CÁI TƯỚNG CHI THÊ
Cái Tướng chi thê là vợ của Khâu Tử, phó tướng của nước Cái. Người Nhung thảo phạt nước Cái, giết Vua nước Cái, ra lệnh cho quần thần nước Cái rằng: “Người nào dám tự sát thì vợ con sẽ bị giết sạch”. Khâu Tử tự sát, có người cứu sống nên không chết. Sau khi về nhà, vợ của Khâu Tử nói: “Thiếp nghe nói tướng lĩnh có khí tiết dũng cảm không cầu được sống, cho nên binh sĩ mới tận hết sức mà không sợ chết, do đó chiến đấu có thể chiến thắng, công đánh mà có thể chiếm được, đất nước mới có thể sinh tồn, Vua mới được yên ổn. Chiến đấu không dũng cảm là bất hiếu, Vua chết mà mình không chết là bất trung. Hiện nay đánh thua trận, Vua chết mà sao chàng vẫn còn sống? Chàng quên trung hiếu rồi sao lại nhẫn tâm trở về?”. Khâu Tử đáp: “Nước Cái yếu mà kẻ địch là nước Nhung lớn mạnh, ta đã tận hết toàn lực, Vua không may mà chết, ta vốn đã tự sát, nhưng có người cứu mới không chết”. Người vợ hỏi: “Lúc đó là có người cứu chàng. Bây giờ thì sao?”. Khâu Tử nói: “Không phải là ta yêu quý bản thân, người Nhung có lệnh rằng người nào mà tự sát nhất định sẽ giết hết vợ con của họ, cho nên ta mới không tự sát nữa. Hơn nữa, hiện nay chết thì có ích gì cho Vua của chúng ta?”. Người vợ nói: “Thiếp nghe nói Vua lo lắng là sự sỉ nhục của bề tôi. Vua bị nhục thì bề tôi sẽ lấy cái chết để chống chọi. Hiện nay, Vua đã chết, chàng lại không chết, có thể nói là nghĩa ư? Rất nhiều binh sĩ bị giết, không thể cứu đất nước, bản thân lại sống, có thể nói là nhân ư? Lo lắng cho vợ con mà quên đi nhân nghĩa, phản bội Vua của mình mà thân cận với kẻ cướp, có thể nói là trung ư! Người không có đạo nghĩa của bày tôi trung thành, không có hành vi nhân nghĩa thì có thể nói là hiền tài sao! Trong Chu Thư có nói: Vua trước thần dân sau, cha mẹ trước anh em sau, anh em trước bạn bè sau, bạn bè trước vợ sau. Vợ là tình riêng tư, phụng sự cho Vua là nghĩa chung. Hiện nay chàng vì nguyên nhân vợ con mà vứt bỏ khí thiết của kẻ làm bề tôi, không quan tâm đến lễ nghĩa phụng sự Vua, vứt bỏ đạo làm bề tôi mà mưu cầu tình riêng vợ con, tham sống sợ chết, ngay như thiếp là người phụ nữ cũng cảm thấy là một sự sỉ nhục, huống hồ là chàng! Thiếp sẽ không cùng chàng sống mà chịu nhục”, thế là tự vẫn.
Vua nước Nhung thấy nàng là người hiền đức bèn bày lễ Thái Lao cúng tế nàng rất long trọng, còn lấy lễ tướng quân để an táng nàng, ban cho em trai nàng nghìn lượng vàng, còn cho em trai nàng làm quan, cử em trai nàng cai trị nước Cái.
Bậc quân tử nói vợ của các tướng lĩnh nước Cái trong sáng lại có tinh thần nghĩa khí.
Kinh Thi có câu: “Thục nhân quân tử, kỳ đức bất hồi” (Quân tử hiền tài vinh hoa, Đức thì quyết chẳng vạy tà) là có ý này.
Có thơ khen rằng: Cái tướng chi thê, cứ tiết duệ tinh, Nhung ký diệt Cái, Khâu Tử độc sinh, thê sỉ bất tử, trần thiết ngũ vinh, vi phu tiên tử, tuất di hiển danh.
(Tạm dịch: Vợ của Tướng nước Cái, nghĩa khí chuyên nhất. Nhung diệt nước Cái nhưng Khâu tử còn sống. Vợ vì Khâu tử không tuẫn tiết mà cảm thấy sỉ nhục, kể ra năm loại vinh dự là trung, hiếu, nhân, nghĩa, hiền, nguyện không chịu nhục mà chết trước chồng, sau cùng để lại tiếng thơm).
CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 5 – TIẾT NGHĨA TRUYỆN
LIỆT NỮ TRUYỆN
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (2985 downloads )
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (2650 downloads )