VỆ GIA ĐỊNH KHƯƠNG
Vệ Gia Định Khương là phu nhân của Vệ Định Công, là mẹ của Vệ công tử. Vệ công tử sau khi lấy vợ thì mất, vợ không có con cái. Sau khi chịu tang ba năm, Định Khương để cho vợ của công tử về nhà ngoại và tự mình tiễn tận ngoại ô. Khi chia tay quyến luyến không muốn rời, buồn thương cảm thán, đứng đằng xa trông theo, nước mắt như mưa bèn làm thơ rằng: “Chim én trên trời, dang cánh bay lượn, con đi lấy chồng, tiễn tận ngoại ô, đằng xa trông theo, nước mắt như mưa”. Tiễn con dâu xong về khóc mà trông theo, lại làm thơ rằng: “Thường nhớ tiên quân, khuyến khích bản thân”. Cho nên Bậc quân tử nói rằng Định Khương là người mẹ chồng hiền từ, phúc hậu.
Vệ Định Công không thích đại thần Tôn Lâm Phụ (Văn Tử), Tôn Lâm Phụ trốn sang nước Tấn. Tấn Hầu sai Khích Sưu đến thỉnh cầu Vệ Định Công để cho Tôn Lâm Phụ trở về nước Vệ. Vệ Định Công không muốn chấp nhận lời thỉnh cầu của nước Tấn. Định Khương nói: “Không thể khước từ, Tôn Lâm Phụ là con cháu đại thần của tiên phụ, hiện nay nước lớn thỉnh cầu cho hắn, nếu không chấp thuận thì đất nước sẽ bị diệt vong. Tuy không thích hắn, nhưng so với họa vong quốc còn tốt hơn nhiều. Đại Vương nên khoan nhượng. Để yên lòng dân, lợi cho đất nước, chẳng nhẽ không được sao!”. Vệ Định Công nghe xong, bèn đồng ý lời thỉnh cầu của nước Tấn. Cho nên Bậc quân tử nói rằng Định Khương có thể giải trừ tai họa cho đất nước. Có thơ: “Dung mạo cử chỉ đoan trang, gương sáng cho bốn phương các nước” là nói về việc này.
Sau khi Vệ Định Công mất, lập con trai của Kính Tự là Vệ Khản làm Vua nước Vệ, sau này là Vệ Hiến Công. Hiến Công trong lúc chịu tang cha, vô cùng khinh mạn. Định Khương trong lúc nghỉ ngơi sau lúc khóc lóc đã phát hiện Hiến Công không đau buồn, trong lòng buồn rầu không ăn cơm, cảm thán rằng: “Xem ra nó sẽ làm bại hoại nước Vệ, nhất định sẽ làm hại người lương thiện. Đây là trời gieo tai họa cho nước Vệ! Thực là hối hận ta đã không thể để Cơ Chuyên làm chủ xã tắc”. Các đại thần nghe xong đều sợ hãi. Từ đó Tôn Văn Tử (Lâm Phụ) cũng không dám từ bỏ quyền lực ở nước Vệ. Cơ Chuyên tức là Tử Tiên, em trai của Hiến Công là người rất có tài năng. Định Khương muốn lập Tử Tiên lên ngôi Vua mà không thành công.
Sau đó, Vệ Hiến Công vô cùng bạo ngược, rất không tôn trọng Định Khương, cuối cùng bị đuổi khỏi nước Vệ. Trong lúc chạy trốn đến biên giới thì lệnh cho thầy tế cầu xin có thể trốn được, lại cầu khấn với Tổ tiên rằng mình không có tội. Định Khương nói: “Không được cầu khấn như vậy, cho dù không có thần linh, cũng không được vu khống. Có tội sao lại cầu khấn nói là không có tội. Vả lại, ngươi trốn chạy, bỏ trung thần mà mưu kế với kẻ tiểu nhân, đó là tội thứ nhất. Tiên vương có đại thần nước Vệ bảo vệ mà ngươi khinh thường họ, đó là tội thứ hai. Ta lấy đạo làm vợ hầu hạ Tiên Vương, mà lại để kẻ tiểu thiếp hung bạo sai khiến, đó là tội thứ ba. Cầu khấn chỉ được cầu xin trốn được chứ không thể cầu khấn vô tội”. Sau này, nhờ vào công sức của Tử Tiên mà Hiến Công lại được quay lại nước Vệ.
Cho nên Bậc quân tử nói rằng Định Khương giỏi việc dùng lời nói để giáo huấn dạy bảo. Có câu: “Ngã ngôn duy phục” (Lời ta đáng phục) là để chỉ việc này.
Hoàng Nhĩ nước Trịnh đem quân xâm chiếm nước Vệ, Tôn Văn Tử (Lâm Phụ) xem bói xem có nên truy kích tiêu diệt hay không, đem điềm bói được nói với Định Khương rằng: “Xem điềm như có núi rừng, xuất chinh sẽ tổn thất binh lính”. Định Khương nói: “Xuất chinh tổn thất binh lính để chống cự với giặc ngoại xâm là điều tốt, mọi người cần phải vạch kế hoạch cho tốt”. Do vậy, người nước Vệ truy kích quân giặc ở Khuyển Khâu phục kích bắt được Hoàng Nhĩ. Bậc quân tử nói rằng Định Khương thông tình đạt lý. Có câu: “Tả chi ta chi, quân tử nghi chi” (bên trái có người đến phò tá, quân tử ứng phó nên thích nghi) là chỉ việc này.
Có thơ ca ngợi: Vệ gia Định Khương, tống phụ tác thi, ân ái từ huệ, khấp nhi vọng chi, số gián Hiến Công, đắc kỳ tội vưu, thông minh viễn thức, lệ ư văn từ.
(Tạm dịch: Vệ gia Định Khương, tiễn dâu làm thơ, từ bi bác ái, khóc mà trông theo. Nhiều lần khuyên Hiến Công, chỉ ra sai sót, nhìn xa trông rộng, khéo ăn khéo nói).
CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 1 – MẪU NGHI TRUYỆN
LIỆT NỮ TRUYỆN
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (13629 downloads )
Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (13455 downloads )