TỀ CÔ TRỤC NỮ
Cô Trục nữ là cô gái ở đất Tức Mặc nước Tề, là vợ của Tể tướng nước Tề. Cô Trục nữ mồ côi không cha mẹ, dung mạo rất xấu, ba lần bị đuổi khỏi làng, năm lần bị đuổi ra khỏi xóm ngõ, quá tuổi mà không có ai lấy nên không có chốn dung thân. Vợ Tể tướng nước Tề qua đời, Cô Trục nữ bèn đến trước cổng cung điện của Tương Vương xin yết kiến, nói với người canh cổng rằng: “Thiếp ba lần bị đuổi khỏi làng, năm lần bị đuổi khỏi xóm ngõ, cô đơn không cha mẹ, nay bị vứt bỏ nơi hoang dã, không chốn dung thân, mong được ở trước mặt Đại Vương nói lời ngu muội nhưng từ tận đáy lòng của thiếp”. Người tùy tùng báo lại với Tề Vương. Tề Vương lập tức buông đồ ăn xuống, phun cơm trong miệng ra, vội vàng đứng dậy. Người xung quanh nói: “Người mà ba lần bị đuổi khỏi làng xem ra là bởi vì bất trung. Năm lần bị đuổi khỏi xóm ngõ xem ra là không hiểu lễ nghĩa. Người bất trung, ít lễ nghĩa thì Đại Vương sao phải vội gặp nàng ta làm gì?”. Tề Vương nói: “Các khanh không biết đó chứ, bò rống mà ngựa không đáp lại, không phải là không nghe thấy tiếng của con bò, mà nguyên nhân bởi vì không phải là đồng loại. Người này nhất định có chỗ khác người”, thế là tiếp kiến nàng, cùng nàng đàm đạo trọn ba ngày.
Ngày thứ nhất, Cô Trục nữ nói: “Đại Vương biết trụ cột của quốc gia không?”. Đại Vương nói: “Không biết!”. Cô Trục nữ nói: “Trụ cột là Tể tướng của đất nước. Trụ cột không thẳng thì xà nhà sẽ không an toàn. Xà nhà không an toàn thì mái hiên sẽ rơi xuống, ngôi nhà này sẽ bị đổ. Đại Vương giống xà nhà, nhân dân giống mái hiên, đất nước giống ngôi nhà. Ngôi nhà có kiên cố hay không là do trụ cột. Đất nước yên ổn hay không đều do Tể tướng. Nay Đại Vương đã biết điều này thì Tể tướng của đất nước không thể không xem xét kỹ lưỡng”. Tề Vương nói: “Hay!”.
Ngày thứ hai, Tề Vương nói: “Nàng cảm thấy Tể tướng của ta thế nào?”. Cô Trục nữ đáp: “Tể tướng của Đại Vương nên giống như cái thờn bơn, bên ngoài cũng có đôi, trong nhà cũng có đôi, sau đó mới có thể thành đại nghiệp”. Tề Vương nói: “Vậy là ý gì?”. Cô Trục nữ đáp: “Để cho tùy tùng của Tể tướng đều trở thành người hiểu biết, để cho vợ của Tể tướng trở thành người hiền đức”.
Ngày thứ ba, Tề Vương nói: “Tể tướng của Quả Nhân có thể thay không?”. Cô Trục nữ đáp: “Tể tướng hiện nay chẳng qua là một người có tài năng bậc trung, nhưng muốn tìm được người như này cũng không phải là dễ mà tìm được. Đương nhiên, nếu có người giỏi hơn tại sao không thể thay thế chứ? Nhưng vấn đề là hiện nay không có. Thiếp nghe nói Vua anh minh dùng người, tiến cử một người thì dùng cho tốt. Cho nên nước Sở dùng Ngu Khâu Tử thì lại được thêm Tôn Thúc Ngao. Nước Yến dùng Quách Ngỗi mà được thêm Nhạc Nghị. Nếu quả thật Đại Vương có thể khích lệ Tể tướng thì người này có thể dùng được”. Tề vương nói: “Quả Nhân phải dùng Tể tướng như thế nào?”. Cô Trục nữ đáp: “Ngày xưa Tề Hoàn Công tôn trọng người hiền tài nên những kẻ sĩ có đạo đều đến quy phục. Việt Vương kính trọng người chỉ có sức của chấu chấu nhưng vẫn muốn đá xe, nên dũng sĩ trong thiên hạ vì Việt Vương mà liều mình. Diệp Công thích rồng và rồng thực sự xuất hiện. Những việc này có thể làm chứng, vốn không phải do dự”. Tề Vương nói: “Hay!”, thế là tôn trọng Tể tướng, cung kính đối đãi với Tể tướng và gả Cô Trục nữ cho Tể tướng. Mấy ngày sau, có rất nhiều kẻ sĩ bốn phương về quy phục nước Tề. Do đó nước Tề được yên ổn.
Kinh Thi có câu: “Ký kiến quân tử, tịnh tọa cổ sắt” (Đến khi gặp được Vua rồi, Du dương đàn sắt đều ngồi gẩy chung) là có ý này.
Có thơ khen rằng: Tề trục cô nữ, tạo Tương Vương môn, nữ tuy ngũ trục, vương do kiến yên, đàm quốc chi chính, diệc thậm hữu văn, dữ ngữ tam nhật, toại phối tướng quân.
(Tạm dịch: Cô gái cô đơn bị đuổi đi của nước Tề, xin yết kiến Tề Tương Vương, Cô gái tuy bị đuổi đi năm lần nhưng Tề Vương vẫn tiếp kiến nàng, đàm đạo quốc gia đại sự, thấy vô cùng có lý, bèn đàm đạo với nàng ba ngày liền, sau gả nàng cho Tể tướng).
CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 6 – BIỆN THÔNG TRUYỆN
LIỆT NỮ TRUYỆN
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (1959 downloads )
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (1629 downloads )