Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!

LỖ TANG TÔN MẪU (MẸ CỦA TANG VĂN TRỌNG NƯỚC LỖ)

 

Tang Tôn mẫu là mẹ của đại phu nước Lỗ Tang Văn Trọng. Văn Trọng sắp đi sứ nước Tề, khi mẹ tiễn chân có nói rằng: “Con thường ngày hà khắc mà ít ban ân huệ, làm việc thích cố hết sức mình, thường dùng uy thế làm người ta khó xử. Hiện nay, nước Lỗ không thể nhẫn nhịn con nên mới phái con đi sứ nước Tề. Hễ xảy ra việc gian trá thì nhất định sẽ có động tĩnh. Người hại con chẳng nhẽ lại không nhân đó mà kiếm chuyện ư! Con nhất định phải chuẩn bị sẵn tâm lý. Nước Lỗ với nước Tề nằm cạnh nhau, là nước láng giềng của nhau. Trong đám đại thần được sủng tín có rất nhiều người oán hận con, lại còn có giao tình với quan đại thần nước Tề là Cao Hề, Quốc Tử. Làm như vậy nhất định là để nước Tề mưu đồ nước Lỗ. Do vậy sẽ bắt giam con, xem ra là khó mà tránh khỏi. Con nhất định phải ban ân đức, sau tìm cách để có được sự trợ giúp, sau mới đi sứ nước Tề”. Thế là Văn Trọng thăm viếng Lỗ tam gia (Mạnh Tôn, Thúc Tôn, Quý Tôn), được sự ủng hộ và tín nhiệm của họ, lại hậu đãi rất nhiều quan đại phu, sau đó đi sứ nước Tề. Quả nhiên nước Tề giam giữ Tang Văn Trọng, lại dấy binh đánh lén nước Lỗ. Văn Trọng âm thầm sai người đưa thư cho Vua nước Lỗ, lại sợ thư rơi vào tay người khác nên cố ý viết những từ ngữ hoang đường: “Liễm tiểu khí, đầu chư đài, thực lạp khuyển, tổ dương cầu. Cầm chi hợp, thậm tư chi, dương hữu mẫu, thực ngã dĩ đồng ngư. Quan anh bất túc, đới hữu dư”.

Sau khi thư đến tay Vua nước Lỗ, Vua nước Lỗ cùng các quan đại phụ xem thư rồi thảo luận, không ai biết ý nghĩa của bức thư. Có người nói: “Mẹ của Văn Trọng cũng là con nhà thế gia. Sao Đại vương không thử gọi đến hỏi xem sao?”. Thế là bèn gọi mẹ của Văn Trọng đến, nói với bà rằng: “Quả nhân sai Văn Trọng đi sứ nước Tề. Hiện nay, Văn Trọng gửi thư về. Bà hãy xem Văn Trọng nói gì?”. Sau khi mẹ Văn Trọng xem thư xong, khóc ướt vai áo, đáp rằng: “Con ta bị đóng gông, bị giam giữ rồi”. Vua nước Lỗ hỏi: “Sao bà biết được?”. Mẹ của Văn Trọng đáp: “Ý của câu “liễm tiểu khí đầu chư đài” là nói đem cái mầm mới lớn từ ngoài thành bỏ vào trong thành. “Thực lạp khuyển tổ dương cầu” là nói mau chóng tập hợp khao lao tướng sĩ, sửa sang quân bị. “Cầm chi hợp thậm tư chi” là nói Văn Trọng vô cùng nhớ vợ. “Tang ngã dương dương hữu mẫu” có ý bảo vợ phải phụng dưỡng mẹ cho tốt. “Thực ngã dĩ đồng ngư câu”, câu chữ này không thuận, không thuận là sai, chữ “ngư” đồng âm với “cư” (cái cưa). Cái cưa là dùng để cưa gông cùm, câu này là nói Văn Trọng bị đóng gông rồi nhốt vào trong ngục. “Quan anh bất túc đới hữu dư” là nói Văn Trọng đầu tóc bị rối mà không được chải, đói mà không có thức ăn. Cho nên ta mới biết con trai ta bị bắt giam, hơn nữa còn bị đóng gông”. Thế là Vua nước Lỗ theo lời của mẹ Văn Trọng, đưa binh lính ra biên giới để phòng thủ. Nước Tề xuất binh chuẩn bị đánh lén nước Lỗ, nhưng biết được quân nước Lỗ phòng thủ ở biên giới bèn thả Văn Trọng về, không thảo phạt nước Lỗ nữa.

Bậc quân tử nói mẹ của Văn Trọng nhìn xa trông rộng. Kinh Thi có câu: “Trắc bỉ khỉ hề! Chiêm vọng mẫu hề” (Lên núi khỉ là nơi rậm cỏ, nhớ mẹ nên đứng lặng ngó nhìn) là nói điều này.

 

Có thơ khen rằng: Tang Tôn chi mẫu, thích tử háo uy, tất thả ngộ hai, sứ viện sở y. Ký hậu tam gia, quả câu ư Tề. Mẫu thuyết kỳ thư, tử toại đắc quy.

(Tạm dịch: Mẹ của Văn Trọng chỉ trích con thích uy thế, nhất định sẽ bị hại, bảo con ban ân để có chỗ dựa. Văn Trọng hậu đãi tam gia, sau quả nhiên bị nước Tề giam giữ. Mẹ đọc hiểu thư con, con mới được thả về).


CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 3 – NHÂN TRÍ TRUYỆN


LIỆT NỮ TRUYỆN

  Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (2985 downloads )

  Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (2650 downloads )



Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!