DƯƠNG LA PHÂN PHÁT BỔNG LỘC
Thời Nam Tống, vợ của nhà thơ Dương Vạn Lý là La thị tính cách thanh liêm, chính trực, cần kiệm. Dương Vạn Lý làm quan ở kinh thành, con trai làm nguyên soái, nhưng nhà của La thị vẫn ở nhà đất sơ sài giống như nhà của nông dân. Bà sống ở đó mà tự lấy làm vui sướng. Lúc thời tiết rất lạnh, hàng ngày trời vừa sáng, bà thức dậy vào bếp tự mình nấu cháo rồi gọi con cái và người hầu đến ăn, sau đó bảo họ đi làm. Khi hơn 80 tuổi vẫn trồng cây gai ở trong vườn của nha môn rồi tự mình xe chỉ mà chẳng chịu làm biếng.
Sau này, con trai của bà đến Quảng Đông làm quan, đem bổng lộc một tháng đưa cho bà dùng, bà nói là bị bệnh nên đem bổng lộc đó phân phát hết cho người nghèo khổ và nói: “Mẹ phúc mỏng, được những bổng lộc này thì sẽ bị bệnh, cho nên mẹ đem bổng lộc phân phát hết”. Bình thường bà ở nhà thì quần áo trang sức không có cái nào lộng lẫy, đẹp đẽ. Bà sinh được bốn người con trai và ba người con gái và đều dùng sữa của mình mà nuôi lớn. Bà nói: “Vì cho con mình bú mà để cho con người ta đói khát thì việc này ta không thể làm được”.
La thị dùng ân huệ để đối xử với tôi tớ, xót thương người nghèo khổ, cần kiệm chăm lo việc nhà, dùng sự cần cù khuyến khích bản thân, tuổi đã 80 còn tự mình lao động xe chỉ dệt vải. Con trai được điều động đến Quảng Đông làm quan. Bà giả vờ nói có bệnh để đem bổng lộc của con phân phát cho người nghèo. Điều này có lẽ bà học được từ trong sách, học theo tấm gương lời nói, hành động của Lỗ Kính Khương vậy.
Bậc quân tử khen ngợi đạo đức của cha con Dương Bí Các, không chỉ là trời sinh họ như vậy, còn có sự trợ giúp hữu ích rất lớn về đức tính của người làm vợ, người làm mẹ.
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỨC HẠNH PHỤ NỮ
PHẦN 7: LIÊM - NHỮNG CÂU CHUYỆN LIÊM KHIẾT CỦA NGƯỜI NỮ