giận. Em chỉ hỏi anh một chút, nếu anh nói có thì chúng ta cùng thương lượng để giải quyết, nếu không có thì thôi”. Tôi từng gặp qua hai sự việc như vậy.

Cho nên, phụ nữ không nên tự tìm phiền não. Những chuyện vô căn cứ, họ muốn nói thì là việc của họ, bạn đừng nghe họ là được rồi, “thấy chưa thật” mà. Đương nhiên lúc đó tôi vẫn chưa học đến câu “thấy chưa thật”, nhưng khi vừa kết hôn thì tôi đã định cho mình một nguyên tắc tối thiểu là “chỉ cần không phải từ chính miệng chồng tôi nói với tôi, thì tôi nhất định giữ vững nguyên tắc của mình”. Tôi cho rằng chồng tôi một lòng một dạ, nếu như xảy ra vấn đề, tôi cảm thấy thực sự đó là vấn đề của bản thân tôi, tôi sẽ phản tỉnh chính mình. Bởi vì tôi không kết hôn nhiều lần, đây là lần đầu tiên, nên đều là trưởng thành trong sự học tập và rèn luyện. Nếu như trải qua rất nhiều đời bạn đã luyện tập rất tốt, thì đương nhiên đời này bạn không phải kết hôn nữa. Còn tôi khẳng định là luyện tập không tốt, cho nên đời này phải cố gắng luyện tập, học tập. Nguyên tắc này của tôi có tác dụng mang tính chỉ đạo rất quan trọng.

Còn một điều nữa, là phải nghe nhiều. Cái tai này nghe gì? Nghe lời của thiện tri thức, nghe lời của người nhân đức, nghe lời của cổ Thánh tiên Hiền. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có phải là: “Thô tục nhiều, nhân từ ít” hay không? Đã là thô tục nhiều, thô tục tương đối nhiều, thì bạn ít nghe đi, bạn đừng có tụ tập ở đó làm lãng phí thời gian của bạn. Nghe những lời phê bình này nọ, cho dù bạn không phát biểu bất cứ lời bình luận nào, nhưng bạn nghe những lời nói đó sẽ làm ô nhiễm tâm của bạn, cho nên vẫn không bằng trở về nhà.

Dù sao thì tôi có một thói quen, từ nhỏ đến lớn tôi thích xem sách, tôi rất ít bạn bè. Tôi cũng không thích nghe những thứ này, cũng nghe không được, cho nên họ mới dùng cách này để gửi email cho tôi. Bình thường tôi đến công ty cũng vậy, tôi chưa bao giờ tụ tập nói chuyện với họ, tan ca thì tôi về nhà. Tôi là người như vậy. Mọi người ghi nhớ, chỉ cần bạn “chuyên tâm”, bạn làm bất cứ việc gì đều sẽ có chỗ ngộ. Bạn có chỗ ngộ rồi, thì bạn nhất định thành công. Tôi có thể hội này. Ví dụ khi tôi còn đi học, tôi luôn là một học sinh giỏi, từ tiểu học cho đến đại học đều xếp thứ nhất. Bởi vì khi tôi học thì tôi không nghe thấy gì hết, tôi học tập vô cùng nghiêm túc. Khi tôi học đại học ở trường Đại học Nhân Dân, thầy giáo dùng vở ghi chép của tôi cho mọi người học tập công khai, và dùng nó làm cuốn vở tiêu chuẩn để thi. Có một lần lên lớp nhưng tôi quên mất thời gian, tôi ở trong thư viện xem sách đúng một nửa tiết học, nhưng thầy giáo cũng không giảng bài. Sau đó họ đến thư viện gọi tôi. Tôi liền hỏi thầy giáo rằng: “Tại vì sao thầy không giảng bài?”. Thầy giáo nói: “Em không đến, vở ghi chép của các bạn khác đều không ghi rõ ràng, sợ rằng khi thầy ra đề thi họ không trả lời được nên đợi em đến rồi thầy mới giảng”. Bởi vì tôi luôn tập trung tinh thần cao độ để nghe, bình thường rất ít khi nghĩ đến chuyện khác. Cho nên, tại sao tôi lại nấu ăn ngon? Vì tôi luôn tập trung tinh thần để làm một việc. Một chồng sách dạy nấu ăn tôi đều nghiêm túc nghiên cứu, món ăn Tứ Xuyên nấu như thế nào, món ăn Đông Bắc nấu ra làm sao, món nấu, món hấp, sủi cảo, bánh nhân tôi đều biết làm. Do tôi biết tìm tòi, suy nghĩ về sự việc này, cho nên chồng tôi nói: “Biết trước em là một học trò ngoan thì anh đã sớm tìm thầy cô giáo tốt và sách hay cho em học rồi”. Cho nên, con người chỉ cần “chuyên tâm”, giữ tâm một chỗ, thì bạn sẽ có chỗ ngộ. Làm sao để giữ tâm một chỗ? Chính là bạn phải quản tốt cái tai của mình.

Phía sau bạn xem, chính là quản tốt đôi mắt. Thân thể của bạn cũng phải quản tốt, ít tiếp xúc với những ngoại duyên không tốt ở bên ngoài.

Tôi còn tự tổng kết ra, đó cũng là cái mà phụ nữ hiện đại mắc tương đối nhiều, chính là nên ít nghe những bài hát thịnh hành. Tôi chưa bao giờ nghe những bài hát đang thịnh hành. Tôi thấy rất nhiều bạn nữ đều mê mp3 không rời. Hiện nay, có rất nhiều bài hát ca từ đều không tốt lắm, không phải là lời giáo huấn của Thánh Hiền, bạn càng nghe thì tinh thần càng sa sút, càng nghe càng sầu muộn, khiến cho tâm tình của mình rất kém, hoặc là yêu đến chết đi sống lại, hoặc là như thế nào đó. Từ trường này rất không tốt. Cho nên các bạn nữ, đặc biệt là thế hệ 9x, 10x chúng ta cần phải học nữ đức, tức là phải ít nghe những thứ này, nghe nhiều những lời giáo huấn của Thánh Hiền.

Còn có người nói: “Tôi muốn nghe những lời của các vị nhân giả, các vị thiện tri thức, nhưng tôi cũng không có duyên, tôi cũng không gặp được họ”. Đừng trách các vị thiện tri thức sao không xuất hiện trước mặt bạn, đó là do phước báo, thiện căn của bạn không đủ, nên nhân duyên không hiện tiền. Làm thế nào khiến phước báo đầy đủ? Bạn phải tích đức hành thiện, nỗ lực sám hối sửa lỗi.

Từ năm 2004 tôi bắt đầu tu học Phật pháp, tôi nghĩ việc thiện mà tôi làm cũng không ít. Nhưng giống như sáng nay thầy Hà có giảng, nếu như bản thân không sửa lỗi, không sám hối, thì cũng giống như cái ly bị thủng vậy, không bịt kín nó lại cho nên nó bị rò rỉ đi rất nhiều.

Từ năm ngoái, tôi đã nghiêm túc sám hối các vấn đề của bản thân và những việc mà tôi đã làm không tốt trong đời này. Ví dụ, những năm đầu tôi từng làm người phân tích chứng khoán, tôi có một bài giảng là “hung tài trong thị trường cổ phiếu”. Tôi đặc biệt sám hối tội vọng ngữ, vì khi tôi làm người phân tích chứng khoán, thật sự là tôi đã nói lung tung, xằng bậy. Vì sao bây giờ tôi lên giảng bài khá tự nhiên? Bởi vì lúc đó tôi từng tham gia và thường lên đài phát thanh, đài truyền hình, truyền hình vệ tinh Hồ Nam, truyền hình vệ tinh Liêu Ninh, cho nên trước ống kính tôi không hề sợ. Có một lần tôi ở nhà, đường truyền ở nhà đã được kết nối với đài phát thanh. Tôi ở đây xem trên màn hình tivi nói về xu hướng của cổ phiếu, bên kia thì đài phát thanh trực tiếp phát sóng đi để những người chơi cổ phiếu nghe. Kết quả, nói một lúc màn hình máy tính tự nhiên tối thui bị lỗi, còn thính giả nghe đài thì vẫn gọi điện trên đường dây nóng để hỏi cổ phiếu này như thế nào, cố phiếu kia ra làm sao. Lúc đó họ cũng gọi tôi là cô giáo Trần. Tôi không thể nói màn hình máy tính hỏng rồi. Bởi vì làm biếng nên tôi không đến đài phát thanh mà ở nhà, tôi bắt đầu nói bừa. Tôi nghĩ, đại khái cổ phiếu này như thế này, cổ phiếu kia như thế kia. Kỳ thực, sau khi nói xong thì toàn thân tôi cũng toát mồ hôi lạnh, tôi nghĩ tại sao thời gian vẫn chưa hết, cảm thấy thời gian vô cùng dài, rất không dễ dàng để làm xong chương trình. Sau đó, tôi nói với chồng tôi: “Sau này em không làm việc này nữa”. Đó là lần cuối cùng tôi làm công việc này.

Bởi vì, con người làm những việc hổ thẹn với lương tâm thì trong tâm luôn bất an, đặc biệt khi bạn không thường xuyên làm thì trong lòng càng bất an. Cho nên, tại sao năm 2000 tôi quyết định rời bỏ thị trường cổ phiếu không làm nữa. Thực sự, chính là cảm giác sau khi bạn làm chuyện xấu thì trong tâm thấy bất an, thân tâm bạn đều không an ổn, bạn làm việc gì cũng không định lại được. Sau đó tôi nói với chồng tôi: “Em thực sự không phù hợp với nghề này”. Có lúc người ta mời tôi đi, nói xem cổ phiếu này làm thế nào thì tốt? Tôi biết rõ ràng cổ phiếu này không tốt , nên tôi đã không nói ra. Không nói ra được thì người ta sẽ tức giận. Tôi làm không nổi cái nghề phân tích chứng khoán đó, cho nên sau đó tôi chỉ làm khoảng hai năm thì không làm nữa. Nhưng tôi nghĩ, tôi gặp phải tình huống như vậy thì người khác có gặp phải hay không?

Cho nên cổ phiếu đó không phải dựa vào phân tích mà được, không phải nói tiền trong cổ phiếu bạn phân tích tốt thì bạn kiếm được tiền. Thực sự, con người có đức mới có tài. Bạn không có đức, đừng nói bạn chơi cổ phiếu, bạn làm gì thì bạn cũng không có tiền. Cho nên, tai không nghe những lời không nên nghe. Bạn cũng đừng nghe những lời này, đặc biệt là những lời của người phân tích chứng khoán giống như tôi, rất đáng sợ!

Tôi còn có một bằng luật sư, nhưng chưa bao giờ tôi đến tòa án. Vì sao vậy? Bởi vì nghề luật sư này là tôi cùng chồng tôi đi thi. Anh học ngành luật, nghiên cứu sinh ngành luật. Ba mẹ anh ấy rất hy vọng anh thi được bằng luật sư. Anh ấy là người rất ham chơi. Đặc biệt khi còn trẻ, năm hai mươi ba tuổi thì tôi được gả cho anh ấy, hai mươi lăm tuổi thì tôi cùng anh thi lấy bằng luật sư. Anh ấy đã đăng ký, nhưng hai năm vẫn không đi thi. Sau đó, mẹ chồng tôi nói: “Con học tốt, con học cùng nó, con thi đỗ mà nó không đỗ thì sẽ rất xấu hổ, nên con đi thi cùng nó nhé”. Tôi nói: “Dạ được ạ!”. Cho nên, sau khi tôi đi đăng ký thì anh ấy rất căng thẳng. Sau đó, hai chúng tôi cùng nhau học tập. Đương nhiên chúng tôi đều thi đỗ, nhưng tôi không làm nghề này. Bởi vì, tôi cảm thấy nghề luật sư đối với khẩu nghiệp cũng phải rất chú ý. Rõ ràng người ta có thể không ly hôn, nhưng vì muốn lấy tiền, nên bạn đã kiến nghị họ ly hôn; người ta rõ ràng có thể không khởi kiện các vụ án kinh tế, nhưng bạn vì muốn lấy được tiền nên lại kiến nghị họ khởi kiện, đều rất thương tổn đạo đức nghề nghiệp. Tôi thấy rất nhiều người trong ngành luật sư đều làm như vậy. Cho nên tôi cảm thấy không chỉ đơn thuần phụ nữ chúng ta phải học nữ đức, mà đại chúng trong xã hội học luân lý đạo đức, học đạo đức nghề nghiệp cũng rất quan trọng. Nếu không thì họ vì tiền có thể làm trái với lương tâm của mình, làm ra những chuyện thương thiên hại lý mà bản thân không hề hay biết.

Thứ hai, mắt không nhìn những thứ tà vạy.

Trong “Đệ Tử Quy” có câu: “Không sách Thánh, bỏ không xem; che thông minh, hư tâm trí”. Phía trước là bạn trồng nhân, bạn xem không phải là sách của Thánh Hiền, kết quả sẽ như thế nào? Nó sẽ che mờ tâm trí của bạn; bổn tánh, linh tánh thông minh của bạn đều bị hư hoại hết. Có phải “không sách Thánh” là chỉ mỗi Kinh sách thôi không? Tuyệt đối không phải. Hiện tại sức mạnh của mạng intermet mạnh hơn sách rất nhiều, còn có phim ảnh, phim truyền hình, báo, tạp chí, truyền hình. Hiện nay sức mạnh của truyền thông rất lớn. Phương tiện truyền thông nhiều như vậy, nhưng bạn xem hoằng dương luân lý đạo đức, văn hóa truyền thống nhiều, hay là truyền bá kích thích sự tiêu dùng của bạn, kích thích dục vọng của bạn nhiều? Mặc dù chúng ta không có năng lực để ngăn cản những thứ đó không xuất hiện, nhưng chí ít chúng ta có thể khống chế bản thân không xem, chính mình có năng lực không đi xem mấy thứ đó.

Tôi thấy những cô gái trong công ty tôi trước đây rất thích xem hai loại tạp chí. Một loại là dạy làm đẹp, trang điểm. Hiện nay loại tạp chí này có rất nhiều. Có bao nhiêu cách vẽ lông mày, kết hợp những y phục xuân hạ thu đông như thế nào, toàn bộ tâm trí đều đặt trên những thứ đó. Không chút tác dụng gì, lãng phí mất tuổi thanh xuân đẹp đẽ. Phụ nữ chỉ dựa vào những thứ này liệu có thể giữ gìn được hạnh phúc của chúng ta hay không? Bạn nghĩ bạn mặc rất đẹp, nhưng chắc chắn sẽ có người mặc đẹp hơn bạn; bạn xinh đẹp, cũng sẽ có người xinh đẹp hơn bạn. Nếu dùng cách này để níu giữ trái tim của chồng bạn, làm sao có thể níu giữ được chứ? Còn một loại khác là thích xem tạp chí về những minh tinh điện ảnh, tạp chí đời tư. Bởi vì tiếng tăm của những minh tinh điện ảnh đều rất lớn, cuộc sống đều rất rực rỡ, những minh tinh đó lấy vợ (chồng) không phải giàu có thì cũng là quyền quý, cho nên họ đều cực kỳ ngưỡng mộ.

Có một lần, trong cuộc họp, tôi nói với các nhân viên nữ trong công ty chúng tôi rằng: “Các bạn đừng ngưỡng mộ họ. Bạn tỉ mỉ mà xem, cuộc sống hôn nhân của những minh tinh nữ này có mấy người được hạnh phúc?”. Họ cũng suy xét kỹ càng rồi nói: “Đúng vậy!”. Sau đó họ hỏi tôi: “Giám đốc Trần à, tại sao họ lại không hạnh phúc vậy?”. Tôi nói: “Bởi vì họ biểu diễn những tác phẩm phim ảnh, phim truyền hình này đa phần đều là dạy người ta đọa lạc, dạy người ta nhiều những dục vọng không tốt. Họ dạy người ta những điều không tốt, thì chính họ làm sao có thể tốt được chứ?”. Mọi người xem những người đó, đặc biệt là những người có tiếng tăm rất lớn, hơn nữa tiếng tăm là thứ mà trời đất đều kiêng kỵ. Bạn nổi tiếng nhưng đức của bạn không tương xứng, danh không hợp với thực, đến cuối cùng sẽ gặp phải những tai vạ bất ngờ như nhảy lầu tự tử, hút thuốc phiện, trầm cảm, tự kỷ, … Họ trải qua đời sống hôn nhân nhiều lần, tức là ly hôn một lần rồi nhưng vẫn không tìm được người chồng như ý muốn. Chúng ta không nên ngưỡng mộ những thứ đó. Những cái đó không phải là đời sống con người. Chúng ta phải sống đời sống bình dị, cơm canh đạm bạc của một người dân thường, đối với chồng mình phải cung kính như khách, sống với nhau đến đầu bạc răng long. Những ngày tháng đó thật tốt biết bao! Không cần phải ngưỡng mộ, cũng không nên đi xem họ.

Mặc dù năng lực của tôi có hạn, nhưng tôi tin nếu chúng ta có một người giảng nữ đức thì cũng giống như trong đêm tối đốt lên một ngọn nến nhỏ vậy. Nếu bạn cảm thấy ánh sáng của ngọn nến này rất đẹp, thì bạn có thể đến cạnh nó thắp thêm một ngọn nến nữa. Tôi chỉ cần giữ cho ngọn nến này của tôi không bị tắt, những ngọn nến mới thắp cũng không bị tắt, vậy thì chẳng phải càng ngày càng sáng hay sao? Tà không thể thắng được chánh. Quan trọng là hiện nay không có người giảng chánh, nên tà tự nhiên rất hung hăng. Cho nên tôi cũng rất vui vẻ đi học nữ đức, đi giảng nữ đức.

Có một cô giáo ở Thành Đô, sáng sớm hôm nay cô đã đợi tôi để xin giáo trình nữ đức. Cô muốn trở về tự mình thực hành rồi đi tuyên truyền, giảng giải. Tôi rất vui mừng. Hơn nữa, tôi ở Đại Liên giảng nữ đức được rất nhiều cô giáo ủng hộ. Đương nhiên chồng của họ càng ủng hộ hơn. Khi gặp tôi, chồng họ nói, từ sau khi nghe bài giảng này của cô thì ánh mắt của vợ tôi dịu dàng hơn rất nhiều, trước đây thì vô cùng sắc bén. Đây là một sự thay đổi. Thay đổi thứ hai là tươi cười nhiều hơn. Trước đây về nhà vẻ mặt rất nghiêm túc, nói chuyện với cô ấy thì cứng nhắc, hiện giờ cảm thấy cô ấy nói chuyện rất dịu dàng, còn thường hay nở nụ cười.

Kỳ thực, tôi cũng như vậy. Giảng nữ đức thì phải học cười. Tôi nhớ khi mới in “Nữ Giới”, tôi đã phát tặng cho một số khách hàng bạn bè trên cả nước, được hoan nghênh nhất chính là nam giới. Nhân viên nam ở những công ty khác đều gọi điện thoại đến nói quyển sách này quá hay, có thể dùng làm tiêu chuẩn để chỉ dẫn chúng tôi tìm bạn gái. Sau đó họ hỏi công ty chúng tôi là: “Nhân viên nữ trong công ty chị có phải đều học quyển sách này rất tốt phải không? Có thể đến công ty chị tìm bạn gái được không?”. Chúng tôi nói, chúng tôi vừa mới bắt đầu học, vẫn chưa học tốt. Đương nhiên học tốt rồi thì hoan nghênh các bạn có thể kết tóc se duyên. Điều này tương đối được nam giới tán thán.

Chúng ta thấy, Trần Hoằng Mưu thời nhà Thanh biên tập quyển “Giáo Nữ Di Quy”, Vương Tương biên tập quyển “Nữ Tứ Thư Tiên Chú”, họ đều là nam giới. Điều này thấy rõ một điều, tầm nhìn của nam giới sâu rộng hơn, có tính chiến lược hơn chúng ta. Họ thật sự nhìn rất thấu triệt, nhìn rất sâu rộng, nhìn rất xa, phụ nữ chúng ta không được như vậy.

Thứ ba, ra ngoài không trang điểm diêm dúa.

Cái gì là trang điểm diêm dúa? Trang điểm diêm dúa có hai điểm, chúng ta khi học tập nhất định phải chú ý. Hai điểm gì vậy?

Điểm thứ nhất, trang điểm quá mức là trang điểm diêm dúa, trang điểm lòe loẹt. Phần trước khi giảng đến “phụ dung” tôi đã nhắc qua với mọi người, nhưng còn một điểm tôi vẫn chưa nhắc đến, hôm qua tôi mới nghĩ ra. Có rất nhiều phụ nữ hiện đại ưa thích hóa trang thành nam giới, vì sao vậy? Vì có khuynh hướng đồng tính luyến ái.

Năm ngoái tôi có tiếp xúc với một người bạn, cô ấy gọi điện thoại cho tôi. Cô rất đau khổ vì con gái một người thân của cô ấy bị đồng tính luyến ái. Cô ấy hỏi tôi làm thế nào để có thể giúp người thân của cô ấy giải quyết vấn đề này? Cô bé đó không lớn lắm, hơn hai mươi tuổi, mặc đồ và hóa trang giống như con trai vậy, sau đó lại thích con gái. Bởi vì lúc đó tôi tu học còn rất kém, tôi nói là: “Hình như tôi chỉ nghe thấy trên truyền hình, trên phim ảnh, còn trong cuộc sống thực tế thì tôi chưa từng gặp qua. Cô chỉ có thể dựa vào văn hóa truyền thống để hướng dẫn cháu thôi”. Con người phải giữ trọn nhân luân. Bạn là người nam thì làm việc của người nam, là phụ nữ thì phải làm việc của phụ nữ. Phụ nữ mà làm đàn ông thì cô ấy đã làm trái với thiên lý rồi, không nên làm như vậy!

Hơn nữa, vấn đề lớn nhất khi phụ nữ trang điểm lòe loẹt là gì? Đặc biệt họ dễ khiến người nam khởi lên tà tư tà niệm. Chữ “dâm” này chúng ta nói: “Trăm thiện hiếu đứng đầu, vạn ác dâm đứng trước”. Chúng ta xem một số sách nói về giới dâm thời xưa, nam giới chiếm phân lượng rất lớn. Nhưng trong xã hội hiện nay, tôi cảm thấy vấn đề phụ nữ phạm giới tà dâm không thấp hơn nam giới. Cho nên chúng ta cần phải cố gắng giảng giải cho họ.

Lão tổ tông có một câu nói, nguyên văn tôi nhớ không rõ, nhưng mẹ chồng tôi thường dạy tôi là: “Đàn ông muốn cám dỗ phụ nữ thì giống như cách một dãy núi. Ngược lại, phụ nữ muốn cám dỗ đàn ông thì như cách một lớp vải mỏng vậy”. Cho nên phụ nữ nếu có những ý niệm không tốt này, có cách trang điểm không tốt như vậy, thì xã hội này rất dễ loạn động. Cách một lớp vải mỏng rất dễ phạm. Cách một dãy núi; phụ nữ chúng ta rất kiên trì, giữ vững không phạm, thì người nam họ cũng không có cách gì hết. Nếu phụ nữ đều phơi bày hết ra như vậy, bạn nói xem, thực sự xã hội này sẽ rất loạn.

Cho nên, nếu phụ nữ có những vấn đề trên phương diện này thì chúng ta phải suy nghĩ đến mấy điểm.

Thứ nhất, nó sẽ ảnh hưởng tới gia đình của bạn. Bất luận là chồng bạn có biết hành vi này của bạn hay không, gia đình bạn nhất định sẽ không hòa hợp.

Thứ hai, nó sẽ ảnh hưởng đến con cái của bạn. Bạn có hy vọng con cái của mình tốt hay không?

Tôi từng tiếp xúc với một cô giáo mới học văn hóa truyền thống. Cô ấy đã sám hối. Cô sám hối điều gì vậy? Cô ấy nói: “Sớm biết việc tôi ở bên ngoài cướp chồng của người khác sẽ có kết quả như vậy thì tôi sẽ không làm”. Câu chuyện của cô ấy như thế nào vậy? Con gái của cô ấy không hiểu sao thường lấy cắp đồ của người khác nhưng đánh cũng không được, quản giáo thế nào cũng không xong. Sau đó, có một người nói với cô ấy rằng: “Cô ở bên ngoài giật chồng của người khác thì con gái cô đương nhiên sẽ ăn cắp đồ, đều là ăn cắp mà. Cô giật chồng của người ta thì con gái cô sẽ ăn cắp đồ của người khác”. Tục ngữ chúng ta thường nói: “Làm ác thì có ác báo”.

Thứ ba, nó sẽ có ảnh hưởng không tốt đối với thân tâm của chính mình, bởi vì rất khó tránh khỏi những việc như nạo thai, phá thai. Ông bà ta có một câu (câu này tôi đã chia sẻ với chồng tôi, anh ấy cũng cảm thấy rất có đạo lý) là: “Tinh dịch của ba người đàn ông sẽ tạo thành một loại chất độc, đặc biệt làm tổn hại đến những phụ nữ không trinh tiết này”. Khi giảng bài, tôi cũng thường nhắc đến. Tam tinh, tức là bạn quan hệ với ba người đàn ông trở lên, thì ông trời sẽ thường làm tổn hại những người phụ nữ không trinh tiết này, thậm chí còn có thể dẫn đến vô sinh, bạn vĩnh viễn sẽ không còn khả năng sinh con nữa. Nhẹ thì bạn có thể bị viêm vùng chậu, viêm tử cung; nặng thì thậm chí có thể mắc các bệnh khác như ung thư, lở loét. Còn một điểm rất quan trọng là, phụ nữ chỉ cần như vậy thì vận khí gia đình bạn sẽ không tốt, nhất định sẽ suy bại, người chồng sẽ không kiếm được tiền nữa. Bạn nói, việc này có quan hệ gì chứ? Nó chính là như vậy, đức hạnh của bạn bị tổn hại thì tiền tài sẽ không còn nữa, gia đình bạn sẽ không tốt, sẽ không được yên bình.

Tôi từng gặp một người bạn, là một phụ nữ. Cô ấy viết cho tôi một bức thư khá dài. Duyên phận của tôi cũng rất là kỳ lạ, có rất nhiều phụ nữ viết thư, gọi điện cho tôi. Cô ấy đã kết hôn bốn lần, cũng quan hệ với vài người đàn ông. Tài vận của cô ấy càng ngày càng kém, đến cuối cùng phải vay tiền để sống, đã ứng tiền trong thẻ tín dụng đến mấy chục vạn, đứng trước nguy cơ phải ngồi tù. Cô ấy nói: “Tại vì sao tài vận của tôi lại kém như vậy? Tôi rất thông minh, tài giỏi”. Lúc đó tôi liền nói thẳng rằng: “Phụ nữ phải giữ trinh tiết, cô phải chung thủy với một người đàn ông thì mới có tài. Cô đổi tới đổi lui, luôn muốn tìm một người có tiền hoặc là như thế nào đó thì cô sẽ không có tài. Tiền tài đều bị cô làm hao tổn hết rồi”.

Làm sao để có thể đoạn trừ những hành vi này của mình? Tôi đã thảo luận với một số bạn nữ. Nếu như bạn học Phật, thì bạn có thể thường niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Nếu như bạn không có tín ngưỡng thì làm thế nào? Xem nhiều những sách về giới tà dâm, thường xuyên nhắc nhở chính mình đoạn dứt ngoại duyên. Những sách, đĩa, tạp chí có liên quan đến vấn đề này bạn hãy đem đốt đi, hủy bỏ đi, bạn phải thanh lý hết một lượt.

Khi tôi ở Đại Liên giảng bài, thực sự có rất nhiều cô giáo trở về nhà đều vứt bỏ hết. Tôi nói, các bạn nhất định về nhà phải xử lý hết, trong nhà có những thứ này thì từ trường nhất định không tốt. Nếu bạn không làm, con cái bạn không cẩn thận lén xem những thứ này thì sẽ như thế nào? Con trai, con gái xem đều không tốt. Tôi nói: “Những loại đĩa này bạn phải cắt bỏ hết, sách thì nhất định phải đốt hết, đừng đem đi bán, sợ rằng người khác sẽ xem được”.

Tôi nói còn một điều nữa, tức là bản thân phải bồi dưỡng cho mình một ý chí lành mạnh, học tập luân lý đạo đức văn hóa, học tập “Đệ Tử Quy”, chánh khí trên thân bạn sẽ từng chút lớn mạnh, vậy thì tà khí sẽ không ô nhiễm lên thân bạn được. Bạn khiến tâm của mình vĩnh viễn định trên chánh niệm, định trên chánh đạo, những thứ tà vạy này sẽ không tiêm nhiễm được bạn.

Chúng ta học nữ đức, ví dụ chúng ta học “Nữ Luận Ngữ”, có lẽ chương thứ ba tôi nhớ là “Chương Dậy Sớm”. Vì sao phụ nữ phải dậy sớm? Đạo lý của nó rất sâu, có liên quan đến điều này. Phụ nữ ham ngủ, đứng từ góc độ của Đông Y mà nói, nếu vừa ngủ là ngủ một mạch đến tận khi mặt trời lên ba ngọn sào, thì hư hỏa trong người sẽ bốc lên mạnh mẽ, như vậy thì bạn sẽ dễ sinh khởi tà niệm, sẽ dễ rơi vào trong dục vọng. Cho nên phụ nữ phải chăm chỉ, phải dậy sớm, không được tham ăn. Người tham ăn dục vọng cũng nặng.

Thứ tư, ở nhà không mặc đồ quá tùy tiện.

Ở nhà không mặc đồ quá tùy tiện, tức là sau khi trở về nhà không được ăn mặc luộm thuộm, không để ý tới ngôn hạnh của mình. Trong “Đệ Tử Quy” cũng có nói: “Vào phòng trống, như có người”. Hơn nữa, trong nhà không phải là phòng trống. Bạn có chồng, có con cái, bạn muốn biểu diễn thành hình dáng thế nào thì tương lai con của bạn sẽ bắt chước y như vậy, con trai bạn sẽ lấy về một người vợ như vậy, con gái của bạn cũng bắt chước học theo, tương lai chúng đi lấy chồng cũng sẽ làm một người vợ như thế. Cho nên bạn không thể chỉ nghĩ cho mình, mà phải nghĩ cho con cái của bạn nữa. Đặc biệt trong thời gian mang thai, khi bụng to rồi thì không chú ý đến cái gì nữa, răng cũng không đánh, đầu cũng không gội, mặt cũng không trang điểm, quần áo thì tùy tiện mặc một chiếc áo cộc,… Chúng ta vẫn phải chú ý tới hình ảnh một chút, vì sao vậy? Không phải vì bản thân, mà là vì người khác. Nếu chồng chúng ta đã đạt đến cảnh giới của Thánh Hiền rồi, đối với việc bạn mặc đồ như thế nào hoàn toàn không có chút cảm giác gì, vậy thì bạn có thể mặc tùy ý. Nếu như vẫn chưa đạt đến cảnh giới đó, thì chúng ta vẫn phải tùy thuận một chút.

Trên phương diện này, có thể do tập khí tích lũy nhiều đời, nên con người tôi khá ưa sạch sẽ, thích gọn gàng, ngăn nắp. Khi tôi lên đại học, các bạn học trong ký túc xá của chúng tôi thích nhất là buổi tối tôi ở ký túc xá đọc sách. Bởi vì chỉ cần tôi ở ký túc xá đọc sách thì tôi sẽ dọn dẹp sạch sẽ ký túc xá một lượt, lau nền nhà, dọn dẹp thật sạch sẽ, sau đó thắp một ngọn nến, lấy một ly nước rồi ngồi ở đó bắt đầu đọc sách. Nếu đến thư viện, không có thời gian thì tôi không làm. Ở nhà tôi cũng như vậy. Khi tôi mang thai đứa con út, con trai lớn của tôi nói một câu đã để lại cho tôi ấn tượng rất sâu. Nó nói: “Mẹ à, bây giờ mẹ cũng là công chúa Bạch Tuyết trong lòng con, chỉ là bụng của mẹ hơi to một chút thôi”. Cho nên tôi ấn tượng rất sâu. Tôi nói: “Đúng vậy, khi em ra đời thì bụng của mẹ sẽ trở lại như cũ”. Cho nên phụ nữ phải chú ý, phải sạch sẽ, gọn gàng. Chúng ta có thể không cần ăn mặc lộng lẫy, trang điểm rực rỡ như vậy, nhưng nhất định phải sạch sẽ, gọn gàng, phải làm được điều này.

Trước đây tôi quen một cô gái, cổ áo của cô ấy có thể nhìn thấy rất đen rồi, nhưng tôi tin rằng cô ấy nhất định không phải là cảnh giới của Phật Sống Kim Sơn mà Sư phụ hay nói. Lúc đó tôi dẫn cô ấy vào nhà vệ sinh, tôi cầm cái cổ áo của cô ấy và nói: “Cái cổ áo này bẩn như vậy, ống tay áo bẩn như vậy, chúng ta nên đem nó giặt đi?”. Nguyên văn cô ấy nói là: “Bẩn sao? Tôi cảm thấy vẫn sạch mà”. Tôi nói: “Cô không nhìn thấy nó đen rồi sao? Cái áo sơ mi này màu trắng mà”. Cô ấy nói: “Vẫn trắng mà, chưa xem là đen lắm”. Tôi nói: “Vậy được!”. Tôi cũng tùy thuận: “Vậy cũng được!”, rồi tôi đi ra ngoài. Sau đó có một người bạn nói với tôi: “Giám đốc Trần à, may mà chị không đến nhà cô ấy, nếu chị đến thì chắc chị phải nhắm mắt bước vào, rất lung tung, lộn xộn”. Tôi nói: “Hiện tại tôi thật bội phục chồng cô ấy, vì anh ta có thể kiên cường chung sống với cô ấy như vậy. Điều này thì tôi không làm được”.

Bản thân chúng ta trang điểm cần phải nhẹ nhàng, thanh lịch, như vậy sẽ có một tâm thái tích cực, hướng thượng, khiến cho người bên cạnh cũng như vậy. Rất hướng thượng, rất tích cực, không phải cảm giác chán nản, cảm giác sống rất buồn chán. Nó giúp chúng ta có một tâm thái tốt.

Thứ năm, không tụ tập nô đùa.

Điều này rất quan trọng. Bình thường phụ nữ chúng ta thích nhất ra ngoài tụ tập cùng bạn bè uống trà, uống rượu vang, nói chuyện phiếm, hát karaoke. Trong “Giáo Nữ Di Quy”, tôi thấy có rất nhiều lời giáo huấn dạy phụ nữ thời xưa giảm thiểu hết mức việc ra ngoài và kết giao bạn bè. Vì sao vậy? Nó có đạo lý rất sâu. Bởi vì khi bạn kết giao bạn bè, nếu bạn gặp phải người không tốt, bạn có thể rất dễ bị ảnh hưởng. Vì sao vậy? Vì phụ nữ rất nhẹ dạ cả tin, họ không có chủ kiến để có thể định được như nam giới.

Tôi thuộc loại người nhẹ dạ cả tin, bản thân tôi cũng rất rõ ràng, cho nên tôi rất ít ra ngoài. Người ta nói điều này có đạo lý tôi liền theo họ, người ta nói điều kia cũng có đạo lý tôi liền theo họ, cho nên từ nhỏ tôi được gia đình huấn luyện, đặc biệt là chồng tôi huấn luyện, nên tôi đã thật thà ở nhà. Tôi kết giao bạn bè, chồng tôi nhất định phải xem. Ví dụ, tôi học theo Sư phụ thì anh ấy cũng phải đến gặp Sư phụ. Anh ấy đồng ý thì tôi có thể học. Trước khi kết hôn tôi có quen một – hai bạn nữ, chồng tôi sau khi nhìn qua thì cũng có người anh ấy không đồng ý cho tôi kết giao. Điều này cũng có đạo lý. Bởi vì có một bạn nữ đối với tôi rất tốt, nhưng trong cuộc sống người bạn này không biết kiểm điểm, không biết thận trọng, sau này cô ấy cũng là ly hôn rồi lại kết hôn, cho nên chồng tôi đã bắt tôi phải đoạn giao với cô ấy từ rất sớm. Anh ấy nói: “Người bạn này em không cần thiết phải kết giao. Em học với cô ấy thì cũng sẽ đi vào đường tà thôi”. Tôi nói: “Cô ấy đối với em rất tốt”. Anh ấy nói: “Tốt hay không tốt không quan trọng, mấu chốt là cô ấy ảnh hưởng đến em là điều rất quan trọng”. Cho nên, khi bản thân chưa có năng lực phân biệt thì không nên tùy tiện kết giao bạn bè.

Làm sao để bồi dưỡng năng lực phân biệt của chính mình? Trước tiên học đạo Thánh Hiền. Chúng ta học tỏ tường rồi, gần người hiền, tốt vô hạn, đức tiến dần, lỗi ngày giảm”. Chúng ta hãy tích góp phước báo của chính mình, tranh thủ nhân duyên thân cận người nhân đức, thiện tri thức. Những người không thiện, không nhân đức thì không nên thân cận, vì chúng ta không làm được như Ngài Thiện Tài, cái thấy của Ngài rất rõ ràng. Cho nên, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc thân cận người nhân đức.

Nếu bạn nói, người này rất xấu ác, nên tôi nhất định phải thân cận anh ta, từ bản thân anh ta mà học tập cách làm thế nào để không có những tập khí xấu này. Tôi nghĩ, bạn chưa học tường tận thì bạn đừng tới gần. Cho nên, điều này chính mình phải chú ý.

Tôi chưa từng kiến nghị nhân viên nữ trong công ty chúng tôi ra ngoài ăn cơm với khách hàng. Tôi cảm thấy, trong tương lai các bạn kiếm được bao nhiêu tiền không quan trọng, mà quan trọng là các bạn phải có phẩm chất tốt, có thể tìm được một người chồng tốt tương xứng với các bạn. Trước đây tôi chưa học nữ đức, nhưng tôi đã nói như vậy. Tôi nói: “Nếu ba mẹ các bạn cảm thấy bà chủ này có vấn đề thì các bạn có thể chuyển công ty khác. Bởi vì xã hội hiện nay rất động loạn, nếu tôi đều đưa các bạn ra ngoài, vì tiền mà ra ngoài gặp khách hàng này, gặp khách hàng kia, thì sẽ xảy ra vấn đề, vậy thì tôi không có cách gì ăn nói với ba mẹ các bạn được”. Vì sao vậy? Bởi vì từng xảy ra một sự việc như vậy.

Một nhân viên nữ trong công ty chúng tôi rất xinh đẹp, rất trẻ, mới hơn hai mươi tuổi. Công ty chúng tôi có một khách hàng cũng khá lớn tuổi rồi. Tình cờ một lần ông ấy nói với tôi rằng: “Cô nhân viên này trong công ty của cô đã đến nhà tôi xem bộ sưu tập các loại tiền của tôi”. Cô ấy không nói với tôi. Lúc ông ấy nói như vậy đã khiến tôi rất sợ hãi, trong tâm tôi rất căng thẳng. Tôi nói: “Tại sao tôi không biết việc này vậy?”. Bởi vì khi mẹ cô gái này đưa cô tới công ty chúng tôi, bà đã dặn đi dặn lại rằng: “Tôi giao con gái tôi cho cô, xin cô cố gắng bồi dưỡng nó”. Tôi đã nhận cô gái này vào làm. Tôi nói: “Tại sao tan ca bạn lại chạy đến nhà người ta vậy?”. Cô ấy nói: “Vị khách hàng này rất có tiền, ông ấy sưu tầm rất nhiều tiền”, nên cô gái này rất hiếu kỳ. Bởi vì vừa mới tiếp xúc với ngành này, nên khi người khách này mời thì cô ấy liền đi xem những loại tiền này. Tôi nói: “May mà cô không xảy ra việc gì. Nếu cô xảy ra chuyện thì tôi làm sao mà ăn nói với mẹ cô đây? Sau này những chuyện như vậy bất luận khách hàng nói như thế nào thì cô tuyệt đối không được đi, tan ca thì về nhà. Nếu cô không về nhà, cho dù là ra ngoài ăn cơm với bạn bè thì cũng phải báo trước với ba mẹ cô một tiếng, bởi vì cô còn quá trẻ. Không được nói ông ấy đã có vợ, có con cái rồi. Bạn nói xem, cô ở đó một nam, một nữ, nếu xảy ra việc gì thì phải làm sao?”. Con người tôi có thể khá bảo thủ, thực sự rất bảo thủ, tôi đã nghĩ như vậy. Sau này, bởi vì tôi rất nghiêm túc, nhân viên này hiện tại vẫn làm ở công ty chúng tôi. Sau đó cô ấy bảo đảm với tôi rằng: “Giám đốc Trần à! Sau này sẽ không có chuyện như vậy nữa”. Tôi nói: “Sau này tuyệt đối không được đi. Đây là nguyên tắc cơ bản. Bởi vì trên đức hạnh của bạn có vết nhơ, cho dù là không có việc gì, truyền đi truyền lại rồi truyền ra ngoài thì một người đàn ông tốt họ sẽ không dám đến tìm bạn. Có thể xã hội hiện đại của chúng ta không chú ý, nhưng bản thân chúng ta phải giữ vững nguyên tắc này”.

Có một cô gái đã xảy ra chuyện này rồi. Trước đây, tôi quen biết cô gái này khi cô vừa tròn mười tám tuổi, rất xinh đẹp, dáng cao. Cô ấy học ngành giáo viên mầm non, nhìn rất xinh xắn. Bạn học của cô ấy cũng như vậy, dáng cao, rất xinh đẹp. Bên ngoài còn mời họ đi làm người mẫu thời trang. Có một lần, cô ấy đã khóc và kể với tôi, bởi vì tôi quen biết cô của cô gái đó. Cô ấy nói, lúc cô ấy còn chưa tốt nghiệp, bạn học của cô ấy ở bên ngoài quen biết một số người trong xã hội. Có một lần, người trong xã hội này nói với bạn cô ấy rằng: “Có một bữa tiệc bàn chuyện làm ăn lớn, cần hai cô gái trẻ trung xinh đẹp đi cùng”, nên đã mời họ cùng đi dùng cơm, uống rượu. Người bạn học này đã kéo cô ấy đi. Cô ấy cảm thấy rất vui. Bởi vì người trẻ tuổi hiện nay đều rất muốn xem xã hội như thế nào, xem người có tiền ra làm sao, nên cô ấy đã đi cùng. Sau khi đi, may mà gia giáo trong gia đình cô ấy cũng khá tốt, cô ấy uống rượu chưa hết một ly thì phát hiện không đúng lắm. Bởi vì cảm thấy rất chóng mặt, cô ấy liền nghĩ: “Mình uống ít như vậy không thể chóng mặt được”, cô ấy liền kiên định, kiên quyết về nhà, cản thế nào cũng không cản được. Mọi người và bạn học của cô ấy, cả những người giới thiệu họ đến đều nói là: “Bạn làm như vậy rất thất lễ, mọi người sẽ không vui”. Cô ấy nói: “Không được! Tôi nhất định phải về nhà”. Họ liền gọi xe đưa cô ấy về. Kết quả, sau này khi cô gặp lại người bạn học đó (một thời gian khá dài cô ấy không gặp người bạn này), cô ấy kể buổi tối hôm đó trong rượu có vấn đề, nên cô gái này đã bị mấy người đàn ông kéo đi ngủ. Sau đó cô ấy đã phá thai, thân tâm bị hủy hoại rất lớn. Cô ấy nghĩ lại mà sợ. Sau này, khi kể lại chuyện với tôi cô ấy khóc, tay còn run lên. Cô ấy nói: “Tôi nghĩ lại mà sợ”. Cho nên, điều này chẳng lẽ không phải là “tụ tập nô đùa” hay sao? Không nên tùy tiện đi tham gia những cuộc tụ họp như vậy. Bạn nói xem, khi không biết thì không có việc gì xảy ra. Bạn vừa hiếu kỳ, hoặc hâm mộ, hoặc cảm thấy thích thú, cuối cùng cả đời của mình có thể bị hủy hoại rồi. Cho nên, phụ nữ từ nhỏ phải dạy nữ đức, nếu như còn kịp thì nên bắt đầu dạy từ khi mang thai.

Điểm cuối cùng chính là không ở ngoài cửa nhìn đông, ngó tây.

Cái cửa này quan trọng, chính là cái tâm này. Tâm của chúng ta có cửa tâm, nên phải quản tốt tâm của mình. Đây là điều quan trọng nhất. Nếu bạn ở nhà mà tâm hồn đều ở bên ngoài, ở nhà còn lên mạng, còn xem những thứ tạp chí đó, thì cũng xem như là không quản tốt tâm mình. Cho nên mấu chốt là làm thế nào để có thể giữ tốt tâm. Nếu muốn giữ tâm được tốt, thì phải dựa vào công phu thường ngày tích lũy từng chút một.

Công phu thường ngày là trừ bỏ dục vọng của chính mình. Bạn xem, Ban Chiêu đã nói với chúng ta phương pháp trị thân của nhà Nho. Đại pháp tu thân là: “Cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm”. Tâm bạn chánh thì bạn có thể chuyên. Không phải thoáng chốc bạn có thể đạt đến chuyên tâm. Cho nên, chương “Chuyên Tâm” không phải đặt ở chương thứ nhất, mà phía trước bạn phải “cách vật”. Trước tiên cần phải “cách vật”, phải chiến đấu với các loại dục vọng của chính mình, phải loại bỏ và đối trị cái tâm hướng ngoại phan duyên, cái tâm ái mộ hư vinh, cái tâm ngạo mạn, thu hồi chúng lại. Phụ nữ đặc biệt phải ghi nhớ, không được tùy tiện [tiếp xúc] với người khác giới, đặc biệt khi đã kết hôn. Đã kết hôn hay chưa kết hôn đều như vậy. Khi chưa kết hôn cũng phải đặc biệt chú ý đến ngôn hạnh của bản thân mình, đã kết hôn thì càng phải như vậy.

Tôi cũng xin kể cho mọi người một ví dụ của chính tôi. Lúc đó, tôi cùng khoảng gần hai mươi vị giám đốc đi Mỹ để khảo sát về tiền tệ. Trong đoàn này, tôi là giám đốc trẻ tuổi nhất. Người trong ngành này của chúng tôi tuổi tác đều tương đối lớn một chút. Tiếng Anh của tôi khá kém, nhưng lúc đó cũng được xem là rất tốt. Ví dụ, đến nhà hàng cần trà, cần chút nước nóng, thì họ đều gọi tôi. Tôi nói với phục vụ là chúng tôi cần tea – trà, cần hot water – nước nóng, nói những câu đơn giản nhất. Sau đó thì tìm một hướng dẫn viên du lịch thế này, thế kia.

Khi tôi tham gia hội chợ triển lãm tiền tệ, trong đoàn của chúng tôi có một vị giám đốc rất thích một loại tiền, nhưng lúc đó ông ấy do dự mãi không mua. Sau đó, chúng tôi rời khỏi thành phố này, đến một thành phố khác cũng gần đấy. Bởi vì lúc đó ông muốn mua loại tiền đó, nên ông kéo tôi lại, đơn giản là nhờ tôi giúp ông làm người phiên dịch để mặc cả giá. Sau đó, khi ông đến một thành phố khác, ông rất hối hận vì không mua nên muốn quay lại để mua loại tiền đó. Lúc ấy, ông đã thuê xe rồi và muốn một mình tôi cùng ông quay lại. Khi ông nói với tôi, tôi không nói gì. Kỳ thực tôi vẫn đang do dự, tôi nghĩ: “Có nên giúp người ta chuyện này hay không?”. Bởi vì ông tìm người khác có thể cũng không tiện lắm. Kết quả, có một vị giám đốc trong ngành của chúng tôi tuổi cũng khá lớn nói: “Trong ngành này của chúng ta, cô không hiểu rõ lắm”. Bởi vì tôi thuộc người khá khép kín. Ông nói: “Ông ấy về phượng diện đó không phải như vậy đâu, nên cô phải chú ý”. Ông ấy cũng không nói nhiều, nhưng bản thân tôi nghĩ: “Nên nghe người khuyên sẽ có ích lợi”. Tôi nghe ông ấy khuyên, cho nên khi vị giám đốc muốn đi mua tiền đó đến tìm tôi, tôi nói rất nhẹ nhàng rằng: “Khi đi, chồng tôi dặn dò tôi không cho phép rời xa đoàn, nhất định phải đi cùng đoàn, đi một mình ra ngoài cùng bất cứ người nào cũng không được. Tôi khá là sợ chồng tôi, sợ xảy ra chuyện”. Ông ấy nói: “Cô không cần phải như vậy, sẽ không xảy ra việc gì đâu. Xe cũng đã thuê rồi”. Tôi nói: “Con người tôi khá là ngốc, khá là chấp trước, nên lời chồng tôi vẫn phải nghe. Anh ấy không đồng ý cho tôi rời khỏi đoàn thì cũng không còn cách nào khác, thật ngại quá!”. Sau đó tôi rất kiên định không rời đoàn. Ông ấy cũng rất buồn bực, tự mình quay lại mua.

Nhưng cách khoảng hơn một năm, có một lần một nhân viên cấp cao trong công ty chúng tôi đã nói với tôi: “Giám đốc Trần à! Trong ngành của chúng ta dư luận nói về cô đều rất tốt. Những vị lãnh đạo cấp cao ra ngoài mở cuộc họp riêng, mọi người đều bình luận cô, nói cô mặc dù là giám đốc trẻ tuổi nhất trong ngành chúng ta, ngoại hình cũng khá tốt, nhưng hình như trên phương diện này thì cô đặc biệt kiểu như là….”. Tôi liền nghĩ, có thể để lại ấn tượng cho tôi sâu nhất chính là việc này, không có chuyện nào khác nữa. Nhưng tôi cảm thấy, bản thân chúng ta phải nghiêm túc giữ gìn trên phương diện này, nghĩa là không để người khác nắm được điểm sơ hở.

Khi bạn đối diện với hôn nhân của mình và những chuyện thị phi ở bên ngoài, phải suy nghĩ đến những chuyện thị phi này có ảnh hưởng đến danh tiếng của bạn hay không, ảnh hưởng đến danh dự của gia đình bạn hay không, ảnh hưởng đến tương lai con cái bạn hay không? Chúng ta đều không hy vọng con trai, con gái của chúng ta nghe được đạo đức của mẹ chúng rất suy đồi, không đoan chánh. Đây là việc rất nhục nhã. Có thể người hiện nay không cảm thấy nhục nhã, thế nhưng thực sự nếu giống như vậy thì chẳng khác gì so với cầm thú cả.

Người xưa nói với chúng ta, những việc này trên thực tế có đạo lý gì vậy? Nó đều là ngăn chặn sai lầm từ ban đầu. Những vấn đề lớn trong hôn nhân của chúng ta không phải bỗng nhiên xuất hiện, mà đều là những chuyện nhỏ nhặt tích lũy lại mà ra. Bản thân không giữ tốt tâm của mình, không quản tốt tai của mình, mắt của mình, hành vi của mình, tích tiểu thành đại mà! Cho nên bạn xem, người xưa đối với phụ nữ quy định từng điều, từng chuyện, từng việc nhỏ nhặt nhất. Tôi nghĩ rằng, người xưa họ sợ bạn xảy ra chuyện nên không ngừng phòng ngừa từ những việc nhỏ nhặt nhất, từ đó ngăn ngừa việc bạn phạm phải những vấn đề lớn mà bạn không hay biết.

Vương Tương khi chú thích chương “Chuyên Tâm” đã nói đến một điều: “Người chuyên tâm phải luôn giữ lễ”. “Lễ”, chính là lễ tiết. “Lấy nghĩa để làm chỉ đạo”. “Nghĩa” là đạo nghĩa, cũng tức là nói, một người phụ nữ phải có thể “chuyên tâm”, phải thời khắc đều đặt lễ tiết ở trong tâm.

Nhắc đến “lễ”, chúng ta liền nhớ đến “bốn không” của Tăng Tử: “Phi lễ chớ nhìn, phi lễ chớ nghe, phi lễ chớ nói, phi lễ chớ làm”.

Cái gì gọi là phi lễ? Cái gì trái ngược với “ngũ luân, ngũ thường, tứ duy, bát đức” thì đều là phi lễ. Chúng ta nên “chuyên tâm”, cố gắng nghiên cứu tỉ mỉ, tường tận “ngũ luân, ngũ thường, tứ duy, bát đức”.

Cũng giống như tiết giảng ngày hôm qua, chúng ta đã đem chữ “hiếu” cố gắng nghiên cứu sáng tỏ rồi. Cái gì gọi là hiếu đạo? Bài giảng của cô Lưu chúng ta phải cố gắng suy nghĩ. Cái gì gọi là ái? Đại ái là loại tình yêu như thế nào? Nghĩa là bạn phải đem từng chữ ra nghiên cứu cho thấu đáo. Sư phụ khi giảng Kinh thường nói, bạn suy nghĩ tường tận một chuyện thì bạn làm một chuyện, quan trọng là bạn phải làm được. Làm được thì bạn đạt được, đạt được thì bạn có thọ dụng, có thọ dụng thì bạn hoan hỷ. “Học mà thường thực hành thì còn gì vui hơn”. Tâm hoan hỷ, tâm vui vẻ của bạn sẽ sinh khởi. Nó sẽ hình thành một vòng tuần hoàn tốt đẹp, bạn sẽ muốn tiếp tục đi làm những việc khác do bạn đạt được thọ dụng rồi. Cho nên đối với tôi mà nói, chân thật nếm được cái vị hạnh phúc, vui vẻ trong hôn nhân đích thực là sau khi tôi học văn hóa truyền thống, học nữ đức.

Trước đây, có rất nhiều việc tôi không nghĩ nhiều như vậy. Dù sao thì mọi người cũng đều sống như vậy, thế hệ trước cũng sống như vậy thì mình sống như vậy cũng được; có lúc không vừa ý, không nghĩ ngợi nữa thì nó sẽ qua đi, mơ mơ hồ hồ để thời gian từng ngày tiêu hao mất. Nhưng hiện nay định tâm lại, sau khi học nữ đức thì liền có thể thấy được cuộc sống hôn nhân đã mang đến cho bạn rất nhiều niềm vui, hạnh phúc và tâm cảm ơn. Chân thật là cảm ơn, giống như hiện giờ tôi đang ngồi ở đây chia sẻ với mọi người.

Vì sao hôm qua thầy Chung đặt ra câu hỏi: “Bạn có hiếu thuận với ba mẹ bạn, có chăm sóc ba mẹ bạn hay không?”. Tôi thật sự rất kiên định giơ tay. Nếu một năm trước hỏi câu này, tôi đoán lần thứ hai giơ tay tôi cũng sẽ đắn đo một chút. Sau khi học nữ đức thì tôi có cái duyên phận này, ba mẹ tôi đến cùng chung sống với tôi. Trước đây họ đều sống riêng. Bởi vì tôi luôn thuê người giúp việc, cho nên ba mẹ cảm thấy không tiện khi ở cạnh tôi. Kết quả, sau khi họ ở cạnh tôi, thật sự tôi càng ngày càng cảm thấy ân đức của ba mẹ quá lớn. Hôm qua, ba tôi gọi điện thoại cho tôi nói: “Con ở đó cố gắng học tập, văn hóa truyền thống này rất tốt”. Tôi nói: “Con đang chia sẻ với mọi người mấy tiết học”. Ba tôi liền nói: “Con phải chân thành cảm ơn mọi người đã giúp con có cơ hội tiến bộ thêm một bước trong học tập”. Lần đầu tiên đến nhà tôi, ba mẹ tôi đã nói: “Chỉ cần con học tập văn hóa truyền thống, vì văn hóa truyền thống mà ra ngoài giảng bài cho mọi người, ba mẹ cam tâm tình nguyện ở đây chăm sóc các con. Thật sự ba mẹ không oán hận, không hối tiếc”. Lúc ba tôi nói với tôi câu này, tôi thực sự đã khóc. Vì sao tôi lại khóc? Bởi vì tôi cảm thấy ba mẹ không chỉ ban cho tôi thân mạng, mà còn thành tựu huệ mạng của tôi. Sư phụ đương nhiên cũng thành tựu huệ mạng của tôi, nhưng nếu không có ba mẹ đến thành toàn cho tôi như vậy, thì có lẽ tôi không thể tịnh tâm lại chuyên tâm mà nghe kinh, chuyên tâm mà nghiên cứu Kinh giáo.

Ở nhà, mỗi lần khi tôi ở trên lầu học nữ đức thì ba tôi đều bưng một đĩa dưa hấu đã cắt sẵn nhẹ nhàng đi lên, sau đó dịu dàng nói: “Con ăn miếng dưa hấu đi! Có mệt hay không?”. Thật sự, trong khóe mắt tôi đã ngấn lệ. Tôi nói: “Ba à, ba không cần mang lên đâu!”. Bởi vì từ dưới nhà đi lên phòng tôi phải đi qua mấy tầng lầu, thật là rất vất vả, ba tôi cũng hơn sáu mươi tuổi rồi. Ba liền nói: “Ba không mệt. Con hãy cố gắng học tập. Học tốt rồi thì mọi người đều được thọ dụng”. Tôi thật sự vô cùng cảm ơn ba tôi. Mẹ tôi cũng vậy, mẹ tôi nói: “Con học cái này thì ở nhà con phải làm cho tốt. Ở nhà làm không tốt, con ra ngoài giảng thì sẽ hổ thẹn với lương tâm. Con giảng cái này được thì mọi người cũng có thể giảng được, quan trọng là con phải làm được”. Mẹ tôi nói vậy.

Bởi vì trước đây tính khí của tôi không tốt lắm, hay nổi nóng. Mẹ tôi liền nói: “Việc gì con cũng không nên nổi giận, phải mỉm cười mà đối diện. Con hãy xem nó như một trò chơi đi”. Ví dụ, Nhị Bảo nhà chúng tôi khóc, mẹ tôi cũng chưa từng nổi giận, mà bà cười. Tôi nói: “Mẹ à, tại sao mẹ cười vậy?”. Mẹ tôi nói: “Nó rất thú vị, giống như một món đồ chơi vậy. Nó quấy rầy một chút thì sẽ không quấy nữa, trẻ nhỏ mà. Nó đến thế gian này mới được mấy năm thôi”. Cho nên, chưa bao giờ tôi giống như hiện nay, từ tận đáy lòng cảm ơn ba mẹ tôi. Hơn nữa, họ còn nói: “Ba mẹ nhất định phải giữ gìn thân thể khỏe mạnh. Ba mẹ cũng phải cùng con học tập luân lý đạo đức nữa. Cho nên ba mẹ phải giữ gìn thân thể thật tốt, không để cho thân thể bị bệnh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các con, khiến các con phải hao tổn tâm sức để chăm sóc ba mẹ. Như vậy thì không tốt”.

Cho nên, buổi chiều ba mẹ tôi đều nghe đĩa giảng của Sư phụ, nghe đĩa giảng của thầy Chung, nghe đĩa giảng của cô Lưu Tố Vân. Nghe xong thì họ cũng tự mình phản tỉnh. Ba tôi còn lấy một quyển sổ ghi chép lại từng điều, bởi vì có lúc họ muốn đổi đĩa nghe. Tức là có lúc hôm nay nghe giảng giải “Đệ Tử Quy” của thầy Chung đến đĩa thứ mấy, ngày hôm sau mẹ tôi nói muốn nghe đĩa “Kinh Địa Tạng” của Sư phụ giảng. Ba tôi phải ghi lại, sau đó mới đổi sang đĩa khác. Tôi nói: “Ba nên nghe hết một lượt”. Ba tôi nói: “Không được! Vậy thì hai người sẽ đánh nhau mất!”. Bởi vì hai người đều cùng nghe. Ba tôi nói: “Ba phải thuận theo mẹ con thôi!”. Sau đó, hai người pha một tách trà, ngồi ở đó nghe giảng. Hơn nữa, ba tôi còn nói là: “Ba sẽ cắt giúp con một số ví dụ, sau đó đưa cho con làm tham khảo. Con không đi đâu cả, những thứ ở trong xã hội con đều không hiểu, con chỉ tự giảng thì mọi người sẽ nói con rất khép kín”. Ông xem báo xong thì sẽ cắt lấy một số ví dụ.

Thời gian trước, ông cắt [trên báo ra] một trường hợp nói về Cục trưởng Cục Công thương Trương Gia Giới. Ông đã gần sáu mươi tuổi, sắp nghỉ hưu, đi nước ngoài khảo sát. Ông ấy đi nước ngoài khảo sát còn lén dẫn theo một cô gái trẻ hơn hai mươi tuổi, mọi người đều không biết. Sau khi cùng cô gái này ra nước ngoài khảo sát xong trở về, ông giấu người nhà không trở về nhà, mà ở lại nhà cô gái này (là tình nhân của ông). Kết quả, ở chưa được mấy ngày, có một hôm vào buổi tối ông đã chết ở trong nhà cô gái này. Nửa đêm, cô gái này đã báo án. Đó chính là tà dâm chết ở trên giường.

Sau đó, ba tôi còn đặc biệt cắt đoạn báo đó đưa cho tôi xem. Ông rất trầm lắng. Ba tôi là một đảng viên đảng cộng sản lão thành. “Con xem, thật không ra làm sao! Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hình tượng của Đảng viên. Nếu ông ấy học luân lý đạo đức văn hóa truyền thống, thì ông ấy sẽ không như vậy”. Ba tôi còn nói: “Thật là mê hoặc điên đảo. Vụ án này ba đã cắt ra cho con rồi đấy!”. Tôi nói: “Đây là nói về người nam, con chủ yếu giảng về nữ đức mà!”. Ba tôi nói: “Tiện thể con cứ nói qua một chút”. Ông đã cắt ra đưa cho tôi rất nhiều những vụ án như vậy.

Nhà tôi có một quyển sổ rất lớn, gần đây ông cắt được rất nhiều. Lần này, tôi lấy hai ví dụ đều là do ba cắt ra đưa cho tôi. Ba tôi thực sự rất có tâm yêu thương. Tâm yêu thương đó bản thân tôi thấy vô cùng hổ thẹn. Có một lần, tôi đã sám hối với ba là: “Ba à! So với ba con thật quá kém xa, đối với tất cả ba đều có thể có tâm cung kính như vậy”.

Ví dụ, tôi có một bức ảnh của Sư phụ, tôi luôn đặt ở bên cạnh bàn, bên này của tôi là máy tính. Ba tôi nói: “Vậy không được, phải đem hình của Sư phụ cung kính treo lên”. Ông tự mình tìm một cái đinh để đóng lên. Ông còn tự tìm lấy mấy vị trí, sau đó cảm thấy vị trí đó là tốt nhất, vừa bước lên cầu thang là có thể nhìn thấy. Ông tự mình đóng đinh, sau đó thì treo ảnh lên. Treo xong ba tôi còn xuống đảnh lễ Ngài. Tôi rất hổ thẹn, bởi vì bản thân tôi không nghĩ được nhiều như vậy.

Ví dụ, chúng tôi ăn còn thừa chút rau, ba tôi đều bỏ vào thùng nước để ngâm. Ngâm rồi, sau đó ba tôi tưới cho những cây cỏ hoa nhỏ trong vườn hoa. Sau đó, ba cắt những cành cây nhỏ, nếu nó bị cong vẹo thì ông sẽ lấy dây buộc lại để chúng thẳng ra. Ông rất kỹ lưỡng, rất chu đáo.

Cho nên, từ ba mẹ có rất nhiều thứ để chúng ta học tập. Sở dĩ chúng ta lơ là như vậy bởi vì ngay đến ba mẹ chúng ta cũng không cung kính, không biết làm thế nào để kính, làm thế nào để thuận. Khi ba mẹ mới bắt đầu sống cùng tôi, tôi cũng có phiền não. Bởi vì, trước đây đều là do tôi quyết định, người giúp việc nhất định nghe theo lời tôi. Ba tôi có một thói quen, kỳ thực là do ba muốn tốt cho tôi, đó là ôg rất muốn xới cơm cho tôi, hơn nữa có thể ông cảm thấy thân thể tôi hơi gầy, nên ông luôn xới một bát cơm to đầy cho tôi. Mỗi lần xuống dùng cơm là tôi vô cùng phiền não. Có một lần, tôi không nhẫn được, bởi vì mỗi lần tôi đều phải đi gạt bớt cơm ra, tôi nói: “Ba à, ba không cần xới cơm cho con đâu. Con cũng không ăn được nhiều như vậy”. Vẻ mặt của ba hơi trầm buồn, ông cũng không nói gì. Sau đó, ngày hôm sau thì tôi đã xin lỗi ông. Tôi nói: “Ba à, con xin lỗi! Con biết ba xới cơm cho con là có ý tốt, nhưng từ nhỏ con đã ăn ít”. Bởi vì từ nhỏ tôi không sống cùng ba mẹ, cho nên ba mẹ có thể không hiểu lắm. Tôi nói: “Con ăn không nhiều, ăn rất ít, kỳ thực thân thể con không có chút chướng ngại nào cả, sinh lực của con rất sung mãn. Bởi vì người nhỏ, nên một chút đồ ăn là đủ rồi”. Ba tôi nghe tôi nói xong thì nói: “Ừm, vậy sau này con tự xới đi, ba không xới cho con nữa”. Tôi nói: “Vâng ạ! Ba à, con không làm phiền ba nữa”.

Tấm lòng của ba mẹ thật sự cả đời này bạn không cách gì có thể báo đáp được. Nếu như không thể cùng ba mẹ hợp thành một thể, thì bạn vĩnh viễn không vào được cảnh giới. Thật sự là như vậy. Nghĩa là bạn không thể thể hội được người khác khó khăn như thế nào, khổ như thế nào, không thể biết được làm cách nào để yêu thương người khác. Hơn nửa năm nay, tôi có duyên phận này, ở nhà cùng ba mẹ tu học nữ đức, nên có rất nhiều cảm ngộ.

Bài giảng của thầy Vương Hy Hải mọi người nên nghe nhiều, tiếp nhận lời chỉ giáo nhiều hơn. Tôi nói với mẹ tôi rằng: “So với anh Hy Hải con kém quá xa rồi! Trước đây nếu con nhìn thấy những thứ dơ bẩn thì không tự chủ được mà sẽ nôn mửa ra. Con nghĩ, anh ấy còn lấy phân và nước tiểu của ba mình ra ngửi, còn rất vui vẻ. Mẹ à, không biết việc này con có thể làm được hay không, nhưng con vẫn phải học”. Mẹ tôi luôn an ủi tôi, mẹ tôi nói: “Không cần đâu, ba mẹ nhất định sẽ không như vậy. Ba mẹ sẽ cố gắng chăm sóc tốt bản thân, tránh làm cho con có chỗ khó xử”. Cho nên ở nhà tôi rất thương mẹ tôi, mẹ tôi không dám làm gì, bà làm là tôi sẽ giành làm. Tôi nói: “Con phải làm nhiều”. Bởi vì tôi cảm thấy một đời người phải chịu bao nhiêu khổ cực, phải làm bao nhiêu việc thì đã có số rồi. Khi bạn tuổi còn nhỏ mà đã hưởng phước, hưởng rất nhiều, “áo đến thì duỗi tay ra, cơm đến thì há miệng”, thì tất cả khổ đau sẽ giữ lại khi bạn già yếu. Bạn xem, già rồi thì nằm ở đó không thể làm việc, rất là đau khổ. Cho nên, không bằng nhân khi còn trẻ, tay chân còn nhanh nhẹn, bạn có thể làm nhiều, cống hiến nhiều, đến khi già rồi thì có thể làm ít, thân tâm sẽ tự tại một chút. Cho nên phải hiểu rõ đạo lý này, bạn sẽ rất hoan hỷ. Tranh thủ lúc trẻ làm nhiều hơn một chút, dù sao thì cũng có số mạng, trẻ làm rồi thì già không phải làm nữa. Vậy thì tôi sẽ đem công việc làm hết sớm một chút. Khi tuổi già, tôi có thể không cần chịu khổ như vậy nữa. Điều này là mẹ tôi nói cho tôi nghe, tôi chia sẻ lại.

Bởi vì mẹ tôi nói, khi trẻ bà rất khổ. Mẹ và ba tôi đều làm công trình thủy lợi. Mẹ tôi nói, khi bà mới kết hôn, bà sống ở một nơi như khu tập thể vậy, trong một căn phòng của công trình, bốn bức tường đều bị gió thổi vào, sáng sớm thức dậy nước trong chậu đều đóng thành băng. Làm thế nào để rửa mặt đây? Tức là lấy khăn mặt chà lên mặt băng, sau đó thì lau lên mặt. Cuộc sống khổ như vậy! Hiện giờ, các con có nghĩ cũng không tưởng tượng ra được. Vừa mở tủ ra là một ổ chuột con. Mẹ tôi cũng rất nhát, bà giật nảy mình. Nhưng những ngày tháng đó cũng qua đi. Họ đều đã sống qua những ngày tháng cực khổ rồi, cho nên bây giờ về già có thể hưởng được phước báo. Chúng tôi thì ngược lại. Thời gian chúng tôi sống trong hạnh phúc quá dài rồi, cho nên không cần về già, có thể bốn mươi – năm mươi tuổi, bạn xem, hiện nay rất nhiều người còn trẻ nhưng bệnh tật đã khắp mình rồi, không được an bình, do phước báo của bạn đều dùng hết rồi.

Đối với lễ và nghĩa, chính mình phải không ngừng suy xét. Không phải chỉ có học, mấu chốt là phải đem nó làm được. Làm rõ ràng một việc, hiểu tường tận một việc, thì chúng ta làm một việc; hiểu rõ ràng hai việc thì chúng ta làm hai việc, không cần gấp.

Đoạn cuối cùng nói: “Nhược phu động tịnh khinh thoát, thị thính thiểm thâu, nhập tắc loạn phát hoại hình, xuất tắc yểu điệu tác thái, thuyết sở bất đương đạo, quán sở bất đương thị, thử vị bất năng chuyên tâm chánh sắc hĩ” (Nếu như hành động thay đổi thất thường, tâm chí không định, ở nhà thì đầu bù tóc rối, ra ngoài trang điểm diêm dúa, nói những điều chẳng nên nói, nhìn những thứ chẳng nên nhìn, đây gọi là chẳng chuyên tâm chánh sắc vậy).

“Động tịnh khinh thoát”, ý nói hành động của bạn thay đổi thất thường. “Thị thính thiểm thâu”, ý nói tâm chí của mình không định. “Ở nhà thì đầu bù tóc rối, ra ngoài thì trang điểm diêm dúa, nói thì không hợp đạo lý, nhìn những thứ không nên nhìn, như vậy thì không thể chuyên tâm chánh sắc được”

Ở đoạn cuối, Ban Chiêu đã nhấn mạnh đây là tập khí rất nặng của phụ nữ. Ý chí không kiên định, hành vi luôn thay đổi, có lúc người chồng cũng không thể đoán được. Khi còn trẻ, tôi cũng là như vậy. Chồng tôi nói: “Vừa rồi vẫn còn tốt, sao giờ lại không vui nữa rồi? Rõ ràng vừa rồi em còn rất tốt mà, tại sao đột nhiên lại thay đổi thất thường vậy?”. Đặc tính này của phụ nữ là đặc tính gì vậy? Thích mới chán cũ, tâm không định. Bạn xem, phụ nữ mặc y phục chính là như vậy, không ngừng thay đổi. Túi xách cũng luôn luôn thay đổi, đồ trang sức cũng không ngừng thay đổi. Điều này đã phản ánh tâm thái của bạn. Tâm lý của bạn luôn thích mới, chán cũ, luôn hy vọng thông qua những thứ ở bên ngoài, thông qua một số vật chất để kích thích dục vọng của mình. Vừa kích thích thì bạn liền vui vẻ, khi không có kích thích thì bạn ủ ê không vui. Vì sao vậy? Bởi vì phụ nữ khác đàn ông. Thông thường đàn ông sẽ đặt tâm họ trên sự nghiệp của mình, chuyên ngành của mình. Cho nên bạn xem, những đầu bếp giỏi, những kỹ sư thiết kế đa số đều là người nam, không có phụ nữ. Bởi vì phụ nữ kém ở chỗ này, không thể “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, sức chuyên tâm không đủ. Cho nên bạn thật sự có thể định tâm lại, chuyên chú, thì biểu hiện ra bên ngoài thứ nhất là hành vi của bạn sẽ không thay đổi thất thường.

Ví dụ, chúng ta nghe giảng bài cũng như vậy. Hôm nay nói vị thầy này giảng hay, hôm sau thì nói vị thầy này giảng không hay; hôm nay nữ đức không tệ, hôm sau thì nữ đức cũng không được. Định trên một sự việc thì bạn sẽ thành tựu.

Tôi cũng học “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” của thầy Chung giảng, quyển sách đó tôi đã xem khoảng hơn mười lần rồi, ấn tượng vô cùng sâu. Cho nên, rất nhiều câu chuyện cũng là trích dẫn từ trong đó. Tôi xin kể một câu chuyện. Câu chuyện này tôi cũng đã chia sẻ với rất nhiều người. Chuyện kể về một chàng trai rất muốn cầu đạo, thành tiên. Anh đã đi khắp nơi hỏi người đại pháp để thành tiên. Anh rất chân thành. Có một người nhà giàu, nhìn thấy chàng thanh niên này đơn thuần như vậy liền nói với anh rằng: “Tôi có đại pháp thành tiên, nhưng trước tiên anh phải đến nhà tôi làm công cho tôi ba năm, làm công xong tôi sẽ nói cho anh biết”. Chàng thanh niên rất chân thành đến đó, rất chân thành làm nghĩa công ba năm. Sau ba năm thì anh hỏi: “Đại pháp thành tiên đó là gì?”. Ông chủ này thấy ba năm anh ấy làm việc cũng rất tốt, nên nói: “Anh phải làm thêm ba năm nữa vì tâm anh không đủ chân thành. Làm thêm ba năm nữa tôi sẽ nói cho anh biết”. Chàng thanh niên vô cùng chăm chỉ làm thêm ba năm nữa. Sau khi làm thêm ba năm, chàng trai lại hỏi. Ông chủ này nghĩ: “Ta cũng không có đại pháp thành tiên gì, vậy thì cứ làm hắn chết đi là xong chuyện”, nên liền nói: “Vậy anh đi theo tôi lên trên núi”. Sau khi dẫn anh ấy lên núi, chàng trai còn rất chân thành nói: “Thưa thầy! Đại pháp thành tiên là gì?”. Ông chủ này dẫn anh lên một đỉnh núi cao và dốc, rồi nói: “Anh hãy nhảy xuống, vừa nhảy xuống thì anh liền thành tiên”. Chàng trai đó rất chân thành, anh rất cung kính đối với thầy, nên rất nghiêm túc nhảy xuống dưới. Không ngờ thoáng chốc anh ấy thật sự đã bay lên trời. Ông chủ này nói: “Chẳng lẽ nói bừa mà đúng sao? Đây thật sự là đại pháp thành tiên sao?”. Ông chủ này nói: “Vậy ta cũng nhảy xuống, ta cũng sẽ thành tiên”. Kết quả, ông chủ này nhảy xuống thì ngã chết trên đất.

Rất nhiều lần giảng tôi đều chia sẻ câu chuyện này với mọi người, vì câu chuyện này để lại cho tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc. Điều này nói rõ một đạo lý, khi tâm người đã định rồi, người có tâm cung kính, thì pháp bất thiện cũng sẽ biến thành thiện pháp. Cho nên, căn bản của pháp này không phải ở bên ngoài, mà toàn bộ ở trong tâm cung kính của bạn. Bạn nghe người xấu nói nhưng tâm bạn vô cùng cung kính, thì bạn cũng có thể thành tựu đại pháp. Tôi cảm thấy, câu chuyện này cho tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc, cho nên tôi thường kể với mọi người.

Kỳ thực, cái gì là thiện tri thức? Bạn chỉ cần đối với người này vô cùng cung kính, vô cùng thành kính, cho dù họ là một kẻ tội ác quá nhiều, không thể tha thứ, thì họ cũng là thiện tri thức. Nếu bạn có thể nhất môn thì sẽ ngộ ra. Nếu bạn không có tâm cung kính, tâm bạn do dự không định, “ông ta nói điều này có thể được không? Ông ta nói cái kia tôi phải suy nghĩ xem có đúng hay không? Việc này tôi phải suy nghĩ lại nên làm hay là không làm?”.

Cho nên, bạn nghe cô Lưu Tố Vân giảng bài, bạn học được ở cô Lưu điều gì? Học được sáu chữ: “Lão thật, nghe lời, thật làm”, ngoài ra không còn gì nữa. Chàng trai này cũng là như vậy. Anh ấy có thể thành tiên chính là do lão thật, nghe lời, thật làm. Ông bảo tôi làm việc thì tôi chăm chỉ, nghiêm túc mà làm, tức là trưởng dưỡng cái tâm thành kính của chính mình.

Tâm thành kính là tu từ trong khiêm tốn mà ra. Khiêm tốn không đủ, khiêm nhường không đủ, phải vô cùng khiêm cung, phải đặt mình ở vị trí thấp nhất. Tất cả người khác đều là tốt, tất cả đều là công lao của người khác, bản thân không có chút công lao gì, không có chút công đức gì. Tất cả những người bên cạnh đều đến thành tựu bạn. Không phải nói tôi thế này thế kia, tôi rất được. Chỉ cần có một chút tâm như vậy tồn tại thì tâm cung kính của bạn hoàn toàn bị phá hoại rồi. Giống như một chậu nước trong, một chút ngạo mạn, một chút tự đại của bạn giống như một giọt mực vậy, sau khi nhỏ vào chậu nước trong, bạn còn có thể phân biệt được phần nào là nước trong, phần nào là nước dơ hay không? Nó hoàn toàn bị dơ đục rồi. Cho nên, phải giữ gìn chậu nước tinh khiết đó của mình, tức là không để bản thân khởi lên ngạo mạn.

Đặc biệt là phụ nữ, bạn xem khiêm tốn là môn thứ nhất phải học. Khiêm tốn không phải là trên sự bạn vâng vâng, dạ dạ, mà chân thật từ tận đáy lòng tự biết rằng bản thân mình chẳng có gì đáng tán thán cả. Bạn cái gì cũng sai, người tốt hơn bạn quá nhiều. Nếu bạn có thể nhìn thấy điểm không tốt của người khác, thì 200% là trong tâm bạn có căn bệnh này, bạn phải nhờ vị thầy này tới trước mặt bạn thị hiện. Bạn xem, bạn có tâm đố kỵ, nhờ vị thầy này đến bên bạn thị hiện. Bạn xem, bạn khá là lười nhác, nhờ vị thầy này đến bên bạn thị hiện. Bạn còn khá tham ăn,v.v… Hễ bạn có thể nhìn thấy những hiện tượng này của mọi người, thì bạn nhất định là có căn bệnh này, bạn còn phải làm phiền những vị thầy này đến cạnh bạn nhắc nhở bạn từng việc một, hết lần này đến lần khác nhưng bản thân bạn còn rất phiền não: “Tại vì sao mình toàn gặp phải những người như vậy?”.

Tôi có một người bạn cũng như vậy. “Tôi ghét nhất là những người nói dối. Tại sao bên cạnh tôi đều là người nói dối. Tôi nhìn qua là có thể vạch trần anh ta là người như thế nào”. Anh ấy tự tán thán bản thân anh ấy với tôi rằng, con mắt của anh ấy rất lợi hại. Bởi vì anh ấy cũng học “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, tôi liền mở sách ra nói: “Chúng ta xem cái gì gọi là khen mình, chê người. Đây là một tội rất nghiêm trọng”. Bạn luôn nhìn thấy là do bạn chiêu cảm đến. Nếu bạn không cảm họ, không chiêu họ đến, thì làm sao họ luôn đến vậy? Những điểm tốt trên người họ tại sao bạn không nhìn thấy? Họ không thể chỉ như vậy? Sao họ chỉ biết nói dối được, họ còn có những điểm tốt khác, tại sao bạn không nhìn ra? Sau đó người bạn này nói với tôi: “Kỳ thực, người này cũng rất tốt! Anh ta như thế này, thế nọ”. Tôi nói: “Đúng vậy, bạn hãy chuyển ý niệm một chút! Con người không ai hoàn hảo cả. Chúng ta không nhìn điểm không tốt của họ, mà chỉ nhìn điểm tốt của họ. Nếu như họ thật sự có điểm không tốt, thực sự trong tâm chúng ta có cảm giác, thì chúng ta phải phản tỉnh chính mình có thì sửa, không thì khích lệ. Cần phải như vậy”.

Chúng ta đang giảng, nhưng ở chỗ này chúng ta hãy đọc lại một lần:“Ở nhà không mặc đồ quá tùy tiện, ra ngoài không trang điểm diêm dúa”. Có thể thấy, hai câu nói này là dùng tóc rối, hình dáng không tốt: “Ở nhà thì đầu bù tóc rối”. Đầu tóc cũng rối bù, thì thân tướng của chúng ta cũng không thể nào đẹp được.

“Xuất tắc yểu điệu tác thái”. Yểu điệu này không phải là yểu điệu thục nữ mà thầy Chung giảng, yểu điệu này ý nói động tác của chúng ta rất lẳng lơ, nói năng thì nũng nịu.

Phụ nữ nói chuyện dịu dàng và nũng nịu là hai khái niệm khác nhau. Dịu dàng là ngữ khí phải hòa nhã, tâm thái phải ôn hòa, không phải những lời bạn nói ra nghe rất giả dối.

Chồng tôi từng nói: “Cô ta nói chuyện anh cảm thấy toàn thân đều bị dính lại”. Bởi vì, có những phụ nữ nói chuyện vô cùng ngọt ngào, như thể khiến người đàn ông này tan chảy ra vậy. Nếu không thể tan ra, thì cũng bị dính lại. Cho nên chúng ta phải chú ý, một cái là nói chuyện, một cái là thân tướng của chúng ta. Nữ và nam đều như nhau, bạn phải có sự uy nghi, phải để người khác cảm thấy tôn trọng. Bạn không có uy nghi, thì bạn sẽ chiêu cảm về một số thứ không tốt, là tự bản thân bạn chiêu cảm về. Cho nên, điểm này có thể đặc biệt nhắc đi nhắc lại đối với phụ nữ. Điểm này chúng ta cũng phải thể hội nhiều lần.

Bản thân tôi cảm thấy, đó là cái gốc của tà dâm. Phụ nữ nếu như không có cái gốc này, thì sẽ không chiêu cảm những người nam có tâm dâm ở bên ngoài đến. Bạn nói xem, mỗi người phụ nữ đều đoan trang, rất giữ lễ tiết, rất đoan chánh, tôi không tin người nam sẽ xấu như vậy, loạn như vậy. Cho nên, từ những cô gái trẻ tuổi như chúng ta, cho đến những bé gái rất nhỏ; bởi vì tôi nhìn thấy có rất nhiều bé gái được ba mẹ trang điểm rất là yểu điệu, rất làm dáng, mang một đôi giày cao gót nhỏ, mặc váy ngắn, còn uốn tóc nữa. Đó là những bé gái rất nhỏ. Tôi không có con gái, nhưng tôi thấy bé gái này (mới tám tuổi), tôi nghe cái giọng điệu gọi điện thoại của bé, tôi hỏi bé rằng: “Con học ai vậy?”. Bé nói: “Mẹ con nói như vậy. Nói chuyện với các chú thì phải nói với giọng như vậy”. Tôi cũng không nói gì. Bởi vì, cả đời của đứa bé thì người mẹ là người thầy đầu tiên và cũng là người thầy quan trọng nhất. Nếu người mẹ không làm tốt vai trò một người thầy, ra bên ngoài có được dạy dỗ nhiều hơn nữa thì cũng rất khó để đưa đứa bé này về đường chánh đạo, trừ phi đứa bé đó có thiện căn rất sâu dày.

Cuối cùng chính là không nói những lời không hợp đạo lý, không nhìn những thứ không nên nhìn.

Ý nói, ngôn ngữ phải có lễ nghĩa, nhìn cũng phải có lễ nghĩa. Một cái nói về lời nói, một cái nói về mắt nhìn. Cho nên, ánh mắt của phụ nữ không được liếc nhìn khắp nơi, vì sẽ dễ gây ra một số phiền phức.

Về việc nói chuyện, sáng nay chúng ta nghe cô Hà Mỹ Huệ giảng về việc nói chuyện. “Miệng là cửa của họa và phước”.  Đối với phụ nữ mà nói, đặc biệt là như vậy, không chú ý một chút thì có thể lời bạn nói ra sẽ mang tới họa sát thân. Những lời nói của bạn không đơn thuần là ảnh hưởng người nhà, mà thậm chí sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh cả một gia tộc. Thật sự là như vậy.

Bởi vì năm ngoái, tôi nhận được lời giáo huấn của chú ba chồng tôi. Gia đình chồng tôi là một đại gia tộc, ba chồng tôi là anh trưởng của gia tộc này. Tôi đương nhiên lại là con dâu của anh trưởng gia tộc này. Chú đã viết cho tôi một bức thư rất chính thức. Bởi vì, chú ba tôi cũng là một người đàn ông rất truyền thống. Năm nay chú hơn sáu mươi tuổi rồi. Chú viết riêng cho tôi. Mặc dù mở đầu là viết tên chồng tôi và tôi, nhưng trọng điểm là viết cho tôi. Chú nói: “Ngôn hạnh của con, lời nói của con, việc con làm nhất định phải có thể trở thành một tấm gương cho những đứa trẻ trong gia đình của chúng ta. Gia tộc họ Trương có hậu thế hay không đều nhờ vào con. Kiếm được bao nhiêu tiền không quan trọng, con có kiếm được nhiều tiền hơn nữa mà con cái con sinh ra là một kẻ ăn chơi đàn đúm, thì gia đình này cũng xong rồi. Tịnh Du! Nhiệm vụ quan trọng nhất của con chính là phải nuôi dưỡng tốt con cái, những thứ còn lại con đều có thể buông xuống”.

Bức thư này gởi khoảng hai năm trước, lúc đó tôi còn khá là chấp trước vào sự nghiệp. Tôi nói, tôi làm cái gì cũng đều tương đối chuyên tâm. Năm 2008, công ty của tôi được đứng đầu trên cả nước, cho nên cũng rất được quan tâm. Sau khi được đứng đầu thì tôi gặp được văn hóa truyền thống. Tôi nghĩ, dù sao cũng đã được đứng đầu rồi, tôi nên buông xuống thôi. Hiện tại, tôi toàn tâm toàn ý đặt việc giúp chồng, dạy con và việc tu hành nữ đức của chính mình lên trên hết. Cho nên, lúc đó nhìn thấy bức thư này tôi đã khóc, bởi vì tôi rất hổ thẹn. Đó là lời chân thành khẩn thiết của một trưởng bối nói với bạn sự kỳ vọng của ông đối với toàn bộ gia tộc này. Bởi vì ông là chú của chồng tôi, hơn nữa còn tặng tôi rất nhiều quà và trà. Chú nói: “Tịnh Du à! Những thứ này chú tặng cho con, con nhất định phải nhận lấy. Con nhất định phải làm một người vợ hiền, một người mẹ tốt. Con cái vô cùng quan trọng. Cái gốc quan trọng nhất của con cái chính là ở người mẹ”. Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh đầu tiên của tôi. Đương nhiên, cho đến năm nay gặp được nữ đức thì tôi đã mở rộng hết lòng mình, xác định rõ vị trí của mình. Sau đó tự mình dốc sức làm, hy vọng có thể đem nữ đức hoằng dương trên cả nước, thậm chí là toàn thế giới.

Bản thân tôi làm cũng không tốt lắm, trong quá trình giảng nhất định có nhiều chỗ không thỏa đáng, kính xin các vị đại đức, thầy cô giáo có thể từ bi chỉ giáo. Xin cảm ơn mọi người!

[1] Bắt đầu tập 5


CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP NỮ ĐỨC – cô giáo Trần Tịnh Du


Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!