Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!

TẤN HIẾN LY CƠ

 

Ly Cơ là con gái của bộ tộc Ly Nhung, là phu nhân của Tấn Hiến Công. Ban đầu Hiến Công lấy người con gái nước Tề, sinh được phu nhân của Tần Mục Công và Thái Tử Thân Sinh, lại lấy hai người con gái đất Nhung, sinh được Công tử Trùng Nhĩ và Di Ngô. Khi Hiến Công thảo phạt Ly Nhung giành được thắng lợi và được nàng Ly Cơ. Sau khi mang về nước, Ly Cơ sinh được Hề Tề và Trác Tử. Ly Cơ được Hiến Công sủng ái. Tề Khương lại mất sớm, Hiến Công bèn lập Ly Cơ làm phu nhân. Ly Cơ muốn lập con của mình là Hề Tề làm Thái Tử bèn bàn bạc với em gái của mình rằng: “Ngày đó không thượng triều, có thể nhân cơ hội động thủ, trục xuất Thái Tử và hai vị Công Tử thì sẽ có nhiều cơ hội”. Ly Cơ nói với Hiến Công rằng: “Khúc Ốc là đất Tổ tiên của Đại Vương, đất Bồ và Nhị Khuất là biên cương của Đại Vương, nhưng nơi này đều không thể không có chủ nhân. Đất của Tổ tiên không có chủ nhân thì nhân dân không có lòng kính nể. Biên cương không có chủ nhân thì giặc bên ngoài sẽ có lòng muốn xâm chiếm. Nếu như giặc bên ngoài sinh lòng muốn xâm chiếm, nhân dân lại coi thường pháp luật của đất nước, đây là tai họa của đất nước. Nếu như Thái Tử đến cai quản Khúc Ốc, hai vị Công Tử đi cai quản đất Bồ và Nhị Khuất thì có thể làm cho nhân dân sinh lòng kính nể, giặc bên ngoài cũng không dám đến xâm chiếm”. Thế là Hiến Công sai Thái Tử đến ở Khúc Ốc, Trùng Nhĩ ở đất Bồ, Di Ngô ở đất Nhị Khuất.

Ly Cơ để cho Thái Tử rời xa kinh đô, thế rồi vào một đêm ngồi khóc lóc, Hiến Công hỏi tại sao lại khóc, Ly Cơ đáp: “Thiếp nghe nói Thân Sinh là người vô cùng thích nhân nghĩa mà thế lực rất lớn mạnh, vô cùng khoan dung ân huệ, đối với nhân dân vô cùng nhân từ. Nay có người nói Đại Vương bị thiếp mê hoặc, như vậy đất nước nhất định sẽ đại loạn. Vì lợi ích của đất nước và nhân dân, e là Thái Tử sẽ làm phản, Đại Vương không đáng chết lại phải chết. Đại Vương phải làm sao đây? Tại sao không giết chết thiếp, đừng vì một người tiểu thiếp như thiếp mà để nhân dân gặp họa”. Hiến Công nói: “Thái Tử nhân từ đối với nhân dân, chẳng nhẽ lại không nhân từ với người làm cha như Quả Nhân hay sao?”. Ly Cơ nói: “Đối với nhân dân và đối với cha thì khác nhau, nếu như giết Đại Vương mà có lợi cho nhân dân thì nhân dân ai mà không yêu mến! Nếu như giết cha mà được lợi, loại bỏ tai họa mà có thể để mọi người vui sướng, ai mà không muốn làm như vậy? Cho dù yêu mến Đại Vương, nhưng cũng khó chiến thắng được dục vọng. Nếu như Trụ có được người con trai giỏi giang thì đã giết chết Vua Trụ trước, không để Vua Trụ làm những chuyện ác thì Vua Trụ cũng sẽ chết, không cần phải đợi lực lượng của Vũ Vương đến thảo phạt để nhà Ân Thương phải tuyệt hậu. Từ việc Tổ tiên của chúng ta là Tấn Vũ Công sát nhập đất Dực đến việc Sở Mậu Vương giết chết Thành Vương. Đây đều là vì nhân dân mà không quan tâm đến tình thân, nếu Đại Vương không chuẩn bị sớm thì tai họa sẽ xảy đến”. Hiến Công cảm thấy sợ hãi mà nói: “Làm thế nào mới ngăn được việc này xảy ra?”. Ly Cơ nói: “Sao Đại Vương không thoái vị, đem ngai vàng giao lại cho Thái Tử. Thái Tử nhận được quyền lực mà đích thân cai trị đất nước thì ắt sẽ tha cho Đại Vương!”. Hiến Công nói: “Không thể như vậy! Quả Nhân phải tìm kế để giải quyết việc này”.

Từ đó Hiến Công nghi ngờ Thái Tử. Ly Cơ sai người nói với Thân Sinh rằng Hiến Công mộng thấy mẹ Thân Sinh là Tề Khương và giục Thân Sinh cúng lễ cho mẹ. Thân Sinh bèn ở Khúc Ốc làm lễ cúng mẹ mình rồi dâng thịt cúng cho Hiến Công. Lúc thịt dâng đến, Hiến Công đang đi săn, Ly Cơ bèn bỏ thuốc độc vào. Khi Hiến Công trở về định ăn thì Ly Cơ khuyên rằng: “Đồ ăn từ bên ngoài tới, không thể không thử trước”. Ly Cơ đem rượu đổ trên mặt đất thì mặt đất sủi bọt, Ly Cơ đem thịt cho chó ăn thì chó chết, lại cho một viên quan lại uống rượu thì cũng chết. Ly Cơ ngẩng đầu lên trời, tay đấm ngực khóc lóc, nhìn Thân Sinh mà than rằng: “Đất nước sắp là đất nước của Thái Tử, sớm muộn Thái Tử cũng sẽ làm Vua. Ân tình của Vua cha như thế sao Thái Tử lại nhẫn tâm! Như vậy sao có thể đối đãi với người trong nước, giết cha để cầu được lợi, ai có thể cùng chung lợi ích với Thái Tử đây?”. Hiến Công sai người nói với Thái Tử rằng: “Tự mình xét lại bản thân”. Thái phó Lý Khắc nói: “Thái Tử hãy đích thân đi nói rõ việc này thì có thể sẽ không chết, nếu như không đích thân đi nói rõ thì không thể sống nổi”. Thái Tử nói: “Vua cha tuổi đã cao. Nếu như ta đích thân đi nói rõ thì Ly Cơ nhất định sẽ chết. Vua của chúng ta sẽ do đó mà bất an”, thế rồi tự sát ở miếu Tân Thành.

Tấn Hiến Công giết chết thiếu phó Đỗ Nguyên Khoản, sai Yêm Sở giết Trùng Nhĩ, Trùng Nhĩ chạy trốn sang nước Địch, sai Giả Hoa giết Di Ngô, Di Ngô chạy trốn sang nước Lương, lại đuổi hết các công tử ra khỏi nước rồi lập Hề Tề làm Thái Tử. Sau khi Hiến Công qua đời, Hề Tề lên ngôi làm Vua. Lý Khắc giết chết Hề Tề rồi lập Trác Tử làm Vua, rồi lại giết chết Trác Tử, thế rồi xỉ nhục Ly Cơ, dùng roi đánh chết Ly Cơ. Sau này dưới sự ủng hộ của nước Tần, Di Ngô được lên ngôi Vua, tức là Tấn Huệ Công. Sau khi Huệ Công qua đời đã lập con trai là Thái Tử Ngữ lên làm Vua, tức là Tấn Hoài Công. Người nước Tấn giết Hoài Công ở đất Cao Lương, lập Trùng Nhĩ làm vua, tức là Tấn Văn Công danh tiếng lẫy lừng. Họa hoạn của nước Tấn liên tiếp năm đời mới được yên ổn trở lại.

Kinh Thi có câu: “Phụ hữu trường thiệt, Duy lệ chi giai” (Đàn bà bàn nói lắm lời, Tạo nên thang nấc đến nơi ly loàn). Lại nói: “Triết phụ khuynh thành” (Đàn bà có trí thì nghiêng thành đổ nước) là nói điều này.

 

Có thơ rằng: Ly Cơ kế mẫu, hoặc loạn Tấn Hiến, mưu tiếm Thái Tử, độc tửu vi quyền, quả thí Thân Sinh, Công Tử xuất bôn, thân hựu phục cô, ngũ thế loạn hôn.

(Tạm dịch: Kế mẫu Ly Cơ mê hoặc Hiến Công, mưu hại Thái Tử, quyền biến dùng rượu độc, quả nhiên giết được Thân Sinh. Các Công Tử phải chạy trốn, cuối cùng Ly Cơ cũng bị giết, nhưng nước Tấn loạn lạc năm đời).


CÁC CÂU CHUYỆN KHÁC TRONG QUYỂN 7 – NGHIỆT BẾ TRUYỆN


LIỆT NỮ TRUYỆN

  Tải Sách Liệt Nữ Truyện (Bản in PDF) (13698 downloads )

  Tải Sách Liệt Nữ Truyện (.docx) (13535 downloads )



Chia sẻ bằng cả trái tim! Công đức vô lượng!