Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!

BÁO CÁO TÂM ĐẮC HỌC TẬP NỮ ĐỨC (TỔNG CỘNG 7 TẬP)

MỤC LỤC

NỮ GIỚI

CHƯƠNG MỘT: TI NHƯỢC

CHƯƠNG HAI: PHU PHỤ (ĐẠO VỢ CHỒNG)

Năm vai trò của người làm Vợ.

CHƯƠNG BA: KÍNH THUẬN.

Năm loại tình yêu. 

CHƯƠNG BỐN: PHỤ HẠNH (ĐỨC HẠNH CỦA PHỤ NỮ) 

Phụ ngôn.

Phụ dung.

Phụ công.

CHƯƠNG NĂM: CHUYÊN TÂM

Sáu điểm để giữ lễ nghĩa thuần khiết phụ nữ cần lưu ý.

Thứ nhất, tai không nghe những lời không nên nghe.

Thứ hai, mắt không nhìn những thứ tà vạy.

Thứ ba, ra ngoài không trang điểm diêm dúa.

Thứ tư, ở nhà không mặc đồ quá tùy tiện.

Thứ năm, không tụ tập nô đùa.

Điểm cuối cùng chính là không ở ngoài cửa nhìn đông, ngó tây.

CHƯƠNG SÁU: KHÚC TÒNG.

Vì sao mẹ chồng nàng dâu không thể chung sống hòa thuận ?

CHƯƠNG BẢY: HÒA THÚC MUỘI

Làm sao để mở rộng tâm lượng?

 

BÁO CÁO TÂM ĐẮC VỀ VIỆC HỌC TẬP NỮ ĐỨC

Kính thưa các vị thầy cô tôn kính, xin chào mọi người!

Hôm nay tôi xin phép báo cáo với quý vị về những trải nghiệm tâm đắc khi tôi học tập nữ đức. Tính đến năm nay tôi đã làm phụ nữ được ba mươi tám năm rồi, nhưng trên thực tế thì tôi chưa bao giờ tiếp xúc với nữ đức, cũng chưa từng học tập một cách có hệ thống. Vào tháng tư, khi đến Hồng Kông, tôi nhận được sự quan tâm của Tiến sĩ Chung, Ngài hy vọng tôi có thể phát tâm vì đại chúng giảng giải về nữ đức, nên tôi mới trở về nhà bắt đầu học tập, vì vậy cảm thấy rất xấu hổ. Ngày hôm nay tại đây, tôi xin đem những trải nghiệm tâm đắc mà bản thân tự tu học nữ đức ở nhà trong hai tháng qua chia sẻ với quý vị.

Bởi vì bản thân tôi ban đầu khi mới bước chân vào xã hội, chịu sự ảnh hưởng của xã hội, nên tôi có một khái niệm rất kiên cố, đó chính là làm phụ nữ thì phải độc lập, phải có công ăn việc làm, phải tự kiếm tiền để nuôi sống bản thân, phải làm chủ về mặt kinh tế. Cho nên khi vừa tốt nghiệp đại học, vốn dĩ tôi được nhà trường cử đi học nghiên cứu sinh miễn phí, nhưng lúc đó tôi liền nói với chủ nhiệm lớp: Cho dù như thế nào thì em cũng không thể học tiếp được, em nhất định phải nhanh chóng ra ngoài kiếm tiền, nên thầy hãy nhường vị trí này cho người khác”. Lúc đó mới hai mươi mốt tuổi tôi đã tốt nghiệp đại học, sau khi tốt nghiệp thì đi vào xã hội làm việc. Lúc mới bắt đầu thì tôi làm nhân viên nhà nước. Làm hết một năm, cảm thấy tiền kiếm được quá ít nên tôi đã từ chức, chuyển sang làm việc tại một công ty chứng khoán. Lúc đó, tôi làm nhân viên giao dịch trong công ty chứng khoán nên kiếm được nhiều tiền. Quan niệm này liên tục ảnh hưởng đến tôi, cho đến trước khi tôi học tập nữ đức.

Năm ngoái, tôi còn nhớ trong buổi họp với nhân viên, tôi còn nói với các nhân viên nữ là: “Các cô cần phải tự lập, phải trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ, phải có công ăn việc làm. Trong những lúc quan trọng trong túi phải có tiền, phải có thể làm chủ”. Những nhân viên nữ của chúng tôi đều cho rằng nên như vậy.

Thế nhưng, tôi nhớ khoảng mười năm trước, lần đầu tiên tôi đến Hồng Kông, tôi gặp được một hướng dẫn viên, khi đó tôi đi theo đoàn du lịch. Hướng dẫn viên đó nói một câu, để lại cho tôi ấn tượng khá sâu sắc. Người đó nói: “Trên thế gian, phàm là dùng tiền để giải quyết công việc thì việc đó không gọi là việc”. Tôi thường xuyên suy ngẫm về câu nói này. Tôi còn nhớ trước khi chưa học “Đệ Tử Quy”, tôi còn nói với con tôi: “Con à! Con xem thế giới này có thứ gì mà tiền không thể mua được nào?”. Lúc đó con tôi liền trả lời là: “Cha mẹ không thể mua được bằng tiền, hạnh phúc cũng không thể mua được bằng tiền”. Nhưng làm sao có thể sống hạnh phúc, làm thế nào để tạo dựng một cuộc sống mỹ mãn thì tôi không biết làm từ đâu? Cho đến năm ngoái, gặp được “Đệ Tử Quy” cùng với văn hóa truyền thống, tôi đã bắt đầu từ từ quay đầu.

Hai tháng nay ở nhà học nữ đức, tôi đã dùng cuốn sách của Ban Chiêu thời Đông Hán, gọi là “Nữ Giới” để bắt đầu học tập. Việc đầu tiên mà tôi học được đã để lại cho tôi ấn tượng khá sâu sắc. Tháng tư, từ Hồng Kông quay về tôi đã nói với chồng tôi rằng: “Em chuẩn bị học nữ đức, giảng nữ đức, bây giờ phải giúp chồng dạy con, quay về với gia đình”. Ông xã tôi rất phấn khích, rất vui vẻ. Bởi vì anh cũng làm kinh doanh, sự nghiệp rất lớn, rất bận. Có những lúc tôi cùng với những đối tác làm ăn lớn ở bên ngoài đi ăn cơm thì anh rất không vui. Hai đứa con ở nhà còn rất nhỏ, một đứa tám tuổi, một đứa ba tuổi. Người lớn trong nhà tuổi tác cũng đã cao, cha mẹ chồng tôi không an tâm. Lúc đó tôi rất cố chấp, tôi nói tôi nhất định phải kiếm tiền. Chồng tôi nói tôi cũng không nghe. Nên lần này quay về, chuyện đầu tiên tôi nói với anh là chuyện này. Anh rất vui và nói: “Anh rất ủng hộ em”. Tôi nói: “Vậy còn việc làm ăn của em thì phải làm sao?”. Bởi vì tôi còn một công ty. Anh nói: “Anh là Chủ tịch công ty mà, em có thể buông nó xuống, cứ giao cho anh”. Tôi nói: “Tốt!” .

Tôi lúc đó còn một chút may mắn. Bởi vì trước giờ trong nhà tôi luôn có hai người giúp việc, vào tháng ba trước khi tôi đến Hồng Kông, cô giúp việc do có việc nhà nên đã xin nghỉ. Tôi vốn cũng định sau khi từ Hồng Kông quay về thì trước tiên là tìm thêm một giúp việc. Khi tôi về đến nơi, tôi suy nghĩ: “Không cần tìm thêm giúp việc nữa, vẫn còn một người, vẫn được”. Rốt cuộc khi tôi quay về nhà, chưa đến ba ngày thì cô giúp việc kia (chính là người giúp tôi trông nom trẻ) nói nhà có chuyện và cũng xin nghỉ việc. Khi đó tôi mới nghĩ, một người khi đã nói sẽ phát tâm làm việc gì đó, lập chí làm việc gì đó, thì sẽ có khá nhiều thử thách. Lời tôi nói là sự thật. Tôi xin thưa với quý vị, tôi đã do dự hơn mười ngày là có nên tìm giúp việc hay không? Tôi kiên trì hết hơn mười ngày, cuối cùng tôi đã buông xuống. Tôi quyết định không nghĩ ngợi thêm nữa, tự mình ở nhà chăm nom vậy. Dù gì đứa lớn cũng đã đi học, đứa nhỏ học mầm non, trong nhà thì buổi sáng tôi dọn dẹp làm việc nhà, sau đó làm ba bữa cơm. Vạn sự khởi đầu nan.

Tôi kết hôn được mười sáu năm, trong nhà luôn có giúp việc. Cho nên khi mới làm việc nhà, tôi cảm giác tôi làm chưa được mấy ngày thì da tay đã bắt đầu nổi sần, rất thô ráp. Lúc đó, tôi có chút suy nghĩ là không duy trì được nữa. Tôi nghĩ, nhà mình cũng không phải không có điều kiện, người xung quanh họ cũng khuyên tôi nên tìm một người giúp việc bán thời gian. Tôi bắt đầu dao động.

Tôi đặc biệt cảm ơn vì xung quanh tôi luôn có những người bạn tốt. Vị thầy mà chúng tôi học văn hóa truyền thống đã kể cho tôi một câu chuyện. Thầy nói, thầy quen một diễn viên ca múa, vì muốn bảo vệ đôi tay của mình mà người đó chưa từng làm việc nhà. Kết quả là sức khỏe của cô không được tốt. Sau đó cô học Phật biết được phải tiếc phước, phải biết cảm ơn, nên cô ấy mới bắt đầu làm việc nhà. Khi mới bắt đầu làm thì tay của cô cũng giống như tôi vậy, nổi rất nhiều nếp nhăn, nếp sần. Lúc đó cũng có một thầy nói với cô ấy: “Cô làm một thời gian đi sẽ khỏi thôi. Hãy kiên trì, đây là Phật Bồ Tát đang thử thách cô”. Quả nhiên cô làm một thời gian thì tay đã hồi phục lại, vả lại còn đẹp hơn so với đôi bàn tay mà trước đây cô đã tỉ mỉ chăm sóc nữa. Cho nên vị thầy này khuyên tôi, nói với tôi là phải kiên trì, vượt qua giai đoạn này thì sẽ tốt thôi. Thật vậy, hôm qua tôi nằm trên giường suy ngẫm, hiện giờ tay tôi rất mượt mà, việc nhà vẫn liên tục làm.

Tôi làm việc nhà có một cảm xúc rất lớn. Lúc trước, tôi không cảm thấy biết ơn đối với những cô giúp việc kia, cảm thấy cô ấy làm việc, tôi trả công, là việc rất bình thường. Nhưng từ lúc tôi bắt đầu làm công việc nhà, tôi đặc biệt cảm ơn giúp việc nhà tôi. Nhà tôi rất lớn, để dọn dẹp hết thật sự không dễ dàng. Ấy thế mà việc tôi không thuê giúp việc lại có lợi lớn cho con của tôi. Hiệu trưởng trường mầm non nơi đứa con út của tôi đang học nói với tôi: “Tịnh Du à! Tôi kể cho cô nghe một câu chuyện. Nếu như cô có một loại vải đặc biệt tốt, muốn may thành một bộ đồ, nhưng nếu như cô đem loại vải này giao cho một người không biết gì về may vá, cô thử nghĩ xem, người này sau khi may xong bộ đồ cho cô, cô có thích không?”. Lúc đó tôi chưa hiểu lắm, tôi hỏi hiệu trưởng: “Ý của cô là sao?”. Cô ấy nói: “Đứa con này của cô rất thông minh, rất giỏi, tại sao cô lại để cho người giúp việc chăm lo vậy?”. Bởi vì người giúp việc đều xuất thân từ nông thôn, văn hóa của họ không cao. Hiệu trưởng nói: “Cô có biết, đứa con út này của cô học hỏi rất nhanh, học những lời nói xấu cũng rất nhanh, mà học nói những điều tốt cũng học rất nhanh”. Sau một thời gian giúp việc không còn làm nữa, tôi thật sự có một trải nghiệm, con trẻ rất dễ dàng nhiễm phải thói hư tật xấu, nhưng khi bạn muốn chúng sửa đổi, hình thành một thói quen tốt thì rất khó. Đứa con út của tôi hay nói lời thô tục, ban đầu tôi nghe thấy rất nóng giận, tôi không nhịn được nên đã mắng giúp việc. Sau đó ba tôi mới nói với tôi: “Con đừng có trách người khác nữa, quan trọng là con đó. Nếu như con sớm quay về nhà chăm sóc con như bây giờ, thì làm gì xảy ra chuyện này chứ?”. Sau đó tôi không còn oán hận nữa.

Khi tôi thật sự đem tâm mình buông xuống làm công việc nhà, thì đúng lúc đó cha mẹ tôi vừa đi du lịch ở Hoa Kỳ trở về. Nhìn thấy tôi cực khổ như vậy, nên họ đã từ nơi khác chuyển đến Đại Liên, toàn tâm toàn ý giúp tôi trông nom lo liệu việc nhà. Ba tôi lúc ấy nói với tôi một câu làm tôi rất cảm động. Ông nói: “Con học nữ đức không phải học cho riêng mình, mà còn học vì mọi người. Ba với mẹ con sức khỏe vẫn còn tốt, còn trẻ, chỉ có sáu mươi mấy tuổi thôi, không sao, ba mẹ tình nguyện sang đây giúp con thành tựu”. Lúc ấy tôi rất cảm động, tôi nói: “Dạ được!”.

Nhưng ở đây có một vấn đề rất quan trọng. Bởi vì từ nhỏ tôi đã không sống cùng ba mẹ, mà từ nhỏ sống cùng ông bà nội, nên tôi luôn có một khoảng cách với ba mẹ mình. Tôi nghĩ ba mẹ cũng chưa từng nuôi tôi, học lực của mẹ lại không cao. Tôi tự nhận thấy mình kiến thức nhiều, học lực cao, lại kiếm được nhiều tiền, nên trong tâm luôn không xem trọng cha mẹ của mình. Nhưng khi ba mẹ tôi thật sự chuyển qua đây sống cùng với tôi, tôi mới phát hiện ra, để hiếu kính và hiếu thuận ba mẹ thật là khó khăn.

Tôi còn nhớ, có một lần đang trên lầu học giáo trình về nữ đức. Nhà tôi là một biệt thự, tôi ở trên tầng bốn. Mẹ tôi thì đang bế đứa nhỏ, chuẩn bị đi xuống dưới lầu ăn cơm. Đứa con lớn của tôi đứng đằng sau, có thể là chọc ghẹo đứa em của nó. Mẹ tôi lúc đó lo lắng sợ mình đi cầu thang bị ngã, nên đã lớn tiếng nói: “Con đừng phá nữa, con muốn đẩy bà ngoại té à!”. Tôi đang trên tầng bốn, nghe được câu nói này tôi đặc biệt lớn tiếng hét tên đứa con lớn của tôi. Tôi nói: “Con lên đây cho mẹ, mau lên tầng bốn ngay!”. Sau đó tôi nói tiếp một cách rất nghiêm khắc: “Phạt con đứng đó!”. Kỳ thực, có một phần là tôi muốn nổi nóng với mẹ tôi, bởi vì lúc đó tôi cảm thấy mẹ làm gì phải lớn tiếng như thế, tôi đang học rất nghiêm túc. Sau đó ba tôi mới đi lên theo, rồi nói: “Con nó cũng đâu có làm gì có lỗi đâu, con phạt nó làm gì?”. Con tôi cũng học “Đệ Tử Quy”, nên khi tôi gọi nó một tiếng là nó giật mình, từ lầu một chạy lên nói: “Mẹ ơi! Con lên ngay. Mẹ ơi! Con lên đây!”. Nó nhanh chóng chạy lên lầu bốn và nói: “Mẹ ơi! Có chuyện gì vậy? Con xin lỗi!”. Tôi nói: “Mẹ còn phải học. Con ra đằng sau đứng mà suy nghĩ lại xem”. Ba tôi lên đến nơi và nói: “Nóng giận của con từ đâu mà ra vậy?”. Tôi cũng không khách khí nói với ba: “Không cần ba phải lo”. Ba tôi mới nói: “Trong “Đệ Tử Quy” có nói: “Thấy chưa thật, chớ nói bừa”. Con xem, con đã nhìn thấy chuyện gì mà lại lớn tiếng hét con trẻ như vậy”. Tôi mới nói: “Ai bảo mẹ con nói lớn tiếng như vậy?”. Kết quả là, bởi vì tính khí của mẹ tôi rất mềm yếu, nên khi nghe tôi nói vậy mẹ liền đi vào trong phòng nằm khóc thầm. Ba tôi cũng khuyên tôi: “Con đến chỗ mẹ nói một tiếng đi”. Tôi vẫn chưa kiềm chế được mình, tôi không lên tiếng.

Sau đó, tôi đứng ở dưới tầng một suy ngẫm một lúc, tôi đột nhiên nghĩ: “Rốt cuộc mình đang học cái gì đây? Tôi học một đống lý luận, nói ra câu nào cũng là đạo lý bản thân lại không làm được thì có ích gì chứ? Kể cả ba mẹ mình cũng không thể kính và thuận, đối với chồng thì khỏi cần phải nói rồi”. Tôi bưng đến một chậu nước, bởi vì lúc đó là buổi tối, nên tôi đã vào phòng mẹ, muốn tìm cách để xuống nước với mẹ. Tôi nói: “Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc nữa, con giúp mẹ rửa chân nhé!”. Mẹ nói: “Mẹ đã rửa rồi”. Tôi bưng chậu nước, đứng đó rất lâu. Mẹ tôi vẫn không lên tiếng. Lúc đó, đứa con lớn cũng ở đó. Mẹ tôi nói: “Tịnh Du à! Không phải bởi vì con lớn tiếng mà mẹ tổn thương khóc đâu, mà vì trước đó con cũng có một số lời nói, đến hôm nay mẹ nhịn không được nữa nên mới khóc”. Tôi nói: “Lúc trước con nói gì ạ?”. Mẹ nói: “Con lúc trước nói, lần này mẹ đến Đại Liên con cũng nói, con nói là mẹ lúc nào muốn đi thì cứ đi, trên thế gian này con không có nợ nần gì ai cả, cũng chẳng nợ ba mẹ”. Bởi vì ba mẹ không có nuôi tôi. Mẹ tôi lúc đó rất đau lòng.

Thật sự lúc ấy tôi đặt chậu nước xuống, tôi lập tức quỳ xuống. Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ quỳ xuống. Tôi nói với mẹ: “Mẹ à! Con thật sự đã sai rồi! Vì con quá ngạo mạn, tự cao. Mẹ không nợ con bất cứ thứ gì, chỉ có con nợ mẹ một mạng sống mà thôi”. Bởi vì mạng sống này của tôi là do ba mẹ ban cho, nếu như đối với ba mẹ mà mình không thể có tâm cảm ơn, thì làm sao đối với ba mẹ chồng, đối với chồng, với những người xung quanh, thậm chí là đối với thầy giáo mà có tâm cảm ơn được chứ? Tôi liên tục khấu đầu trước mẹ và nói: “Thật sự con đã sai rồi!”. Tôi nói: “Con luôn luôn đối xử với mẹ như vậy, con thật sự xin lỗi mẹ!”. Tôi nói tôi đã đọc rất nhiều lần “Kinh Phật Nói Ơn Nặng Của Cha Mẹ Rất Khó Báo Đáp”, thế mà sao trong tâm mình lại không hiểu được đạo lý này vậy. Việc này tôi đã báo cáo hết hai lần, mỗi lần nhắc đến tôi đều cảm thấy xấu hổ với mẹ. Bởi vì lần này mẹ tôi đến nhà tôi, mẹ tôi còn nói: “Mẹ sẽ giúp con trông nom tốt mấy đứa nhỏ. Con cứ yên tâm mà đi học, học thật tốt nha con! Con đừng vì bản thân mình mà hãy vì mọi người”. Tôi thật sự cảm thấy mình đã xử sự rất tệ, cũng không phải là một cô giáo. Tôi một mực luôn sám hối. Tôi khóc rất lâu.

Ngày thứ hai sau đó, tôi phát hiện đôi mắt của tôi đều rớm máu. Tôi nói với mẹ: “Mẹ à! Nếu con còn nói những lời này, con sẽ không là con người nữa”. Mẹ tôi mới nói: “Cũng tại mẹ không tốt. Thật sự con đã rất tốt rồi, con đã không dễ dàng chút nào rồi. Trong số những đứa trẻ hiện nay con đã rất tốt rồi”.  Tôi mới suy ngẫm, tại sao tâm của ba mẹ luôn luôn rộng lượng như vậy? Mẹ mới nói với tôi về lý do tại sao năm đó tôi phải rời xa ba mẹ. Bởi vì ba mẹ tôi hồi còn trẻ làm về công trình thủy điện. Mẹ tôi kể về sự gian khổ khi phải ở trong một căn nhà mà vào mùa đông buổi sáng khi thức dậy, nước rửa mặt trong chậu đã đóng thành băng. Ba mẹ thật không nhẫn tâm để cho con phải chịu khổ, nên đã để cho ông bà nội đem con đến Đông Bắc. Thật sự ba mẹ rất nhớ con, nhưng không còn cách nào khác, bởi vì hoàn cảnh công việc lúc đó. Ba mẹ tôi sinh tôi ra ở Thị trấn Ánh Tú, Tứ Xuyên, kế bên nơi đã xảy ra trận động đất lớn ở Văn Xuyên. Năm 2006, tôi đã từng quay về nơi đó. Thật sự, lúc tôi quay về thì điều kiện ở đó cũng không được tốt.

Sau khi ba mẹ đến nhà tôi, ba mẹ đã dạy tôi nhiều bài học. Có một lần, mới sáng sớm, tôi đã nói với chồng của mình về văn hóa truyền thống. Tôi nói anh làm việc này không được, việc kia làm không được tốt. Ông xã của tôi rất khiêm tốn, anh nói: “Đúng rồi! Anh nên học tập ở em nhiều”. Nói xong rồi thì tôi đi xuống nói với mẹ: “Mẹ xem! Con đã dùng văn hóa truyền thống giáo dục anh ấy đó”. Mẹ tôi thấy tâm tình của tôi khá tốt nên đã nhỏ nhẹ nói với tôi thế này: “Con à! Con đừng có nói chồng con như vậy nữa, con làm việc còn thua xa chồng con. Mười sáu năm qua mẹ chưa từng thấy chồng con nói một câu thô tục, một câu khiến người khác phiền não, hay một câu ly gián khiêu khích, mà chỉ thấy chồng con luôn luôn bao dung con. Con không học hỏi người ta mà còn ở đây khoa tay múa chân nữa”. Lúc đó tôi không lên tiếng, chỉ ở đó cúi đầu ăn cơm. Tôi ở nhà trong hai tháng này học tập nữ đức, nhưng sự thật là ba mẹ tôi đã giúp tôi thành tựu từng chút một.

Có một ngày kia, tôi cùng với ba tôi cũng xảy ra xung đột. Bởi vì sáng hôm đó ba tôi nói: “Tịnh Du à! Ba thấy con ở bên ngoài sống đối xử hòa đồng với người khác, xử sự cũng không tệ, nhưng khi trở về nhà thì con vẫn luôn làm không tốt”. Lúc đó tôi rất không vui. Trước giờ con người tôi có một đặc điểm là không thích người khác đánh giá và phê bình tôi. Bạn nói tốt thì được, hoặc là bạn dùng lời lẽ ngọt ngào khuyên tôi, tôi cũng chấp nhận. Nhưng nếu nói trực tiếp thì tôi không chấp nhận, hễ nghe được thì tôi liền không vui. Lúc đó tôi không nói tiếng nào, đi lên lầu. Tôi rất nóng giận và nói với chồng mình một hơi. Anh không dám nói gì. Sau đó anh ấy xuống dưới nhà nói với ba là tính tình của tôi không chịu được người khác phê bình. Sau đó ba mới tìm tôi và nói: “Tịnh Du à! Ba không có ý nói gì con hết, ba chỉ muốn tốt cho con. Con không phải muốn học nữ đức sao? Con cần phải làm được chứ!”.

 


Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!