Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!

MINH ĐỨC MÃ HẬU (Mẫu Nghi)

 

Minh Đức Mã Hậu là Hoàng Hậu của Hán Minh Đế, là con gái của Phục Ba tướng quân, tân tức trung thành hầu Mã Viện. Lúc nhỏ đã thông minh xuất chúng, năm 13 tuổi được tuyển vào cung Thái Tử. Bà tiếp đãi người cùng trang lứa như bậc chí tôn, nghĩ tới người trước, sau mới tới mình, đối xử với người khác đều xuất phát từ tấm lòng, do vậy mà được sủng ái. Những việc liên quan đến chính sự thì bà thường đối xử chân thành, cảm thông người khác, dùng lý để xem xét. Cho dù là không thể làm mãn nguyện hết mọi người thì cũng phải nói rõ ràng. Lúc đó Mã quý nhân không có con. Không lâu sau người em họ là Giả thị cũng vào cung sinh được một con trai cho Hán Minh Đế tên là Lưu Đát. Minh Đế đem Lưu Đát cho Mã Quý nhân nuôi làm con. Mã quý nhân rất sức tỉ mỉ dưỡng dục, làm lụng vất vả chỉ để dành mọi thứ tốt nhất nuôi dưỡng Lưu Đát. Bản tính Lưu Đát trời sinh nhân hậu, cho nên mẫu từ tử ái, trước sau không có một chút mâu thuẫn ngăn cách. Bản thân không thể sinh dục, Mã quý nhân rất lo lắng tình trạng Minh Đế không có nhiều hậu duệ, nên bà thường hay tiến cử người hiền năng vào hậu cung, hi vọng có thể khai chi tán diệp, giúp Minh Đế giải ưu phiền. Các đại thần đề nghị chuyện lập Trường Thu cung, cùng nhau xin lập Mã quý nhân làm Hoàng hậu. Hán Minh Đế hỏi ý Âm Thái Hậu, vốn Thái Hậu sẵn có cảm tình với Mã quý nhân nên nói: “Trong hậu cung, hiền đức của Mã quý nhân là đứng đầu, nên chọn nàng ta đi!”, vì thế Mã quý nhân dưới sự tán đồng của Âm Thái hậu chính thức trở thành Hoàng Hậu. Con nuôi của bà là Lưu Đát, lấy thân phận Đích tử được lập làm Thái Tử.

Sau khi Mã quý nhân trở thành Hoàng Hậu thì vẫn vô cùng tiết kiệm. Chiếc váy mặc trên người là dùng lụa thô dệt thành, mà viền váy cũng không có trang sức. Người hầu cũng là người xấu xí không tao nhã chứ không dùng lại những người mà trước đây mình đã dùng. Một số vợ con của công khanh đại thần đến triều kiến, thấy Hoàng Hậu mặc đơn sơ thì đều cười bà. Hoàng Hậu cũng không lên tiếng phê bình mà nói: “Loại hàng tơ dệt này rất thích hợp nhuộm màu, do đó ta hay dùng!”. Những người lớn tuổi tự nhiên biết ý của Hoàng Hậu, đây là mỹ đức tiết kiệm của bà. Mã Hoàng Hậu không những tiết kiệm mà con yêu cầu bản thân rất nghiêm khắc, không thích ra ngoài du ngoạn, cũng không thích đứng bên cửa sổ nhìn về phía xa, không thích âm nhạc. Hoàng Đế đến Uyển Hựu Ly cung thì bà ít khi đi theo. Mã Hoàng Hậu rất hiếu học, đọc Dịch Kinh, Kinh Thi, Luận Ngữ, Xuân Thu có thể nói được sơ lược ý nghĩa. Bà đọc thuộc lòng Sở Từ. Những quan điểm ngôn luận  ghi chép trong sách bà đều nắm được điểm chính. Đọc lịch sử đọc đến chỗ Quang Vũ Hoàng Đế không màng vàng bạc châu báu, thiên lý mã và bảo kiếm thì cảm phục mỹ đức chủ trương tiết kiêm của Quang Vũ Đế.

Lúc xảy ra việc Sở Vương Lưu Anh mưu đồ lật đổ Hán Minh Đế bị phát hiện mà phế vương vị, sau đó phải tự sát. Việc này liên quan đến rất nhiều người. Hán Minh Đế tiếp tục muốn mở rộng điều tra để truy tìm đồng đảng, bất chấp lời khuyên của các quan. Mã Hậu bèn lựa lời khuyên giải không nên làm liên lụy nhiều người, Minh Đế mới thôi ý định mở rộng vụ án.

Mã Hoàng Hậu không những có thể chủ trì sự công bằng, còn không vì tình riêng. Anh trai của bà là Hổ Phẫn Trung Lang, em trai là Hoàng Môn Thị Lang, bà cũng không thăng chức cho họ. Khi Hán Minh Đế bị bệnh, gọi Hoàng Môn Thị Lang phụ trách thuốc thang, bà ngày đêm bên cạnh chăm sóc không sợ gian khổ. Sau khi Hán Minh Đế băng hà, bà tự mình sửa lại “Khởi Cư Chú”, xóa bỏ việc anh trai là Mã Phòng tham gia việc thuốc thang. Các công khanh chư hầu dâng thư nói rằng nên theo điển cũ, phong tước cho người nhà của bà. Bà nói rằng: “Người bên đằng ngoại chuyên quyền xảy ra đã nhiều, từ khi ta làm Hoàng Hậu đến nay đã nghiêm khắc với bản thân để tránh việc này xảy ra”. Do vậy, Hoàng Hậu hạ lệnh cho người nhà của mình không được giữ chức vụ lớn. Đến năm thứ hai xảy ra hạn hán, có một số người cho rằng đó là do không phong tước cho người bên đằng ngoại mà ra. Sau khi Chương Đế báo lên Thái Hậu, bà vẫn không đồng ý phong tước cho người bên đằng ngoại. Bà nói: “Mấy năm xảy ra hạn hán, nhân dân phải sống lang thang, không thể phong thêm chức tước làm hao tài tốn của. Khi Tiên đế còn sống đã vô cùng cẩn thận, quyết không để cho người bên đằng ngoại giữ những chức vụ quan trọng. Do vậy trong các Hoàng Tử, chỉ phong cho Sở Vương, Chuẩn Dương Vương một nửa phần đất. Tiên đế còn thường nói rằng con của ta không nên giống như con của Quang Vũ Đế. Nay sao các quan trong triều lại lấy ta ra so sánh với Hoàng Hậu Âm Lệ Hoa của Hán Quang Vũ Đế? Ta rất biết việc phải nghiêm khắc với bản thân, không vi phạm mệnh lệnh của Tiên đế, mặc quần áo vải thô, ăn uống không cầu vật ngon. Người hầu của ta ăn mặc cũng rất giản dị. Họ cũng không đánh phấn bôi son và xông hương. Tại sao ta làm như vậy? Đây là để làm gương cho mọi người. Mục đích của ta để cho người bên đằng ngoại sau khi thấy vậy thì có thể tự hỏi lòng mình, tự kiểm điểm chính mình, nghiêm khắc với bản thân mình. Không ngờ họ lại cười ta là quá ư tiết kiệm. Mấy hôm trước khi qua Trạo Long Môn, thấy người bên đằng ngoại đến thỉnh an, ngựa xe như nước, kẻ hầu người hạ ai cũng trang sức lộng lẫy. Thật là phú quý đường hoàng! Quay lại xem người hầu của ta, ai cũng ăn mặc giản dị, so với người hầu của họ thì thật kém xa. Ta không tức giận trách mắng họ, chỉ cắt đứt nguồn chi phí cho họ, mong họ biết xấu hổ, biết tiết kiệm, nghĩ cho đất nước, không quên giúp đỡ đất nước. Biết bầy tôi không ai bằng Vua. Huống hồ là người thân! Ta quá hiểu họ, người muốn được thăng quan, sở dĩ muốn làm quan là để làm ông lớn, mong được phong hầu là để cầu được bổng lộc, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi vợ nuôi con, có thể cúng tế Tổ tiên, sống cuộc sống ấm no, không phải lo nghĩ đến cơm áo gạo tiền. Nay các ngươi được hưởng bổng lộc của đất nước, có ăn có mặc, đồ cúng tế do đất nước cung phụng, áo quần do đất nước cung cấp, mà còn không biết đủ, không biết tiết kiệm, không biết là phải bớt phóng túng. Lại còn muốn làm quan lớn, hưởng lộc hậu, được phong ấp. Đây là vì điều gì? Cung Trường Lạc của ta không thể làm trái với lời thề, phụ lại ý chỉ của Tiên đế, triều đình cũng không thể phụ lòng mong đợi của nhân dân”.

Lúc đầu, khi an táng Thái phu nhân, mấy người anh của Thái Hậu muốn xây mộ lớn nhưng sau khi Thái Hậu đưa ra ý kiến thì đã xây nhỏ lại. Trên dưới đều nghiêm khắc theo luật pháp, không vì tình riêng, Vua phạm pháp cũng bị tội như thứ dân. Xe của những vị Vương Tử như Quảng Bình, Cự Lộc, Lạc Thành Vương đều rất đơn giản, không có vàng bạc trang sức, ngựa cũng rất gầy nhỏ. Chương Đế báo cáo lại cho mẫu hậu, Mã Thái Hậu lúc này mới ban tiền cho mỗi người năm trăm vạn. Áo quần ăn mặc không khác với dân thường, những người có lỗi thì không được ban thưởng. Do vậy thân thích của Hoàng Gia đều ăn mặc giản dị. Đây là kết quả giáo hóa nghiêm khắc. Mã Thái Hậu bố trí nhà nuôi tằm ở Trạo Long Trì, tự mình lao động, nuôi tằm trở thành một hoạt động giải trí. Mã Thái Hậu dạy các tiểu Hoàng Tử ở đây, dạy họ đọc sách, cảnh tượng ở đây vô cùng vui vẻ. Mã Thái Hậu coi Chương Đế như con đẻ của mình. Chương Đế cũng vô cùng hiếu kính với Mã Thái Hậu.

Bậc quân tử nói người vợ có đạo đức thì có thể làm gương cho những người phụ nữ khác trong nhà. Mẫu hậu có đạo đức thì có thể làm gương cho tất cả những người phụ nữ trong thiên hạ.

Kinh Thi có câu: “Duy thử huệ quân, dân nhân sở chiêm. Bỉnh tâm tuyên do, khảo thận kỳ tướng” (Vua này thuận nghĩa xiết bao! Được dân chúng đã hướng vào ngưỡng trông. Mưu tính khắp, giữ lòng chặt chẽ, xét tận tường những kẻ giúp mình) là nói điều này.


CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 8 – TỤC LIỆT NỮ TRUYỆN


LIỆT NỮ TRUYỆN

  Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (6529 downloads )

  Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (6333 downloads )



Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!