BAN TIỆP DƯ (Biện Thông)
Ban Tiệp Dư là con gái của Tả Tào Việt Kỵ Ban Huống, là Tiệp Dư của Hán Hiếu Thành Hoàng Đế. Bà là người hiền tài, khéo ăn nói. Mới đầu vào cung bà chỉ là Thiếu Sử, sau được sủng hạnh phong lên làm Tiệp Dư. Một lần đi ra ngoài, Hán Thành Đế định cho làm một chiếc xe rộng lớn để Ban Tiệp Dư có thể ngồi chung. Biết chuyện ấy, Ban Tiệp Dư lễ phép tâu: “Tâu Bệ Hạ! Xem những hình vẽ người xưa để lại thì các bậc Thánh Vương khi xuất ngoại, chỉ có những bậc đại thần là được phép ngồi cạnh Hoàng Đế mà thôi. Ba đời mạt chúa Hạ Kiệt, Thương Trụ, Chu U Vương mới có Phi tử được sủng hạnh ngồi cạnh, cuối cùng thì rơi vào cảnh mất nước nhà tan. Nếu thiếp ngồi chung xe với Bệ Hạ thì chẳng phải giống họ sao, có thể không làm cho người ta kinh hãi sao?”. Lời tâu của Ban Tiệp Dư rất có đạo lý, nên Hán Thành Đế phải hủy bỏ ý định ấy.
Thái Hậu nghe chuyện, rất lấy làm tâm đắc, cất lời khen: “Thật là hiếm có! Xưa có Phàn Cơ, nay có Ban Tiệp Dư!”. Ban Tiệp Dư rất thích đọc Kinh Thi và các sách cổ học khác như Đức gia, Yểu điệu hay Nữ sư, và thường đọc đi đọc lại nhiều lần.
Tuy tài đức như thế nhưng Ban Tiệp Dư không được sự sủng ái lâu bền của Hán Thành Đế. Từ năm Hồng Gia đã ít vào hậu cung, do vậy Ban Tiệp Dư tiến cử Thị giả tên là Lý Bình lên. Bình được phong Tiệp Dư, còn được cho đổi thành họ Vệ theo cố sự của Vệ Tử Phu. Sau khi hai chị em Triệu Phi Yến nhập cung, dùng trăm phương nghìn kế tranh giành sự sủng ái của Hán Thành Đế. Ban Tiệp Dư là người an phận thủ thường, không tranh với đời thì chị em họ Triệu thị dùng nhan sắc và thủ đoạn để quyến rũ Thành Đế.
Năm Hồng Gia thứ 3, chị của Hứa Hoàng Hậu là Hứa Yết bị Vương Thái Hậu định tội buông lời nguyền rủa trong cung. Nhân sự tình đó, hai chị em Triệu Phi Yến tố cáo Hứa Hậu và Ban Tiệp Dư đồng lõa rước Vu thuật lập đàn tràng để trù ếm. Hán Thành Đế tức giận, phế truất Hứa Hoàng Hậu và gọi Ban Tiệp Dư đến tra vấn.
Khi trình diện Hoàng Đế, Tiệp Dư Ban thị không lộ chút sợ sệt, tâu: “Thần thiếp nghe rằng tử sinh có mệnh, giàu nghèo do trời. Người làm lành còn chưa biết có được hưởng phước không, huống nữa là chuyện sai quấy ấy? Nếu quỷ thần có sự hiểu biết, chắc chắn quỷ thần sẽ không bao giờ nghe những lời xin xỏ hại người. Nếu quỷ thần chẳng có sự hiểu biết, những lời trù ếm phỏng có ích gì? Chuyện Bệ Hạ hỏi, thần thiếp chẳng những không dám làm, mà còn chưa bao giờ nghĩ đến nữa!”. Trước thái độ ung dung và thanh thản của nàng, Hán Thành Đế tin tưởng và khâm phục, không những không bắt tội mà còn ban thưởng trăm cân vàng.
Nhưng Ban Tiệp Dư tự thấy phải mau rời xa nơi này mới yên thân, liền xin cho đến Trường Tín cung của Thái Hậu để hầu hạ và được Hán Thành Đế phê chuẩn. Ban Tiệp dư lui về ở Đông cung, làm ra bài tự điệu phú rằng: “Thừa tổ khảo chi đức hề, hà tính mệnh chi thục linh. Đăng bạc khu ư cung quyết hề, thống hạ trần ư hậu đình. Mông thánh hoàng chi ốc huệ hề, đương nhật nguyệt chi thịnh minh. Dương quang liệt chi hấp hách hề, phụng long sủng ư tăng thành. Ký quá hạnh ư phi vị hề, thiết thứ kỷ hô gia thời. Mỗi ngụ mị nhi lụy tức hề, thân bội ly dĩ tự tư. Trần nữ đồ nhi kính giám hề, cố nữ sử nhi vấn thi. Bi thần phụ chi tác giới hề, ai bao, diễm chi vi vưu. Mỹ Hoàng, Anh chi nữ Thuấn hề, vinh nhiệm, Tự chi mẫu Chu. Tuy ngu lậu kỳ mị cập hề, cảm xá tâm nhi vong tư? Lịch niên tuế nhi điệu cụ hề, mẫn phồn hoa chi bất tư. Thống dương lộc dữ giá quán hề, y tùng bách chi dư hưu”. Trùng viết: “Tiềm huyền cung hề u dĩ thanh, ứng môn bế hề cấm thát côi. Hoa điện trần hề ngọc giai đài, trung đình thê hề lục thảo sinh. Quảng ốc ấm hề xiêm duy yểm, phòng long hư hề phong linh linh. Cảm duy thường hề phát hồng la, phân tụy sế hề hoàn tố thanh. Thần diệu diệu hề mật tĩnh xứ, quân bất ngự hề thùy vi vinh? Phủ thị hề đan trì, tư quân hề lý kỳ. Ngưỡng thị hề vân ốc, song thế hạ hề hoành lưu. Cố tả hữu hề hòa nhan, chước vũ thương hề tiêu ưu. Duy nhân sinh hề nhất thế, hốt nhất quá hề nhược phù. Dĩ độc hưởng hề cao minh, xứ sinh dân hề cực hưu. Miễn ngu tinh hề cực lạc, dữ phúc lộc hề vô kỳ. Lục y bạch hoa, tự cổ hề hữu chi”. (Ta thừa kế mỹ đức của tổ tiên và cha chú! Trước sau giữ gìn phẩm đức cao thượng. Tấm thân hèn mọn này may mắn được tuyển vào cung, bổ sung hàng ngũ Phi tần ở hậu cung. Nhờ ơn hậu của Thánh Hoàng, được tắm trong ánh sáng rực rỡ của nhật nguyệt. Hiển lộ sự vinh hiển của tổ tiên và gia tộc giòng họ Ban, ở Tăng thành được Hoàng Thượng sủng ái, được sự đãi ngộ hơn mong đợi của mình, đây là thời gian vui vẻ nhất của đời ta. Ta trong giấc ngủ thường than thở không thôi, tay cầm chiếc khăn âm thầm trầm tư, hướng về những bức tranh mỹ nữ được treo trong cung, cầm gương soi bên này rồi soi bên kia, thường xuyên quay đầu lại hỏi người nữ thị tì bên cạnh những vấn đề. Đáng tiếc cho giới luật phu nhân không thể can dự triều chính. Đáng buồn cho những lỗi lầm của Bao Tự, Diêm thê đã phạm phải. Ta ca ngợi mỹ đức của vợ Vua Thuấn là Nga Hoàng, Nữ Anh. Noi theo tấm gương của mẹ Chu Văn Vương là Thái Nhậm và Chu Vũ Vương là Thái Tự. Tuy nói ta ngu muội thô thiển theo không kịp sự đẹp đẽ hiền thục của họ, nhưng sao lại dám bỏ đi lòng trung thành mà quên đi ân điển sủng ái của Thánh Hoàng. Nhiều năm nay ta thường lo sợ bất an, lo cho tuổi xanh không thể tiếp diễn, thương cho cơ ngộ dương lộc trong cung Phi tần, từ lúc tuổi trẻ đã gặp phải tai họa của sự đố kỵ, chẳng nhẽ là ta đã gây ra tai họa không thể tha thứ? Trong mệnh đã định nguyện ước xưa của ta không thể cưỡng cầu. Ánh nắng đột nhiên chiếu đi nơi khác, thế là hoàng hôn đã xuống, trước mắt một màn u tối. Ta vẫn được ân trạch che chở, trong lòng đầy ắp phúc lộc. Thực sự không muốn vì có tội và lỗi lầm mà để mất đi phúc đức. Cam nguyện ở Đông cung hầu hạ bên cạnh Thái Hậu, tự xin xếp hàng cuối cùng của cung nữ trong Trường Tín cung. Cùng với cung nữ ngày ngày dọn dẹp phòng ngủ của Thiên Tử, đến ngày cuối cùng của cuộc đời đến lúc chết. Chỉ mong đem hài cốt của ta mai táng dưới chân núi, để mộ của ta dựa vào dưới tùng bách. Lãnh cung ẩn cư u tối lại lạnh lẽo, cửa lớn không bao giờ mở cửa phụ cũng đóng kín. Cung điện hoa lệ với bậc thềm xây bằng gạch ngọc cũng đã phủ đầy bụi. Tòa nhà chính hoang vu cỏ xanh mọc đầy. Sảnh lớn rộng lớn sao lạnh lẽo quá, phòng ngủ càng thêm âm u. Cửa sổ mục nát gió lạnh thổi vù vù không ngừng, bùi ngùi nhớ lại áo lụa và màn trướng của Thiên Tử còn lấp lánh. Khi vải lụa trắng tung bay, phảng phất vọng lại tiếng ma sát của quần áo. Ánh mắt đờ đẫn nhìn chằm chằm vào mật thất, Hoàng Thượng không đến nữa rồi! Vậy còn vì ai mà bày biện ở đây? Cúi nhìn bậc thềm đỏ trước điện, nhớ đến dấu chân của Hoàng Thượng lưu lại. Ngước nhìn cung điện lạnh lẽo, không kìm lòng hai hàng lệ tuôn rơi. Ngó sang hai bên từng khuôn mặt hòa nhã, cũng đành nâng chén rượu tinh xảo dùng rượu giải sầu. Một kiếp nhân sinh ơi! Giống như mây trời vội vàng bay qua. Mình ta đã được hưởng sự cao quý rực rỡ của nhân gian, sống ở nơi tốt nhất trong mắt của người dân thường. Ta tự động viên là phải biết vừa lòng với số phận, tận tình vui vẻ với vinh hoa phú quý không nơi tận cùng. Bài thơ “Lục Y” và “Bạch Hoa” trong Kinh Thi là sự gợi mở từ xưa của quý phu nhân bị thất sủng”.
Khi Hán Thành Đế băng hà, Ban Tiệp Dư tình nguyện đến lăng tẩm của Hán Thành Đế là Đình Lăng. Bà sống cuộc sống giản đơn đầy đạo hạnh cao khiết như một đạo nhân, bỏ mặc ngoài tai mọi chuyện tranh giành quyền lực, xem thường phú quý công danh, thệ nguyện suốt đời lo việc hương khói cho Thành Đế. Sau khi Ban Tiệp Dư mất thì được chôn cất trong khuôn viên Đình lăng của Hán Thành Đế.
Bậc quân tử nóiLời lẽ Ban Tiệp Dư từ chối ngồi cùng xe vượt qua cái chí của Tuyên hậu, tiến cử Lý Bình lên bằng cấp với mình là cái đức của Phàm Cơ, giải thích khi bị vu khống là cái trí của Định Khương, xin được đến Trường Tín cung để hầu hạ Thái Hậu là cái hạnh của Quả Lý. Làm ra bài phú, bi ai nhưng không bi thương, bằng lòng với số phận mà không oán thán.
Kinh Thi có câu: “Hữu phỉ quân tử. Như thiết như tha. Như trác như ma. Sắt hề! Hạn hề! Hách hề! Hoán hề! Hữu phỉ quân tử, Chung bất khả huyến hề!” (Có người quân tử tài ba, như lo cắt dũa để mà lập thân. Dồi mài dốc chí siêng cần. Xem người thận trọng thêm phần nghiêm trang. Hiển vinh danh tiếng rỡ ràng, có vua văn nhã hiên ngang đây rồi. Rốt cùng dân chẳng quên người) là để nói Ban Tiệp Dư vậy.
CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 8 – TỤC LIỆT NỮ TRUYỆN
LIỆT NỮ TRUYỆN
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (1933 downloads )
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (1595 downloads )